Tựa vai đàn bà

Tôi vốn là loại đàn ông coi thường phụ nữ. Ở công ty tôi, phụ nữ chỉ là những chân sai vặt, giúp việc. Còn ở nhà, vợ tôi chỉ là người chăm sóc con cái, nhà cửa. Bao thăng trầm trong công việc, tôi chưa từng hé môi với vợ.

Cô ấy cũng biết nên chưa bao giờ dám hé hỏi han gì đến công việc, tiền bạc… của tôi. Hằng ngày cô ấy chỉ lẳng lặng chăm sóc cha con tôi từ bữa ăn tới giấc ngủ. Tôi nghĩ phụ nữ như thế là đủ.

 

Tôi ủng hộ kiểu gia đình truyền thống: chồng đi làm, vợ ở nhà nuôi con. Phụ nữ càng ít hiểu biết, ít tự do, càng chu toàn bổn phận. Như thế mới bảo đảm hạnh phúc gia đình. Tôi rất ghét những ông chồng làm được bao nhiêu tiền đem nộp hết cho vợ, mỗi lần chi dùng phải hỏi, phải xin. Mà phụ nữ lại chúa tiết kiệm, hay so đo, hạch sách… Tôi chỉ đưa cho vợ tôi tiền sinh hoạt hàng ngày đủ cho cô ấy xài, còn tài sản vốn liếng của tôi cô ấy không được biết.

 

Nhìn các con được chăm sóc chu đáo, dạy dỗ ngoan ngoãn, nhà cửa ngăn nắp, nề nếp, vợ hiền lành, dịu dàng biết vâng lời và chìu chuộng chồng… tôi cảm thấy mình thành công trên mọi lĩnh vực.

 

Thế nhưng ở đời mọi chuyện đều có giới hạn. Một mình tự quyết định mọi việc, rồi tôi cũng phạm sai lầm. Món nợ 4 tỷ đồng từ một vụ làm ăn thua lỗ khiến tôi lao đao. Có khả năng tôi vào tù. Cứ nghĩ đến cảnh những đối thủ cạnh tranh, những người vốn ghen ghét tôi từ trước sẽ hả hê thế nào khi hay tôi sa cơ thất thế. Rồi vợ con tôi sẽ đói khổ, nheo nhóc thế nào khi gia đình khánh tận, lòng tôi se thắt.

 

Về nhà, tôi như cái xác không hồn, trống rỗng, vô tri. Vợ tôi đón tôi với vẻ dịu dàng vốn có. Cô ấy không tra hỏi nhưng khéo léo gợi chuyện. Khác vời những lần trước, tôi không che giấu khó khăn của mình. Tôi nói một hơi như để xả stress chứ chẳng trông mong cô ấy chia sẻ được nỗi lo của mình. Lắng nghe với sự chăm chú, cảm thông, cô ấy ôm vai tôi tỏ vẻ đồng cảm.

 

- Anh ạ, số tiền lớn ấy khó có khả năng mượn ở một hai người. Có lẽ chúng mình phải bán ngôi nhà này đi mới đủ để trả nợ.

 

Tôi gạt phăng:

 

- Bán thì mấy mẹ con em ở đâu. Anh làm anh chịu. Chẳng thà anh ở tù, để nhà cửa, của cải lại để em nuôi con.

 

Khác với sự phục tùng vốn có, cô ấy lắc đầu cương quyết:

 

- Em đâu chỉ nuôi con bằng tiền, em còn phải nuôi con bằng danh dự của gia đình, đạo đức của người cha. Làm sao các con có thể khôn lớn nên người mà thiếu sự dạy dỗ của cha chúng. Làm sao em có thể yên tâm khi anh chịu cảnh tù tội?

 

- Vậy chứ em muốn chết chùm cả đám hay sao?

 

- Tại sao anh lại nghĩ rằng cả gia đình cùng chia ngọt sẻ bùi, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn lại có thể là chết chùm?

 

Tôi trước nay rất mạnh miệng với vợ con, nhưng lần này cứng họng không thể trả lời. Chẳng phải vì giờ đây tôi sa cơ nên bị vợ lấn át, mà vì lý lẽ của cô ấy khiến tôi bị đuối lý. Mặc dù trước nay tôi chẳng cho cô ấy đứng tên bất kỳ tài sản gì trong gia đình, nhưng cô ấy vẫn dành dụm được số vốn kha khá. Tôi ngoan ngoãn ngồi nghe cô ấy hoạch định chuyện tương lai.

 

Rồi chúng tôi bán căn nhà. Số tiền đó đủ để trả một phần nợ nần. Vợ tôi vay mượn của anh em bà con thêm, bán hết số nữ trang vật dụng trong nhà và cả những khoản tiết kiệm từ chi phí hàng ngày cũng được một số tiền lớn. Sau đó gia đình tôi về ngoại ở, bên nhà tôi cũng giúp một số vốn nữa. Tôi tiếp tục tìm những nguồn hàng mới, xuất hết số hàng tồn kho để trả nợ. Có vợ tiếp sức, tôi như mạnh mẽ hẳn lên.

 

Nhận thêm nhiều hợp đồng mới, tôi có vốn để trả hết nợ cũ. Ròng rã suốt hai năm, tôi cố sức làm ăn để bù đắp khoản thiếu hụt. Vợ tôi động viên con cái cùng chia sẻ hoạn nạn với ba, chịu khó sống cảnh chật chội, chung đụng với bên ngoại, chịu ăn uống kham khổ để ba bớt gánh nặng gia đình, toàn tâm toàn ý lo chuyện kinh doanh.

 

Cuối cùng, đâu đó cũng ổn thoả, việc làm ăn của tôi cũng dần ổn định. Lần này, tôi không còn chủ quan như lần trước, những hợp đồng lớn tôi đều về kể với vợ. Tuy cô ấy không có kiến thức để giúp tôi trong thương trường nhưng bằng linh cảm của người vợ, cô ấy giúp tôi biết lượng sức mình, hạn chế mạo hiểm để tránh rủi ro. Mỗi lần thành công, tôi đều mang hết tiền về đưa cho vợ, để dành mua lại căn nhà mới.

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ơn trời, tôi đã có một tài sản vô giá, đó là điểm tựa nơi người vợ. Xưa, tôi thường cho rằng: ”Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Giờ thì tôi lại tâm niệm rằng: ”Gái ngoan làm quan cho chồng”. Bạn bè bảo tôi dựa vai đàn bà. Có một bờ vai mềm mại dịu dàng lại vững vàng như bàn thạch, đàn ông dại gì mà không... dựa vào.

 

Hồi trước tôi chỉ chê cô ấy là đàn bà mà quên rằng chính bản thân mình cũng do chính một người đàn bà sinh ra, và chính họ mới là người tạo ra thế giới này.

 

Theo Trần Minh Vũ

Phụ nữ chủ nhật