“Trở mặt” với mẹ chồng
Đón Bi về, anh không vào phòng mà nói vọng với cô: “Má la em kìa. Má nói em không gọi điện về. Em nói chuyện với má nghe em?”. Cô quay mặt vào vách trả lời: “Bây giờ em chưa muốn nói. Khi nào thích thì em sẽ gọi điện cho má. Anh đừng ép em”.
Có bao giờ mẹ yêu con dâu như con đẻ?
Không phải cô coi thường hay ghét gì mẹ chồng mà đơn giản vì cô giận, hay nói đúng hơn là cô muốn giận để mẹ chồng hiểu rằng cô cũng có cảm giác, cô cũng có tự ái của riêng mình.
Suốt năm năm là con dâu của mẹ, cô luôn nhẫn nhịn. Nếu có chuyện buồn, cô chỉ âm thầm khóc một mình, chịu không nổi nữa thì mới đem anh ra mà đay nghiến cho hả giận. Còn đối với gia đình chồng, cô vẫn hết mực lo lắng, thương yêu mọi người. Có lẽ vì thế nên giờ đây cô không còn kiên nhẫn được nữa. Cô muốn “chứng tỏ” mình, muốn mẹ chồng phải nhận ra điều đó để mà thay đổi.
Dù không làm dâu, dù sống xa nhà chồng nhưng trong cô luôn có nhiều mâu thuẫn, muộn phiền với nhà chồng. Cô thất vọng vì ngày trước chính cô đã hy vọng quá nhiều ở gia đình chồng…
Cô quen thân với anh từ ngày còn học phổ thông. Nhà anh có vườn trái cây, thoáng mát và rộng rãi nên cô và các bạn thường lấy đó làm điểm vui chơi, nấu ăn vào mỗi dịp cuối tuần. Đến nhà anh chơi nhiều lần, cô phát hiện ra mẹ anh rất dịu dàng, cưng chiều con cái và hết mực vui vẻ với bạn bè của anh.
Mất mẹ từ nhỏ, sống với ba và hai người anh trai, cô được thương yêu, chiều chuộng nhưng vẫn khao khát sự dịu dàng, trìu mến của tình mẫu tử. Ba và hai anh xem cô như công chúa, nhưng tình thương đó cũng không khỏa lấp được nỗi niềm thiếu mẹ trong cô. Mỗi lần sang nhà anh chơi, cô thường ngây người trước cử chỉ chăm sóc của mẹ dành cho anh. Nhìn để rồi ao ước một ngày nào đó mình sẽ có mẹ.
Cô học giỏi, hoạt bát, đảm đang nên có nhiều bạn trai theo đuổi. Nhưng cô chỉ chọn anh - chàng trai hiền lành, chân chất và quan trọng là rất mực yêu thương cô.
Yêu anh, cô và anh phải vượt qua bao khó khăn, trở ngại. Ba sợ cô phải cực khi về làm dâu ở vườn. Mẹ của anh lại không mấy thích cô vì gia đình anh nặng về phong kiến: Con gái phải nhu mì, dịu dàng, đằm thắm, trong khi cô rất hiện đại và năng nổ. 4 năm đại học, 4 năm đi làm, ngần ấy thời gian mới đủ thuyết phục đôi bên gia đình chấp nhận lẫn nhau.
Cô bước về nhà chồng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Hạnh phúc vì tình yêu lứa đôi tròn vẹn, hạnh phúc vì từ nay cô có mẹ. Cô tự hứa với lòng mình sẽ thương yêu, kính trọng mẹ chồng như mẹ ruột.
Khi cô đi làm, cô có thể sắm cho ba cái áo, mua cho ba đôi giày… nhưng cô vẫn muốn mình có thể mua cho mẹ cái áo dài, đôi dép nhung xinh xắn. Khi cô còn bé, mẹ bị bệnh tim rồi qua đời trong sự túng quẫn của gia đình. Giờ gia đình khá giả, cô đã có thể tự lập, cô khát khao được bù đắp cho quãng đời thiếu thốn của mẹ mình. Nhưng mẹ đã mất, cô dành hết tình yêu thương đó cho mẹ chồng.
Sáng sớm cô đã thức dậy trước mẹ chồng, hì hụi cả buổi mới có thể nhóm được cái bếp bằng 3 viên gạch ở ngoài vườn, nấu nồi cám cho cả chục chú heo. Cô chẳng quản việc nhà, trưa chẳng dám nằm ngủ ngon lành như thời con gái. Ngày Tết, cô làm mứt chùm ruột, mứt mãng cầu, đổ bánh bông lan để mẹ tặng người thân và đãi họ hàng trong mấy ngày Tết. Cô làm việc hết sức tự nguyện và cố gắng vì ý thức được rằng, chỉ sau mấy ngày Tết này thôi là cô sẽ tiếp tục lên Sài Gòn đi làm.
Cô mua cho mẹ chồng đôi dép, sắm cho mẹ cái nhẫn, chiếc lắc, cô còn vui hơn cả mẹ. Niềm vui được chăm sóc, đem lại hạnh phúc cho người mình yêu thương sao mà đơn giản và to lớn đến vậy.
Mẹ vẫn vậy, dịu dàng và nhẹ nhàng nhưng sao cô không thể cảm nhận được tình yêu thương bao la của mẹ dành cho mình. Nỗi hụt hẫng khi nhìn thấy cô em chồng diện chiếc lắc cô tặng cho mẹ ngày Tết, khi chị và em chồng có thể ngủ một giấc tới trưa mà không nghe thấy mẹ gọi ra phụ cô con dâu dù công việc nấu ăn, cúng kiếng, dọn dẹp ngày Tết cô phải làm từ tờ mờ sáng đến tận nửa đêm mới xong.
Trong gia đình cô, mỗi khi bận rộn, mọi người đều phải xắn tay áo vào làm dù đó là ba, là anh, là chị dâu hay con gái rượu như cô. Ba chỉ làm thay cho cô, chứ ba không bao giờ để cô ngủ nướng khi chị dâu của cô đang làm nhiều việc. Thường thì ba sẽ vào cuốn mùng mền rồi khẽ lấy cái gối đập đập vào người để bắt cô dậy mà phụ việc với chị dâu. Lâu ngày thành thói quen, cô chẳng dám thảnh thơi khi chị dâu lục đục làm việc ngoài nhà sau hay chái bếp. Ít nhất cũng phải ra đó, lột hành, tỏi, lặt rau… hay chỉ đơn giản là ngồi nói chuyện với chị khi chờ thức ăn chín.
Còn ở nhà chồng, việc nhà gần như chỉ có mỗi cô và mẹ chồng làm. Đứa bạn thân từ thời phổ thông đến nhà chơi vào chiều 30 Tết rớt nước mắt khi thấy cô bé bỏng giữa những thau chén, thau ly, những cái nồi, cái chảo to hơn cả cô ngổn ngang ngoài sàn nước. Là con trai nhưng nó cũng xắn áo lên giúp cô một tay, trong khi anh thì bận với việc trang trí lại bàn thờ tổ tiên.
“Trời ơi, có một mình thì chừng nào mới xong cái đống chén bát này. Để đó Khương phụ cho nhanh nhanh, chiều 30 rồi. Còn phải nghỉ ngơi để chuẩn bị đón Tết nữa”. Cô xua tay bảo Khương vào trong nhà chơi đi, cô làm được, một chút sẽ có người phụ thôi mà. Cô quá cương quyết nên Khương phải bỏ vào nhà, đâu biết rằng nước mắt tràn mi người con gái mới về nhà chồng được hơn 2 tuần vì tủi thân, tủi phận.
Cô vẫn tự an ủi mình rằng mỗi nhà mỗi kiểu, không thể buồn và bắt nhà người ta phải giống như sinh hoạt ở nhà mình.
Rồi cô có thai, vẫn là ba và các anh quan tâm hỏi xem cô thích ăn gì, có thèm ăn cái gì không rồi nấu, rồi gửi lên cho cô. Chị dâu được ba đặc phái lên nhà mẹ chồng để xin khi nào cô sinh em bé sẽ rước cô về nhà chăm sóc. Mẹ chồng không đồng ý, bảo rằng đứa đầu mẹ sẽ lo cho, đứa sau rồi tính.
Cô làm việc ở Sài Gòn nên quyết định sinh con ở đây rồi mới về quê. Mẹ chồng lên trước mấy ngày nhưng ở nhà chị chồng. Mỗi ngày cô tự loay hoay với quần áo, tã, bao tay… cho trẻ sơ sinh, rồi tự mình đi chợ nấu cơm tối chờ anh về. Mẹ vẫn ở nhà của chị dù đã tới ngày dự sinh. Giờ nghĩ lại cô mới thấy chua chát biết nhường nào: Nếu rủi cô đau bụng hay có chuyện gì trong khi anh đi làm thì có ai ở nhà mà biết, mà lo lắng cho cô? Cũng may trời thương, cô trở dạ vào lúc nửa đêm, có anh ở nhà đưa cô đến bệnh viện.
Năm ngày nằm viện, mẹ nhất định không cho anh ở lại ban đêm và căn dặn anh vào ít thôi, vì ở đây “đàn bà con gái không hà, không sạch sẽ gì đâu”.
Hơn 4 tháng trời cô ở dưới quê, anh nhớ vợ, thương con nên hàng tuần đều về nhà thăm. Mẹ gay gắt bảo anh cần gì về nhiều vậy cho tốn tiền, phí sức. Mẹ bảo anh chỉ cần mỗi tháng về một lần là được rồi. Nhưng anh không làm theo lời mẹ, bởi mỗi khi anh gọi điện về cô không than, không khóc nhưng cái giọng nghèn nghẹn nhớ chồng của cô làm anh thắt ruột vì thương. Tiếng “nhớ’, tiếng “thương” cô nén trong lòng, phần vì không muốn anh xót xa, phần vì mỗi lúc điện thoại reo mẹ chồng luôn ở cạnh.
Nói anh không được, mẹ đâm ra giận cô: “ Mày đừng cho thằng Long về nữa. Về làm gì, tội nghiệp nó cả tuần làm việc rồi, cuối tuần phải nghỉ ngơi” - “Làm sao con kêu ảnh được hả má. Anh muốn về thăm Bi mà” - “Mày không khóc, không than với nó thì nó sẽ không về. Về hoài mệt mỏi lắm”.
Dù cô ở nhà chồng nhưng chị dâu cô vẫn xin phép để mỗi sáng đến lo cho cô. Chị giặt đồ của cô và em bé, loay hoay phụ cô chăm bé đến trưa thì về. Ngày ngày chị đều đặn đến phụ giúp, cũng là để cô khỏi tủi thân vì ở nhà chồng.
Lương của cả 2 vợ chồng vào thời điểm đó chỉ hơn 3 triệu đồng với bao thứ phải chi tiêu cho 3 người, đặc biệt là lo cho em bé. Mỗi tuần, anh về, cô đều nhắc anh gửi tiền để mẹ mua thức ăn cho cô, dù mỗi sáng chị dâu đều mang thức ăn đến, họ hàng bên cô cũng thay nhau mang thức ăn ngon, bổ dưỡng cho cô mỗi ngày.
Vậy mà một hôm, anh nói với cô: “Tư Hương gọi điện cho anh nói má đem cầm sợi dây chuyền vì thiếu tiền. Nó nói chắc là lo cho em và Bi nên má mới túng tiền. Em tính sao?”. Cô chỉ im lặng không nói gì, lòng tự hỏi không hiểu tại sao lại ra cớ sự. Cả anh và cô đều biết là với số tiền mình đưa cho mẹ, không thể nào có chuyện không đủ để trang trải các khoản phí sinh hoạt cho gia đình.
Cô rất biết ơn mẹ chồng vì đã giúp chăm sóc cô suốt mấy tháng trời ở cữ. Tuy nhiên, có những chuyện mà cô cảm thấy quá đau lòng. Cô từng nghĩ không biết mẹ có đối xử với con gái của mẹ như với con dâu hay không? Nếu con gái của mẹ ở vào hoàn cảnh của cô thì mẹ có xót xa hay không?
Ngày ba chồng vỡ nợ vì chơi số đề, cô bàn với chồng tìm cách trả nợ từ từ. Khi ba chồng có chuyện ra tòa, vợ chồng cô cũng là người luôn đi theo sau để giải quyết mọi việc. Cô làm những chuyện đó vì thương chồng, vì muốn mẹ nghĩ lại mà cư xử với mình khác trước.
Khi Bi được 5 tuổi, cô mang thai lần thứ hai. Lần này, thai không tốt như lần trước. Một tháng mà cô bị động thai tới hai lần. Một phần vì cô không khỏe, một phần vì cô phải vừa đi làm, vừa đi dạy và đi học thêm vào mỗi tối. Cô không dám báo cho ai hay vì sợ mọi người lo lắng. Nhưng anh bảo cô gọi điện về cho mẹ, nhờ mẹ chỉ bày cách thức dân gian giúp dưỡng thai, bồi bổ sức khỏe. Anh bấm số rồi chuyển máy cho cô. Cô kể tình hình cho mẹ nghe và đính chính: “Anh Long nói con gọi về nhờ mẹ, vì mẹ có nhiều kinh nghiệm. Con thì lại sợ gọi về mẹ sẽ lo”. Mẹ trả lời ngay: “Ừ, con nói đúng đó. Mẹ chỉ lo thôi chứ mẹ không biết gì đâu”. Câu trả lời của mẹ như gáo nước lạnh tạt vào cô. Không kể cho chồng nghe, cô chỉ nói là mẹ không biết vì trước giờ mẹ chưa gặp trường hợp đó bao giờ.
Đến ngày mẹ lên Sài Gòn tái khám bệnh bướu và huyết áp, cô áy náy vì không làm tròn bổn phận. Trước giờ cô vẫn là người đưa mẹ đi làm xét nghiệm, đi khám bệnh… Giờ cô không được vận động nhiều. Bác sỹ yêu cầu cô phải nghỉ làm việc, nhưng vốn tính năng động, cô không thể nằm im ở nhà. Xin bác sỹ đi làm với lời hứa ít vận động, có người đưa đón, đi làm về thì phải nghỉ ngơi và không làm việc nhà, nhưng cô thấy mình không tròn phận làm dâu khi không lo được cho mẹ lúc cần.
Cũng trong thời gian đó, Bi và anh bị bệnh cùng lúc. Bi vừa dứt thuốc, anh vẫn còn nằm mê mê trên giường vì sốt, cô lại bị cảm cúm. Cả nhà 3 người nằm 3 góc, mệt mỏi vì bệnh. Mẹ vẫn kiên quyết về quê dù anh và cô đều nài nỉ mẹ ở lại vài ngày. Vợ chồng cô gắng gượng lo cho nhau và con, dù cả hai đều rã rời vì bệnh.
Hơn một tháng sau, chị Hai báo tin đã mang thai. Mẹ lập tức từ quê lên Sài Gòn ở hơn 10 ngày chỉ để chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe của chị, dù chị vẫn rất khỏe. Cô thấy tủi cho phận mình. Cô nào dám mong mẹ sẽ thương yêu mình như con đẻ, chỉ mong mẹ rủ lòng mà nghĩ lại, đừng phân biệt đối xử quá rạch ròi giữa con đẻ và con dâu.
Ai cũng có trái tim để cảm nhận, để yêu thương, hờn giận. Sao mẹ không nghĩ rằng con dâu của mẹ cũng rất cần tình thâm, cũng sẽ rất buồn vì người thân thờ ơ, lãnh đạm?
Nếu hờ hững, không quan tâm là tính cách của mẹ thì cô cũng chẳng bận tâm làm gì, đằng này… Mẹ chu đáo, tận tâm với con gái của mình bao nhiêu thì lại nhẫn tâm, ơ thờ với con dâu bấy nhiêu. Mẹ có biết như thế là quá bất công đối với cô hay không? Chính anh còn nhận ra sự phân biệt đó thì đứa con gái nhạy cảm, tinh tế như cô làm sao không khỏi đau lòng?
Cô chưa từng nghĩ mình sẽ “trở mặt” với mẹ chồng. Cô vẫn khát khao tình thương của mẹ. Nhưng cô phải thể hiện, phải có chút giận, buồn để mẹ hiểu rằng: Cô cũng cần mẹ, mẹ có biết không?
Theo Nguyễn Thanh
Phụ Nữ