Trụ cột

Trước giờ tôi vẫn luôn quan niệm, đàn ông là phải gánh vác việc nặng nhọc, là trụ cột để vợ con nương tựa. Không chỉ “cày cuốc” kiếm tiền, tôi luôn gánh phần “việc nặng” như dắt xe, đưa đón con mỗi ngày, thậm chí lau nhà… tôi cũng làm để vợ đỡ cực.

Vợ tôi xem những việc ấy đương nhiên là phần của chồng. Hôm nào tôi mệt mỏi hay kẹt “độ” với bạn, nhờ vợ đi rước con, vợ bảo: “Ra đường khói bụi muốn chết, anh làm sao thì làm”. Có hôm tôi về muộn, nàng dựng xe trước nhà chờ chồng. Vợ tôi đã từng bị mất một chiếc gắn máy cũng vì lý do “dắt xe là nhiệm vụ của chồng”.

Lương của vợ dùng để làm gì, tôi chưa từng hỏi. Vợ nói làm chồng là phải cáng đáng hết trong ngoài, không được hạch hỏi tiền nong của vợ. Tôi “ngậm bồ hòn”, đóng tròn vai người chồng hoàn hảo.

Tích góp hơn 10 năm vẫn không đủ tiền mua căn nhà, ba má và anh chị tôi thương tình, mỗi người cho mượn một ít để vợ chồng tôi thoát cảnh ở nhà thuê. Có được ngôi nhà là niềm mơ ước cả đời tôi. Trong khi tôi làm thêm tối mũi, cắt giảm nhậu nhẹt để sớm trả xong món nợ, thì vợ cứ thản nhiên sắm sửa quần áo đắt tiền, mua quà phung phí cho con. Má tôi và các chị sốt ruột, khuyên vợ tôi phải tằn tiện để cùng chồng trang trải nợ nần, vợ tôi thản nhiên bảo: “Trả nợ là việc của anh ấy, phụ nữ đâu thể lo được”. Tôi nổi quạu, tranh cãi với vợ. Vợ lại bảo: “Chuyện vậy cũng không làm được, anh có đáng mặt làm chồng không? Bạn bè em đều được chồng sắm xe hơi, em không đòi anh là đã biết điều lắm rồi”.

Trách nhiệm trụ cột gia đình, đương nhiên là của tôi, chỉ hy vọng vợ biết chia sẻ, cảm thông. Cách “khoán” của vợ rất vô cảm và vô trách nhiệm, nhưng vợ vẫn chưa nhận ra. “Đặc quyền” của tôi, xem ra quá nặng khi thiếu sự chia sẻ từ vợ.

Theo Đức Đạt
PNO