Về quê

(Dân trí) - Bà bắt hai chuyến xe khách, một cuốc xe ôm mới về được đến quê. Con đường làng đang dần về trưa, nắng đổ lửa và chẳng một bóng người.


Về quê

Những tưởng dân làng đều đã trú ẩn trong nhà cả, nhưng khi tìm về ngôi nhà xưa kia cũng chỉ lác đác dáng ai, toàn người già và trẻ em. Thanh niên trai tráng, cả nam cả nữ đều đã thoát ly về các thành phố lớn để kiếm kế sinh nhai.

Ở cái vùng nước mặn đồng chua này có canh tác được gì cũng chỉ tạm đủ cho ba bữa ăn, nên mọi người từ từ đi cả, chỉ thảng hoặc nhớ thì về. Như bà cũng đã rời quê mấy chục năm, giờ con cái đã lớn, nỗi nhớ quê càng thêm thấm thía.

Bố mẹ bà có được ba người con, hai gái một trai, song anh trai bà không may bị tai nạn mất. Sau đó có một năm thì bố bà qua đời, chỉ còn bà và chị gái, đều lấy chồng xa hàng hai trăm cây số. Khi mẹ bà mất, tâm nguyện của cụ là được chôn tại nơi sinh ra, cũng vì mẹ bà muốn các con luôn nhớ về tổ tiên.

Song bà bị say ô tô vô cùng, toàn phải nhờ các con chở về bằng xe máy, mà đi đường xa thật vất vả. Nay giữa tuần bà đột ngột muốn một mình về quê thắp cho mẹ nén hương. 

Ngồi trên xe, bà cứ mải nghĩ, mẹ bà khi xưa sống một mình mãi, tin tưởng con của em ruột, nên đã di chúc lại toàn bộ nhà cửa vườn tược đất đai, cho thằng cháu trưởng, với hi vọng nó sẽ thắp hương, thờ cúng cho mình.

Vậy là mỗi lần bà về cứ bơ vơ chẳng biết đi đâu về đâu, chỉ biết ra mộ thắp cho mẹ nén hương, nấm mộ nằm cô quạnh, cỏ mọc xanh rì che phủ hết cả tấm bia. Không lần nào đến mà bà không khóc đỏ mắt cho đến khi về đến tận nhà. Dọn dẹp ngoài đó xong bà mới đi vào làng, về lại ngôi nhà ngày xưa chị em bà sinh ra và lớn lên, nhưng giờ đã bị ông em họ chia năm xẻ bảy, cắt hết cho đám con ông ấy, chẳng còn hình hài gì. Cũng chả ai mời bà vào, vì chúng đã đi hết, có khi tối mịt mới về. 

Bà lại đành vào nhà họ hàng quanh đây, chờ cho đến giờ chuyến xe cuối ngày, để kịp về nhà khỏi muộn. Đến đó, bà lại gặp một ông già bị tai biến đang nằm giường, miệng méo xệch chẳng nói được gì. Bà muốn ngủ lại một tối, để hôm sau thắp thêm cho mẹ nén hương mà nào có ai tiếp. Bà lặng lẽ lau nước mắt, xin phép cáo từ.

Trên con đường làng ra đến đường cái, mãi bà mới nhìn thấy một bóng dáng quen quen, thì ra là một cụ già lắm rồi, vừa mù vừa điếc. “Cụ Soạn à, Cháu V. đây, cháu V. con bà Cả đây mà”. “Ai cơ?”, bà nhắc đi nhắc lại đến ứa nước mắt mà cụ già vẫn lắc đầu, “Không nghe thấy gì đâu”. Bà dúi vào tay bà cụ ít tiền, bà cụ run run nói: “Cho thì tôi xin, nhưng không biết ai đâu, không nhìn thấy gì đâu”, nước mắt bà lại nhòa đi.

Ngồi trên xe khách, bà sầu muộn nhớ ngày cậu em út nhà chồng có ý đập bỏ ngôi nhà cũ, đứng ra xây mới, để hợp lý hóa sang tên mình toàn bộ đất của ông cha. Bà góp ý với ông, thấy hợp lý nên ông họp gia đình và có ý kiến nếu đã đập bỏ nhà cũ thì phải xây riêng cho bố mẹ căn nhà mới, trước mắt là để ông bà có chỗ ở tự do, không mang tiếng ở nhờ con cái trên đất của mình, sau này các cụ có khuất núi thì nhà sẽ thành nơi thờ tự. Con cháu đến thắp hương, lễ ngãi không phải qua nhà chú, không tiện, vì biết đâu cô chú đi vắng nhà.

Vậy nhưng ai cũng không muốn góp tiền, ông bà đành trích chỗ lương dành dụm phòng thân tuổi già ra xây nhà cho bố mẹ. 

Khi đó âm mưu muốn chiếm hết của chú út bị thất bại, chú quay ra làu bàu nói với mọi người ông anh cả có ý chiếm đất từ lâu rồi. Bà bị oan mà chẳng biết nói sao, anh em có ai hiểu tâm tư sâu thẳm trong tim bà. Nghĩ đau lòng bà liền đi về quê cho thanh thản, vậy mà lại vẫn muộn phiền… 

TSL