Trường kì “ăn cơm trước kẻng”
Trước khi cưới, chàng trai phải sang ở rể cho bên nhà gái đến hơn chục năm. Lúc đón dâu về nhà, chàng rể cũng đón luôn cả đàn con dăm bảy đứa. Đó là tục lệ ở rể bao đời nay của người La Ha ở xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Đó là nơi heo hút rừng sâu, bao đời nay bà con dân tộc thiểu số sống dựa vào thiên nhiên, định mệnh. Luật tục đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Luật tục vùng cao luôn mang màu sắc kỳ bí, huyền thoại. Những luật tục đôi khi đẫm nước mắt vì khắc nghiệt, nhưng có lúc cũng lắm tiếng cười.
Giữa trưa, dưới chân núi Ha Bi, Lò Văn Sương (28 tuổi) vẫn say sưa ngồi đan lưới. Công việc hằng ngày của anh rất "đơn giản": làm tất cả những gì nhà vợ giao và chỉ được nghỉ khi vợ cho phép. Bù lại anh được phép... ngủ với vợ dù chưa làm lễ cưới chính thức.
Sương khoe: "Mình có em bé rồi, nó đang trong bụng mẹ ấy mà". Thế nhưng khi tôi hỏi thăm lý lịch của vợ, Sương lúng túng như gà mắc đẻ: "Cán bộ chờ tí, mình sẽ đi hỏi nó tên gì, mình chưa biết tên nó".
Dân số người La Ha khoảng 1.400 người, sinh sống ở các làng bản xa xôi tại vùng Tây Bắc, nhiều nhất là hai tỉnh Sơn La và Lào Cai. Người La Ha không có tục đa thê, trai gái được tự do tìm hiểu, nhưng nguyên tắc bắt buộc là nam giới khi lấy vợ phải ở rể trong nhiều năm.
Một người bà con bên vợ thanh minh giúp cho Sương: "Quê nó tận bên Bá Kiềm, sang đây ở rể chưa đầy năm. Mà vợ nó giao cho chăm sóc cả chục sào lúa, sắn ở bên kia đỉnh Ha Bi, cách đây hơn năm giờ đi bộ đường núi. Hôm nay cuối tuần, bố vợ lên thay nó mới được về nên rất ít biết chuyện bên nhà vợ, suốt ngày ở trên rẫy làm sao biết tên vợ được".
Chạy đi chừng ít phút, Sương quay lại nói: "À, mình biết tên con vợ mình rồi, nó tên Lò Thị Hạt, tên bố nó là Lò Văn Chon, nhà nó có sáu người à”. Sương lại lúng ta lúng túng khi tôi hỏi dự định ngày cưới: "Ái chà, bố vợ chỉ mới cho mình làm lễ "thu khôm phạc" (lễ chung chăn, chung chiếu) thôi, còn lễ cưới to thì khi nào mình làm trả đủ công bố mẹ con vợ và bảo mang lễ vật sang thì mình mới tính, nó chưa cho phép đâu cán bộ ạ”.
Một "đàn anh" của Sương vừa hoàn thành "nghĩa vụ" ở rể là Lò Văn Tún. Tún khá may mắn vì bố vợ thương chàng rể siêng năng hay làm, nên ông chỉ bắt Tún ở rể ba năm rồi cho làm đám cưới. Khi tiễn con gái về nhà chồng, ông bố còn mát tay tặng con rể quý một con trâu và nhiều chăn bông, nệm ấm. Một năm sau khi làm đám cưới, vợ Tún mới sinh thằng cu. "Ấy là tao đã tình cảm với thằng Tún lắm rồi, hồi trước tao đi cưới vợ, ở rể như đi phu mở đường qua núi. Ở đến 12 năm mới được bố mẹ vợ tặng trâu và cho cưới, cực như trâu, được cái nó cho ngủ với vợ mỗi đêm", ông Lò Văn Sả, bố vợ Tún, nói.
Năm nay đã bước sang tuổi 104 nhưng bà Lò Thị Hặc, người ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm vẫn còn khỏe lắm. Bà có thể ngồi đan gùi, đan sọt cả buổi mà chẳng thấy đau lưng, nhức mỏi gì. Cạn hai chén rượu đầy, bà Hặc thì thầm kể: "Hồi trẻ, tao có đến 60 người yêu, trong số ấy một thằng ở cùng bản là được tao chọn cho ở rể. Vậy mà "cơi poóng" (lễ ăn hỏi) cũng phải mấy lần mới xong, vì cứ ra khỏi nhà một đoạn là thấy con nai, con hoẵng đằng xa. Ấy là điềm gở, phải quay về. Nhưng thằng ấy vẫn kiên nhẫn chờ đợi qua bao mùa trăng. Đến ngày "thu khôm phạc", người nhà nó mang rượu ngon, lợn béo, vòng bạc, váy hoa... sang chất đầy cả một nhà tao mới cho chung chăn, chung chiếu. 12 mùa rẫy trôi qua, tao sinh cho nó bốn đứa con gái, một thằng con trai thì bố mẹ tao mới cho nó làm lễ cưới. Nhưng thế là nhanh lắm vì nhà nó giàu, mỗi năm dâng lễ vật ba đồng bạc nên được bố tao trừ đi một năm ở rể".
Câu chuyện cưới xin đầy cam go của người La Ha đâu chỉ dừng lại thế. Dù đã có con cái đùm đề, nhưng trước khi rước vợ về chàng rể còn phải làm đám "thu mạ phu" (đám cưới to), mang cả bầu đoàn sang xin nhà gái cho "ngủ nhờ" để sáng hôm sau lôi trâu, bò, lợn, gà, cá ống, cá kép, rượu phu sin mang theo ra đãi đằng họ hàng nhà gái, xin phép tổ tiên cho đón dâu về nhà chồng.
Lúc ấy bố mẹ già mới gật đầu và chia cho vợ chồng một con trâu, ít chăn nệm làm của hồi môn. Từ lúc ấy họ mới chính thức là vợ là chồng. Bà Hặc ở với chồng được 30 năm trước khi ông "quay đầu về núi", thì gần nửa thời gian ông chồng phải ở rể nhà bà trước khi chính thức được bà gọi là chồng.
Cũng như chồng mình, bà Hặc cũng "bắt" bảy chàng trai La Ha xin được làm chồng bảy cô con gái của bà phải ở rể phụ việc nhà bà 8-9 năm, sinh con cháu đông đúc rồi mới cho sang làm đám cưới linh đình. Giờ thì họ đã lần lượt qua đời, chỉ còn người con trai út sau khi ở rể bảy năm bên nhà gái đã dẫn vợ và mấy đứa cháu nội về sum họp bên bà.
Ở Nậm Păm bây giờ, không biết có phải do ảnh hưởng thời đại kỹ thuật số hay không, mà thời gian ở rể của phần lớn các chàng trai thường ít hơn và các nghi thức cũng giản tiện hơn nhiều.
Ông Lò Văn Hom, 50 tuổi, ở bản Huổi Liếng, nói: "Thời buổi này bọn trẻ không có kiên nhẫn chờ đợi lâu, với lại ai cũng có công việc, nếu ở rể lâu quá thì cũng khó khăn. Nhưng đó là phong tục tập quán của dân tộc mình có từ xưa, phải khuyên bảo bọn trẻ giữ gìn thôi".
Theo Tuổi Trẻ