Vào đại học để… yêu
(Dân trí) - Có những bạn trẻ, vừa bước chân vào đại học, thay vì tỉnh táo nhận ra rằng con đường đi đến tương lai giờ mới chỉ bắt đầu, lại lầm tưởng rằng mình đã dày công “vượt vũ môn” thì nay cứ thế mà bù đắp công sức học tập bằng cách lao đầu vào yêu và hưởng thụ.
NT. là học sinh một trường cấp ba ở Hà Nội. Với nước da trắng ngần, người phổng phao, trông NT. lớn hơn so với các bạn cùng tuổi.
Từ hồi lớp 8, cặp sách NT. đã chứa đầy thư “tỉnh tò”. Những lần T. đạp xe từ trường về nhà, theo đuôi có hàng tá các anh sinh viên đại học đi “gặt lúa non”. Thấy vậy, dù nhà chẳng xa trường, bố mẹ T. vẫn thay phiên nhau đưa đón con đi học.
Ấy vậy nhưng cửa ải phụ huynh cũng không cản được những cậu chàng mới lớn thay nhau gọi điện đến nhà. Cứ khi bố mẹ đi làm, điện thoại lại réo liên tục. Dù đã cắt chiều gọi đi nhưng những cuộc gọi đến vẫn kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Giờ mới cấp ba, T. đã có người yêu - chàng sinh viên hơn cô 4 tuổi. Vốn con nhà bán điện thoại, anh chàng tặng cho T. hẳn một chiếc di động để hai đứa “tâm sự” với nhau mà ông bà già không phát hiện.
“Trời không chịu đất thì đất chịu trời”, bố mẹ T. đành nhượng bộ và giao hẹn cho chàng sinh viên kia phải động viên T. học tập. Phần thưởng đỗ đại học của T. là “muốn yêu đương thế nào thì yêu”.
H.H và L.A yêu nhau từ năm lớp 10 ở QN. Bố mẹ cả hai đều nghiêm khắc nên ngoài việc chơi với nhau trên lớp, H.H chưa bao giờ dám một mình đến nhà L.A. Sinh nhật L.A, H.H chỉ dám trao vội món quà, bó hoa rồi 10h về cùng nhóm bạn để bố mẹ hai bên đỡ nghi ngờ.
Chán cảnh làm “tù giam lỏng”, cả hai tự hứa sẽ cùng đỗ đại học để làm “người tự do” trên thủ đô.
Tháo cũi sổ lồng
Đỗ đại học, bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà, H.H và L.A chẳng lí do gì phải e ngại nữa. Giờ L.A ở tận Cổ Nhuế, còn H.H trọ gần trường ĐH Hà Nội, tuần gặp nhau một hai lần, chuyện đưa đón đi học, đến nhà nhau rồi về thành “xưa như diễm”.
Có khi H.H đi liên hoan rồi về phòng trọ L.A cho “tỉnh rượu”, hoặc L.A đến nhà H.H quét dọn nấu nướng, “làm vợ” luôn. Cao hứng, những khi nhận tiền viện trợ từ quê, cả hai rủ nhau vào nhà nghỉ.
N.T may mắn đỗ vớt nguyện vọng hai trường dân lập PĐ. Bị “phần thưởng treo” từ thời cấp ba giam hãm, nay cô không bỏ phí một cơ hội nào để giải tỏa khát khao.
Trong khi bạn bè các tỉnh lên Hà Nội còn loay hoay tìm chỗ trọ, tìm cách thích nghi với cách học mới thì NT tranh thủ ngành học du lịch của mình, tìm các tour du lịch về các tỉnh để đi “du hí” với người yêu nay đã ra trường, mở công ty riêng.
Đến năm thứ hai, NT kiên quyết đòi bố mẹ cho cưới vì “bác sĩ bảo thế”. Dù tiếc nuối quãng đời sinh viên đẹp của con gái nhưng bố mẹ cô đành tặc lưỡi an ủi “may mà thằng ấy nó còn rước”.
Đánh rơi tương lai
Sinh viên - quãng thời gian để bạn rèn luyện, tu dưỡng trở thành người có ích, thành đạt. Tiếc thay nhiều bạn vừa bước chân vào cổng trường đại học đã coi đây là thời gian “nghỉ xả giàn” sau nhiều năm dùi mài kinh sử, sau nhiều năm gò bó, chịu “kìm kẹp” bởi bố mẹ.
Các bạn cứ thế “bung ra” trong cách sống mà quên mất mọi cái mới chỉ vừa bắt đầu. Tuổi trẻ không thể thiếu tình yêu, nhưng coi nó là mục đích hàng đầu tới mức đốt cháy giai đoạn thì bạn đang phí hoài tuổi thanh xuân và từng bước đánh rơi tương lai, phụ công quá khứ của mình đó.
Nguyễn Triệu Thanh Tâm