Từ vụ đánh ghen ở hồ Tây: Bàn chuyện "bắt gian tình" sao cho có văn hóa

(Dân trí) - Nhân vụ việc đánh ghen ở hồ Tây gây ùn tắc giao thông đường phố, xôn xao cả cõi mạng, nhìn lại thấy cũng không ít lần các chính thất nổi máu ghen đi bắt gian tình, như vụ ở Bà Triệu, ở Lý Nam Đế...

Từ vụ đánh ghen ở hồ Tây: Bàn chuyện bắt gian tình sao cho có văn hóa - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Mỗi một cuộc ồn ào rồi cùng lùi sâu, những người trong cuộc dù tức giận hay khổ đau rồi vẫn phải dàn xếp, hòa giải, ổn định lại cuộc sống của mình, nhưng điều mỗi cuộc đánh ghen đọng lại sẽ thường là ấn tượng ầm ĩ, bê bối của nó mà mỗi khi nói đến ngoại tình, phản bội, ghen tuông, người ta lại mang ra bàn tán, nhắc nhở.

Khi một vụ đánh ghen xảy ra, đa phần đều bắt nguồn từ cơn thịnh nộ của chính thất, tất cả đều vì sự bực tức dồn nén khi chồng hợp pháp, người yêu công khai của mình đi ngoại tình với người khác, lừa dối và phản bội.

Hành động "đánh" ghen là nhằm thỏa mãn, vuốt ve sự tức giận bức xúc, họ mong muốn nhìn thấy kẻ phá hoại, kẻ gây ra đau khổ cho mình phải bị đau đớn, tổn thương về thể xác, nhục nhã về tinh thần, họ tin rằng kết quả đó sẽ là sự bù đắp cho những bẽ bàng, uất ức mà họ phải chịu đựng do đôi gian tình gây ra.

Song thực tế thì, khi một vụ việc đánh ghen ầm ĩ qua đi, người trong cuộc thường không có được sự hả dạ mà họ mong muốn.

Các hậu quả diễn ra sau đó nhiều khi còn khiến họ cảm thấy tổn thương hơn, mất mát nhiều hơn. Ví dụ như các kịch bản đã từng xảy ra trong thực tế: Chồng vì bênh bồ mà đánh vợ ngay giữa chốn đông người, vì bênh bồ mà kiện vợ tội coi thường luật pháp, ví dụ chồng thường ngày đi cặp kè có chút cảm giác tội lỗi với vợ nhưng khi nhìn vợ "ba máu sáu cơn" thì cảm giác ấy mất hẳn, chỉ còn muốn "phế hậu" ngay lập tức. Bản thân cô bồ cũng chịu đủ nhục nhã ê chề khi bị lôi ra giữa bàn dân thiên hạ và gắn mác cướp chồng, bị lột đồ, xé quần áo...

Ngần ấy hậu quả gây ra cho 3 bên, thì nói chuyện hàn gắn gần như đã là không tưởng. Đi qua một trận đánh ghen, giống như ngôi nhà tranh vừa bị quét bởi một trận bão lớn, tơi bời, xơ xác, trống trải, không còn gì.

Câu chuyện đặt ra là, vậy nên "đánh ghen" làm sao cho có văn hóa? Giải quyết được bức xúc của mình, xử lý được chuyện cá nhân của mình mà không kinh động đến người ngoài, không để dư luận phải cười chê?

Nhiều người ở vị trí chính thất từng trải qua việc chứng kiến chồng ngoại tình đã cho biết rằng, họ cảm thấy thật may mắn vì khi ấy mình đã không cáu giận mất khôn mà đi đánh ghen. Tới một lúc nào đó, khi tâm đã yên, nhìn lại sẽ thấy rằng, tranh giành một người đàn ông đến mức phải đánh đấm tả tơi, rơi vào bộ dạng đầu bù tóc rối, áo quần xô xệch thật chính là đẩy mình vào chỗ trở nên đáng thương hơn cả.

Với một người đàn ông bội bạc, chỉ nên xem anh ta như một món đồ đã hỏng mà thôi. Đồ hỏng thì bỏ đi, không cần phải giành giật. Bởi có giật lại được mình cũng đâu còn muốn dùng.

Là phụ nữ, điều quan trọng nhất là xinh, là tươi, và sống cho hạnh phúc. Đời có phải chỉ có mỗi người đàn ông ấy đâu, ngoài kia còn nhiều đàn ông tốt, sẽ có một người khác là để dành cho mình, một người xứng đáng hơn.

Vậy nói cho cùng, đánh ghen có văn hóa là đánh ghen trong... bình tĩnh. Các chính thất trước hết hãy bình tĩnh nhìn nhận sự việc, bình tĩnh phân tích tình hình, thu thập chứng cứ, bình tĩnh nhắc nhở bản thân xác định luôn tư tưởng là cần kiểm tra xem đồ bị giật đã hỏng hẳn chưa, còn dùng được không để mà xác định trong trường hợp cần thiết là... cho đi hẳn.

Tuyệt đối không nghĩ đến việc làm nhục, gây đau đớn thể xác cho kẻ thứ ba, tung clip nóng... bởi như vậy bạn rất dễ đẩy mình vào vị thế của người vi phạm pháp luật, với các tội như làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...

Nhớ rằng trong mọi trường hợp, bạn là vợ hợp pháp và sẽ được pháp luật, dư luận ủng hộ. Đừng nghĩ việc chồng ngoại tình sẽ làm bạn không dám nhìn ai. Đó không phải lỗi của bạn. Kẻ ngoại tình mới là kẻ có lỗi.