Trở lại công việc sau 4 tháng sinh con

(Dân trí) - Làm mẹ đã khó, quay lại với công việc sau khi con ra đời dường như còn khó hơn. Dưới đây là những cách giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi chuyển đổi vai trò từ bà mẹ chăm con 24/24 đến nhân viên công sở.

 
Trở lại công việc sau 4 tháng sinh con - 1


Vấn đề là thời gian

 

Thời gian là tiền bạc, nhưng tiền bạc dường như đã trở nên ít quan trọng hơn với những bà mẹ mới sinh.

 

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, có đến 60% các bà mẹ đang đi làm cho hay họ thích làm việc bán thời gian (part-time) hơn. Đây rõ ràng không phải một lựa chọn có tính kinh tế, song vẫn là mục tiêu của nhiều bà mẹ.

 

Nếu làm việc bán thời gian hay làm việc từ xa thuận lợi nhiều cho bạn, đừng ngại bày tỏ với sếp, hoặc tìm một vị trí mới, chỗ làm mới linh hoạt về thời gian.

 

Chia sẻ công việc

 

Ngày càng nhiều phụ nữ chọn xu hướng chia sẻ việc chăm con với vú em hay cô trông trẻ. Đừng ôm đồm mọi việc vì bạn thực sự không có đủ sức khỏe cho cả công việc và con mọn. Cậy người trông con giúp vài tiếng mỗi ngày sẽ giải phóng cho bạn rất nhiều đấy.

 

Đi nhà trẻ - có gì mà ghê gớm

 

Đó là một trong những quy tắc mà một bà mẹ vướng bận công việc cơ quan nên ghi nhớ. Vẫn còn có rất nhiều trẻ em khác ở đất nước của bạn hay gần nơi bạn sống phải “đi trẻ” cho bố mẹ đi làm. Thay vì lo lắng cho lần đầu tiên “bỏ rơi” con, hãy nghĩ tích cực một chút, rằng em bé của bạn có cơ hội làm quen với nhiều người khác nữa, còn bạn thì được tự do một chút, thư thái nhìn cuộc sống chứ không đến nỗi quanh quẩn cùng con trong 4 bức tường.

 

Để yên tâm hơn, hãy đến thăm nơi bạn gửi con vài lần, trong những tuần hoặc ngày có ý nghĩa quan trọng với con của bạn.

 

Đối mặt với nỗi buồn của con

 

Tâm trạng con lúc phải xa mẹ tùy thuộc rất nhiều vào tuổi con lúc đó. Một em bé mới được 5-6 tháng sẽ không cảm thấy phiền lắm nếu bị gửi cho người khác để mẹ đi làm. Trẻ lớn hơn hay đã chập chững biết đi sẽ cần nhiều sự động viên hơn từ mẹ. Chuyên gia Harvey Karp gợi ý bạn một “kỹ nghệ” nho nhỏ luyện cho con tính kiên nhẫn, khống chế được cảm xúc thay vì bị cảm xúc khống chế.

 

“Kỹ nghệ” ấy thế này...

 

Bạn có thể dạy con bằng một bình nước quả. Mỗi khi con bạn nhìn thấy bình nước quả và muốn ti ngay lập tức, bé sẽ “nói” với bạn bằng cách với lấy bình và “gù gù”, mè nheo không ngớt. Khi bạn chuẩn bị đưa cho con, hãy giơ một ngón tay lên, nói giọng nài nỉ: “Chờ một chút, một chút thôi...” rồi quay đi. Đợi vài giây sau bạn quay lại đưa bình cho con và khen “em bé của mẹ thật là kiên nhẫn!”.

 

Cách này giúp con bạn đối phó với nỗi bực dọc, thất vọng. Nhờ thế khi bị đi gửi trẻ, bé sẽ hiểu rằng “mẹ đi rồi, nhưng mẹ sẽ quay lại thôi”.

 

Cũng theo Karp, mất khoảng vài ngày để một đứa trẻ 6 tháng làm quen với việc đi lớp. Trẻ tầm 1 tuổi nếu bản tính nhút nhát cần đến 1 tuần. Nếu bé mất nhiều thời gian hơn để thích nghi hoặc có biểu hiện thay đổi hành vi đột ngột, bạn nên bất ngờ ghé thăm nhà trẻ của con 1-2 lần để tìm hiểu sự tình.

 

Ổn định tâm lý của mẹ

 

Bạn không cần làm một bà mẹ hoàn hảo. Thực tế là cho dù bạn có hoàn hảo, cũng không ai tặng huy chương hay khen bạn cả.

 

Các chuyên gia cho rằng những bà mẹ mất quá nhiều thời gian đi so sánh mình với người khác. Nếu bạn quá tải và đang phải vật lộn vất vả với núi công việc, hãy nói ra. Bạn cần phải nói và sẵn lòng nói. Đừng lúc nào cũng “mọi việc ổn cả” hay “tất cả đều tốt” hoặc “không, tôi không cần giúp đỡ”. Bạn chẳng giúp được ai bằng cách che giấu sự thiếu hoàn hảo của mình.

 

Chớ xem thường giấc ngủ

 

Với em bé, giấc ngủ là chuyện lớn. Trẻ thiếu ngủ có thể dẫn đến những rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe. Và bạn cũng vậy. Một bà mẹ có con nhỏ cộng thêm công việc cơ quan sẽ chẳng làm nổi gì ra hồn nếu không có giấc ngủ tốt. Đừng hy sinh thời gian phục hồi năng lượng quý giá ấy của mình.

 

Sắp xếp mọi việc ra quy củ

 

Theo ý kiến chuyên gia, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian nếu biết sắp xếp mọi việc thật quy củ. Rất đơn giản: Cứ để vài việc vặt chưa cần làm ngay đến cuối tuần, làm những gì quan trọng hơn trong danh sách “việc cần” trước đã.

 

Lên sẵn thực đơn tuần có kèm danh sách nguyên liệu nấu ăn cần mua (và trung thành với thực đơn đó). Treo sẵn 5-6 bộ áo váy đã là thẳng thớm cho cả tuần đi làm, trang sức đi kèm bộ nào nhét luôn vào túi của bộ đó.

 

Vài chuẩn bị nho nhỏ thôi cũng có thể làm nên sự khác biệt cho cuộc sống của bạn rồi.

 

Đừng từ bỏ khi nhụt chí

 

Hỏi bất cứ người mẹ nào bạn cũng sẽ được trả lời rằng 9 tháng đầu tiên quay lại với công việc sau khi sinh con thực sự như địa ngục. Nhưng cố gắng đừng đưa ra quyết định thay đổi cuộc sống nào trong thời gian này. Có người bạn đời bên cạnh, hãy chia sẻ trách nhiệm cùng anh ấy. Bạn cần học cách giao việc cho chồng ở nhà, để anh ấy được chăm sóc con theo đúng tình cảm của người cha.

 

Huyền Anh

Theo IVillage

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm