Ức chế vì 25 năm “quan hệ” với đàn bà mà chẳng đi đến đâu

Người ta cảm thấy hôn nhân như một "hợp đồng" quá nhiều rủi ro nên tỷ lệ chung sống không hôn thú tăng lên rất nhanh. Việc “quan hệ” mãi không đến đích không chỉ làm đàn bà “đứng ngồi không yên” mà không ít anh cũng bực bội.

Gần đây, một anh chàng chạc ngoại tứ tuần tên Hùng đã đến chia sẻ với tôi trong tâm trạng bức xúc. Anh Hùng tâm sự: "Nhìn lại tất cả các mối quan hệ của tôi với đàn bà trong 25 năm qua thật đáng buồn vì nó chẳng đi đến đâu cả. Tôi không biết tại sao?”.

Anh này kể anh có đủ điều kiện để kết hôn: có ô tô, có nhà, công việc ổn định, sống riêng, hình thức 7-8 điểm/10, vậy mà 43 tuổi rồi anh vẫn chưa “chốt” được đám nào để kết hôn. Hồi mới đôi mươi, anh ta luôn cảm thấy mình còn trẻ nên cứ sa đà yêu đương, chơi bời. Cứ cô người yêu nào mè nheo, khó chịu là anh ta bỏ, bỏ rồi lại yêu cô khác khá dễ dàng. Đến khi 25-27 lại muốn tập trung cho công việc, bận rộn tìm cơ hội thăng tiến.

Nhưng bắt đầu qua tuổi 30, anh Hùng bắt đầu ngược xuôi nhìn lên nhìn xuống để kiếm vợ. Nhưng những phụ nữ trạc tuổi thì anh ta thấy quá “dừ”, quá xấu. Cô nào xinh một tí đã yên bề gia thất. Anh Hùng đi tìm các em xinh non tuổi 20-22 để yêu. Nhưng chỉ độ 2-3 tháng yêu đương là anh ta chán phè.

“Các em sinh viên dăm bữa lại có một buổi sinh nhật, tụ tập, tuổi tôi mà còn phải ngồi xếp chân ăn kẹo, thổi nến trong ký túc xá thì chịu sao thấu. Đã thế dăm bữa em đòi đi xem phim lãng mạn, bảy ngày lại đòi dậy sớm lên vườn hoa Nghi Tàm nghiêng sang trái sang phải chụp hình, hoặc mùa đông rét cắt thịt đòi đi ăn kem… Vậy là tan. Khi tiêu chuẩn của tôi “rớt” xuống các em 27-28 tuổi thì chính các em lại không muốn lấy chồng. Tôi không hiểu phụ nữ” – Hùng bức bối.

Hình như đã xuất hiện một vết nứt khá lớn giữa hai giới. Phụ nữ thấy đàn ông đang ngày càng giống họ. Đàn ông lại cảm thấy phụ nữ có thể sống hạnh phúc mà không cần có chồng.

Qua đầu 4 thì mơ ước một đám cưới trở nên xa vời (Ảnh minh họa IT)
Qua "đầu 4" thì mơ ước một đám cưới trở nên xa vời (Ảnh minh họa IT)

Tình hình trở nên nghiêm trọng kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, khi các con số thống kê cảnh báo về sự tan vỡ hàng loạt gia đình của người Mỹ trong 15 năm đầu của hôn nhân, lên tới gần 50%. Nhưng bây giờ không chỉ người Mỹ mà nhiều quốc gia khác từ Âu sang Á tỷ lệ ly hôn đều gia tăng và ngày càng nhiều những người mẹ đơn thân nuôi con một mình.

Sự thiếu lòng tin vào hôn nhân khiến cho tỷ lệ kết hôn giảm xuống đáng kể so với cách đây mấy chục năm. Người ta cảm thấy hôn nhân như một "hợp đồng" quá nhiều rủi ro nên tỷ lệ chung sống không hôn thú tăng lên rất nhanh. Cách đây không lâu, thanh niên Việt hăm hở kết hôn ở tuổi 22. Nhưng bây giờ trung bình chậm lại chừng 5 năm. Nguyên nhân là hầu hết mọi người đều muốn dành thời gian học, rồi phấn đấu trong công việc. Đến độ 27-28 mới “ngẩng mặt” lên để tính đến chuyện lấy vợ, lấy chồng.

Ngày nay những chàng trai 30 chưa lấy vợ ngày càng nhiều. Dường như cuộc sống tự do yêu đương hò hẹn hấp dẫn hơn là tan sở phóng vội về nhà nấu cơm cùng vợ hay vừa lau nhà vừa cõng con. Thậm chí cả những anh “đầu 4” hỏi vợ con thế nào chỉ lắc đầu. Đến lúc này, kịch bản có thể lại xảy ra như với anh Hùng, các cô gần tuổi chê già mà các em trẻ lại không chịu nổi.

Nhìn sang Nhật Bản, một đất nước có thu nhập bình quân hơn chúng ta vài ba chục lần đang phải lo sốt vó vì 61% nam giới và 49% nữ giới trong độ tuổi 18 - 34 không lấy vợ lấy chồng. Đàn ông không lấy vợ một phần cũng vì phụ nữ cũng chẳng vội lấy chồng. Làm vợ không còn là mục tiêu hàng đầu của các cô gái Nhật vì họ hiểu rằng một khi mang bầu hay chỉ đơn giản là kết hôn cũng đã khó có thể duy trì công việc nhiều áp lực và khó bề thăng tiến.

Tuổi càng tăng thì tỷ lệ kết hôn càng giảm và đến 35 hay 40 thì khả năng sống độc thân suốt đời càng rõ. Độ tuổi đó hay phát sinh tâm lý ngại yêu, ngại kết hôn và ngại sinh con. Đến khi bước sang "đầu 5" vẫn muốn tìm gái trẻ càng khó. Bạn trẻ nên biết rằng tuổi xuân không chờ đợi mãi?

Bạn nói là quá bận không có thời gian ư? Có lẽ bạn nên biết câu: “Việc gì phải làm trước thì làm trước, việc có thể làm sau hãy làm sau”. Nếu bạn mải làm những việc khác để nó qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Trong khi có những việc có thể làm cả đời thì bạn lại làm trước, đó là suy nghĩ sai lầm.

Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm