Tức nước vỡ bờ

Đứng trước cổng tòa án, nhìn cô con gái ngập ngừng nửa tiến, nửa lui, bà mẹ vừa trách, vừa an ủi: “Đã bảo con một vừa hai phải rồi, giờ chuyện đã đến đây thì cố níu tới đâu hay tới đó”.

 
Tức nước vỡ bờ  - 1


Nói xong, bà kéo tay con bước vào phòng xử án. Nơi đó, người chồng của con gái bà đang ngồi chờ trong vai trò nguyên đơn của vụ ly hôn.

 

Phiên tòa bắt đầu. Vị chủ tọa hỏi anh Nguyễn Văn Thành: “Anh là nguyên đơn, nên hãy trình bày lý do ly hôn”.

 

“Chúng tôi kết hôn năm 2002 sau hơn một năm yêu nhau. Hai năm đầu vợ chồng rất hạnh phúc, chúng tôi cùng đi làm, cùng vào bếp, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng, từ khi vợ tôi đi học nâng cao và học thêm văn bằng hai đại học buổi tối thì cô ấy thay đổi hoàn toàn: Không xem trọng gia đình và coi thường chồng.

 

Tôi biết vợ vừa đi làm, vừa đi học rất mệt nên đã làm hết việc nhà cho vợ an tâm phát triển sự nghiệp. Cô ấy không hiểu đó là sự thông cảm, chia sẻ của chồng, mà xem như là sự nhu nhược của tôi và lấn lướt. Sáng tôi đưa con đến trường, chiều đón con rồi ghé chợ mua đồ về chuẩn bị bữa tối. Vợ tôi về là con cái đã được tắm sạch sẽ, nhà cửa dọn dẹp tươm tất, cơm canh nóng bày sẵn. Vậy mà rất nhiều lần cô ấy mới nhìn thức ăn là đã chê õng ẹo: “Nấu gì giống cho lợn ăn thế này?”, hoặc nhẹ hơn thì “trông chẳng ngon gì cả”, rồi lấy xe chở con ra ngoài ăn, chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc của tôi.

 

Cứ có chuyện gì không vừa ý là cô ấy làm ầm lên. Tôi là đàn ông thì không thể tỉ mỉ như phụ nữ được. Nhà bếp, nhà vệ sinh tôi cũng chẳng nề hà dọn dẹp, vậy mà cô ấy quát tháo bảo tôi “ở dơ, làm cẩu thả”. Tôi đã góp ý với cô ấy, thậm chí còn nhờ mẹ vợ khuyên bảo giúp nhưng cô ấy chẳng chút thay đổi. Bạn bè, người thân của tôi biết chuyện, đã khuyên tôi ly hôn lâu rồi, chỉ vì thương con, thương vợ nên tôi vẫn nhường nhịn để gia đình êm ấm, hy vọng cô ấy sẽ thay đổi. Cô ấy được đằng chân lân đằng đầu mãi, xem tôi chẳng khác người giúp việc nên tôi không thể tiếp tục chung sống được nữa”.

 

Trước những lời của chồng, chị Loan - người vợ - không biểu lộ cảm xúc gì, chỉ cúi mặt, hai tay bấu chặt vào thành ghế. Chỉ có bà mẹ là lúc nhíu mày, lúc lắc đầu, thở dài theo câu chuyện của con rể, rồi quay sang người bên cạnh: “Đấy, tôi đã bảo cái Loan nhiều lần đừng lấn lướt chồng quá nhưng nó cứ bảo tôi lo xa. Nó thấy chồng hiền lành, không la cà nhậu nhẹt với bạn bè, chỉ biết có vợ con nên nghĩ chẳng bao giờ chồng dám bỏ mình. Hơn nữa, mỗi khi cái Loan trịch thượng, chồng lại nhịn nên nó không biết mình sai và càng quá đáng hơn. Đến khi chồng bảo ký vào đơn ly hôn, nó vẫn nghĩ là chồng giận làm vậy thôi, nào ngờ chồng nó nộp đơn ra tòa thật. Mấy lần hòa giải, chồng nó vẫn không chịu rút đơn. Nó sáng mắt ra thì đã muộn”.

 

Không cần đợi tòa hỏi, chị Loan đã thừa nhận lời của người chồng hoàn toàn là sự thật. Chị cũng nhận mình đã sai khi hành xử như thế. Chị xin tòa bác đơn ly hôn của chồng vì chị vẫn còn yêu anh, hứa sẽ thay đổi. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phân tích lỗi của chị Loan khi không làm tròn nghĩa vụ của người vợ, lại hành xử quá đáng và động viên anh Thành suy nghĩ lại, cho vợ và gia đình một cơ hội. Tuy nhiên, anh kiên quyết: “Tôi vốn là người hiền lành, không hơn thua. Chuyện gì nhường được, bỏ qua được tôi đã bỏ qua, nhưng đến nước này thì tôi không thể. Sống với cô ấy tôi thấy mình nhục và hèn lắm. Dù tòa có bác đơn thì tôi cũng sẽ tiếp tục xin ly hôn”.

 

Nước mắt chị bắt đầu rơi khi biết mái ấm gia đình đang vuột khỏi tầm tay. Chị nói ngắn gọn: “Anh ấy đã nói thế thì tôi biết không thể giữ lại được, tùy vào sự phán quyết của tòa”. Cuối cùng, HĐXX tuyên chấp nhận ly hôn của anh Thành.

 

Phiên tòa kết thúc, anh Thành gật đầu chào mẹ vợ, bước nhanh ra cổng. Chị Loan nức nở trên vai mẹ. Có lẽ, chị đang nhớ lại lời của HĐXX: “Hiếm ai có được người chồng vừa đi làm, lại vừa chu toàn việc nhà và thương yêu vợ con như chồng chị. Một người chồng tốt như thế mà chị không biết trân trọng, để đến khi mất rồi mới tiếc nuối. Hạnh phúc gia đình tìm đã khó, giữ được lại càng khó hơn. Để có hạnh phúc thì cả vợ chồng đều phải vun đắp; một người giữ mà người kia buông thì không thể nào có được”.

 

Theo Giang Thùy

PNO