Từ chối ở rể, không ngờ "bố vợ" không muốn gả con gái cho tôi
(Dân trí) - Tôi cứ nghĩ bố bạn gái sẽ rất hài lòng khi con rể tương lai có chí khí, tự trọng, cưới vợ không phải vì tiền. Thế nhưng mọi chuyện lại không giống như tôi tưởng.
Tôi năm nay 28 tuổi, xuất thân là con nhà nông dân. Từ nhỏ, tôi đã thấy được sự vất vả của bố mẹ, cảnh thiếu thốn của gia đình nên quyết tâm học thật giỏi. Bởi vậy, nhà có bốn anh em nhưng chỉ có tôi học tới đại học, còn các anh chị đều tốt nghiệp cấp ba là tìm kế mưu sinh.
Tôi chính là niềm tự hào của bố mẹ. Tuy tôi chưa giàu có, chưa lo được cho bố mẹ như con nhà người ta, đối với bố mẹ, nhìn thấy tôi được "ăn trắng mặc trơn", công việc ổn định là hạnh phúc lắm rồi.
Sống ở thành phố, có cơ hội gặp gỡ nhiều cô gái nhưng tôi luôn có suy nghĩ mình sẽ lấy vợ xuất thân nhà quê. Không phải tôi sợ "trèo cao", mà vì tôi nghĩ những người có cùng xuất thân, hoàn cảnh thì dễ hiểu, dễ đồng cảm và phù hợp về cách sống với nhau hơn.
Tôi sợ những cô gái thành phố chưa từng "chân lấm tay bùn", chưa từng thiếu thốn, nghèo khổ sẽ có cái nhìn không thiện cảm mỗi khi về nhà chồng nghèo khó, chân quê.
Thế nhưng, "người tính không bằng trời tính". Cuối cùng, người con gái tôi yêu lại là dân Hà Nội gốc, còn là con một của gia đình giàu có, lớn lên trong nhung lụa. Hóa ra trong tình yêu thật sự thì không có thứ gọi là lựa chọn, chỉ có sự rung động và khao khát có nhau mà thôi.
Khi mới yêu, tôi cũng lăn tăn vì hoàn cảnh hai gia đình khác biệt. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy bạn gái tôi lớn lên trong đủ đầy nhưng bản tính lại giản đơn nhân hậu.
Có dịp tôi đưa cô ấy về quê, cô ấy tỏ ra rất thích thú với ruộng vườn, còn khen người ở quê dễ gần, chân chất. Gia đình tôi rất yêu quý cô ấy. Nhưng gia đình cô ấy đối với tôi thì không được bằng lòng.
Cũng dễ hiểu vì sao bố mẹ bạn gái không thích tôi. Với con gái họ, không thiếu những chàng trai có điều kiện tốt hơn là chàng trai tỉnh lẻ với thu nhập bình thường, nhà xe đều chưa có. Họ chấp nhận tôi, có lẽ vì họ yêu chiều con gái. Với một số bố mẹ, chỉ cần con hạnh phúc là được.
Mấy hôm trước, nhân ngày sinh nhật mẹ bạn gái, cô ấy mời tôi tới nhà ăn bữa cơm thân mật. Họ đón tiếp tôi không vồn vã, cũng không lạnh nhạt, đủ để tôi thấy họ lịch sự và tôn trọng tôi.
Sau bữa cơm, trong lúc ngồi uống trà cùng bố bạn gái. Bác ấy hỏi tôi sau này hai đứa cưới nhau thì nhà cửa tính thế nào, định ở đâu. Tôi bảo hiện tại, tôi chưa mua được nhà nhưng tương lai sẽ phấn đấu. Sau cưới, tạm thời tôi sẽ thuê một căn hộ ở gần chỗ làm của vợ để tiện cho cô ấy, còn tôi đi làm xa một chút không sao.
Bác ấy lại nhìn tôi như cân đo điều gì rồi nói:
- Bác tính thế này, cháu xem có hợp lý không? Đằng nào thì hai đứa cũng chưa có điều kiện mua nhà, còn nhà bác thì rộng rãi thế này. Con gái lấy chồng, nhà chỉ có hai ông bà vào ra cũng buồn. Sau cưới, hai đứa có thể về đây ở. Từ chỗ này hai đứa đi làm đều tiện. Mọi thứ đều có bố mẹ lo cho. Tiền kiếm được hai đứa cứ để dành, khi nào đủ thì mua nhà.
- Nếu chưa có nhà thì cháu sẽ thuê nhà bác ạ. Đàn ông con trai mà đi ở rể, người ngoài nhìn vào cũng sẽ coi thường, cho rằng cháu vô tích sự, "ăn bám" nhà vợ. Cháu nghèo nhưng cũng có lòng tự trọng của người nghèo bác ạ. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", miễn yêu nhau thì ở đâu cũng được, phải không bác?
Bác ấy chăm chú nghe tôi nói, sau đó không nói thêm gì nữa, chỉ bảo tôi cứ ngồi chơi, bác mệt rồi đi nghỉ sớm.
Lúc trả lời như vậy, tôi nghĩ bác ấy có lẽ rất hài lòng khi con rể tương lai có ý chí, có lòng tự trọng, không dựa dẫm hay ỉ lại nhà vợ, cưới vợ không phải vì tiền. Thế nhưng mọi chuyện lại không giống như tôi nghĩ.
Bởi sau khi tôi về, bạn gái gọi điện cho tôi, nói rằng bố cô ấy rất không hài lòng vì những quan điểm của tôi. Ông bảo tôi sĩ diện hão, nói năng hỗn hào, đối đáp với người lớn thiếu cẩn trọng, chừng mực. Ông còn bảo tôi tính cách bảo thủ, gia trưởng, làm vợ tôi có khi sẽ chịu khổ và khuyên con gái nên suy xét lại chuyện kết hôn.
Tôi không hiểu sao chỉ vì một câu trả lời về việc tôi không đồng ý ở rể mà bố bạn gái lại nhận xét tôi với nhiều nhược điểm như vậy.
Nếu nói sĩ diện, có thằng đàn ông nào lại không có sĩ diện. Thử hỏi, nếu tôi ở rể thì có được sống một cách tự do thoải mái không, hay đi đâu làm gì cũng phải để ý trước sau nhìn sắc mặt bố mẹ vợ?
Rồi nói không dám nói to, cười không dám cười lớn. Rồi vợ sai quấy có dám lớn tiếng bày dạy hay không? Tôi không thể vì chưa mua được nhà mà chịu nhục, mang tiếng "chui gầm chạn" được.
Tôi suy đi nghĩ lại vẫn không thấy mình nói sai chỗ nào khiến bố vợ tương lai phải giận. Có phải vì họ không ưng tôi nên tôi nói gì cũng không vừa tai, làm gì cũng không vừa mắt hay không?