Trở về

(Dân trí) - Chiều cuối năm khô và hanh như giục giã con người ta xuống phố. Cả khu tập thể vắng hoe vắng ngắt, mấy thầy giáo tạt vào quán nhậu làm chén rượu ngô Bắc Hà kẻo mai này về xuôi không có mà uống, còn mấy cô giáo trẻ giờ chắc đang hì hụi, lếch thếch với hàng trăm thứ nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, mứt kẹo…

Nàng lơ đãng, chiều cuối năm vùng biên như buồn hơn, gấp gáp hơn thì phải, những chuyến xe hàng cao ngất ngưởng từ bên kia biên giới nối đuôi nhau bóp còi inh ỏi. Dòng sông Hồng đỏ quành quạch cũng như đang hối hả, thôi thúc con sóng cồn cào. Nỗi nhớ nhà khắc khoải đang dâng trào trong lòng nàng. Dưới kia, cuối con sông Hồng không biết giờ này Thanh đang làm gì nhỉ? Chắc là chăm chút lại mấy luống rau vụ Đông và khóm hoa cúc chuẩn bị cho phiên chợ Tết. Còn thằng Cún chắc đang xé những tờ lịch cũ đợi nàng về. Từ ngày nàng lên đây nó giành phần xé lịch, nghĩ đến đó nước mắt nàng đột nhiên chảy ra mặn chát, nàng là kẻ ích kỷ, người mẹ không ra gì. Không, nàng yêu con, yêu con nhất mực.Chỉ vì công việc, nhưng...

Những câu tự vấn cứ hằn lên rõ mồn một nửa như muốn kết tội nàng, nửa như giễu cợt khiến đầu nàng ong lên như búa bổ. Tiếng bước chân quen thuộc mỗi lúc một gần, Hoàng choàng lấy eo nàng kéo sát, đôi bờ môi tham lam từng khiến nàng ngây ngất  giờ làm nàng nghẹt thở. Nàng gạt mạnh đôi bàn tay siết chặt ra. “Em làm sao thế?”, “chẳng sao cả, em không thích thế thôi, chúng mình thôi đi như thế sẽ tốt hơn cho cả em, anh và Thanh nữa”. Giọng nàng lọt thỏm vào không trung, một cơn gió lạnh thảng qua khiến nàng se thắt.

Trở về



Năm năm kể từ ngày nàng đặt chân đến cái trường tiểu học vùng biên này thì cũng từng đó cung bậc cảm xúc từ cô đơn, buồn bã đến đê mê dịu ngọt và giờ đây trào dâng niềm ân hận. Mười bảy tuổi nàng làm vợ khi chưa có ý niệm nào về hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Nàng như kẻ mộng du trong vô thức, trong niềm cô đơn tột cùng bên người chồng lành tính đến mức ngờ nghệch, lấy vì di nguyện của bố trước khi lâm chung, vì những món nợ chồng chất với gia đình Thanh trong những ngày ông lay lắt ở bệnh viện. Nàng cần nhiều hơn thế, Thanh làm sao biết được ẩn sâu dưới vẻ thùy mị của cô giáo làng là một tình cảm mãnh liệt lúc phẳng lặng như nước hồ, lúc cuồn cuộn như dòng thác đổ. Đăng ký lên vùng rẻo cao này vừa đúng quy định của hai sở giáo dục vừa làm một cuộc đào thoát khỏi những bức bối thường ngày. Không biết từ bao giờ nàng trở thành kẻ phiêu lưu tàn nhẫn…

Có lúc nàng tự hào với cuộc hôn nhân không tình yêu của mình: Lấy Thanh nàng mới có thể có nhiều hơn mong muốn của một người vợ, nhà cửa yên ấm, có người chăm thằng Cún và bà mẹ ngoài bảy mươi nay ốm mai đau. Còn Hoàng là tình yêu, là niềm đê mê bất tận và sự đồng điệu sâu sắc. Hoàng mãi chỉ là người tình, nàng hiểu. Hoàng cũng hiểu điều đó. Người tình mới chỉ trở về sau khi kiệt quệ, tả tơi vì rượu, vì gái, và những ván tá lả thâu đêm từ bên kia biên giới. Hoàng là mảnh vỡ của rẻo đất vùng biên này từ dáng vẻ khinh đời, bốc đồng lãng tử đến bụi bặm bất cần, có lẽ vì thế mà đến giờ vẫn lếch thếch trong căn phòng trọ chưa đầy mười lăm mét vuông ẩm thấp đủ chỗ cho chiếc xe máy và bộ xoong chảo khẳn mùi. Những buổi sáng chủ nhật nàng lại tất tưởi giúp Hoàng dọn dẹp, cái quy trình ấy lặp đi lặp lại và chỉ kết thúc khi mặt trời đã chính Ngọ, nàng tẽn tò nhặt nhạnh “phụ kiện” lăn lóc trong tiếng cằn nhằn hờn dỗi của Hoàng “em về sớm làm gì, chủ nhật mà”.

Chiều vùng biên trôi nhanh, ánh mặt trời le lói sau rặng núi như lời từ biệt nhường vũ trụ cho bóng hoàng hôn. Đám con buôn từ chợ lũ lượt ra về, chồng nào vợ nấy, tiếng cười nói khẽ rộn lên rồi chìm hẳn trong màn sương dày đặc, tối về chồng lai rai chén rượu trắng còn vợ rì rầm kiểm lại những khoản lỗ lãi trong ngày… Hạnh phúc chỉ giản đơn thế thôi ư? Sao nàng tìm mãi chẳng thấy? Hoàng hôn khắc khoải xâm chiếm tâm trí nàng. Rỗng tuếch, se thắt không biết giờ này bố con thằng Cún đã cơm nước gì chưa hay còn lọ mọ tưới rau. Thằng Cún mặt mày nhem nhuốc khóc hờ gọi mẹ... Nàng là con đàn bà xấu xa, người mẹ ích kỷ, vô trách nhiệm, những câu tự vấn cứ hiện về trong những đêm dài vô tận khiến cổ họng đắng ngắt. Những lần Thanh vượt hàng trăm cây số lên thăm, nhìn anh rúm ró trong cái lạnh Bắc Hà lòng nàng xót xa như xát muối nhưng hỡi ôi, tình thương, lòng thương hại và tình yêu là những phạm trù khác nhau, nàng hồi hộp đón đợi một câu bông lơn đùa cợt, một cử chỉ hơi thô tục của anh nhưng nàng thất vọng nén tiếng thở dài. Nàng được tin tưởng và tôn trọng tuyệt đối, hết sửa sang lại mái tôn xập xệ anh lại ra chợ kiếm con cá ngon về nấu bát canh chua giàu dinh dưỡng. Nàng cố soạn giáo án xong chui vào màn thì Thanh đã ngáy như kéo bể, cả đêm nàng lạnh tanh bên cạnh anh đều đều nhịp thở…

Nàng tự bào chữa cho mình rằng nàng đã đúng, nhưng có một giọng nói khác quất thẳng vào mặt rằng nàng chỉ là kẻ đê tiện, hèn hạ. Cả Thanh, Hoàng và nàng nữa cứ quẩn quanh trong cái lưới nàng giăng ra cho cả ba người… Nàng nhìn sâu vào mắt Hoàng, thẳm sâu, chất ngất “em không muốn làm tổn thương Thanh thêm nữa, anh trai anh ấy đã xin cho em về một trường gần nhà, hãy cất giữ những gì bí mật yêu thương trong thời gian qua anh nhé”.

Ánh nắng chiều cuối Đông bừng lên vẫn không xua được cái lạnh. Những cánh rừng mơ, mận tam hoa lác đác trắng hai bên bìa rừng báo hiệu mùa xuân, những cửa hiệu buôn lung linh ánh đèn nến, ngào ngạt mùi hương trầm trên mâm cỗ cúng tổ… Trên sân ga hình như ai cũng gấp gáp cho kịp bữa cơm tất niên, chuyến tàu cuối năm đi Hà Nội rúc lên từng hồi còi giục giã rồi cất tiếng phì phò, tiếng bánh sắt nghiến thanh ray lầm lũi giữa màn sương núi bồng bềnh hư ảo.

Đình Dũng