Trẻ tự kỷ, lỗi không do bẩm sinh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ con nhút nhát hay quá hiếu động, thậm chí tự kỷ có nguyên nhân rất lớn do tác động bên ngoài, và nếu chúng ta biết cách can thiệp, phần lớn trẻ sẽ tự khỏi.

Thay đổi nhờ môi trường mới

 

Ở trường mầm non bé Trang học, cô giáo lúc nào cũng nói với mẹ bé là bé rất nhút nhát. Cứ đến lớp Trang lại khóc, ngồi một mình trong góc phòng, không quan tâm đến bất cứ hoạt động nào.

 

Sau đó, có người bạn của mẹ Trang rủ chị cùng đưa con đi học lớp đọc diễn thuyết. Mẹ Trang đồng ý một cách miễn cưỡng vì nể bạn, chị nghĩ rằng con mình nhút nhát vậy chắc cũng chẳng học được. Hơn nữa, tuần học có 1 buổi thì lấy đâu ra chất lượng. Nhưng thật không ngờ, mọi chuyện đã khác.

 

Những ngày đầu đi học lớp đọc diễn thuyết, Trang cũng tỏ ra nhút nhát như vậy. Cô giáo đã cố gắng tạo không khí gần gũi với em, coi em như những đứa trẻ bình thường khác. Hàng ngày, hàng giờ, hễ khi nào Trang đến học là cô lại ngồi gần vỗ về em, rồi đưa ra những câu hỏi dễ để Trang trả lời, dần hoà nhập với các bạn. Chỉ sau khoảng hơn 10 buổi, Trang đã đi học không khóc, tập trung hơn và chịu trả lời các câu hỏi của cô giáo.

 

Tuấn cũng là một học sinh thuộc diện đặc biệt. Năm nay cậu bé mới 5 tuổi nhưng đã có biểu hiện của bệnh tăng năng động, giảm tập trung. Với bệnh này, hồi mới đến lớp, Tuấn rất hiếu động và không tập trung trong giờ học. Cô giáo lớp đọc diễn thuyết cho biết, cậu không thể ngồi yên được 2 phút, lúc nào cũng chỉ nói về khủng long, Ai Cập, bọ cạp... toàn những thứ hơi hoang tưởng và không liên quan gì đến cuộc sống của trẻ.

 

Để khắc phục tình trạng này, khi thấy Tuấn mất tập trung, cô giáo đã cố gắng hướng ngay em quay lại với chủ đề. Khi Tuấn bắt đầu kể về Ai Cập, bọ cạp... cô giáo hỏi ngay sang một chủ đề khác để em quên đi...

 

Và cứ như vậy, sau một thời gian, Tuấn đã tập trung hơn. Đặc biệt, Tuấn có thể tự kể hoàn toàn theo trí nhớ một câu chuyện ngắn trong buổi tổng kết lớp và tự trả lời được câu hỏi của cô giáo đặt ra xoay quanh câu chuyện đó.   

 

Đa số trẻ có vấn đề về cảm xúc đều có thể cải thiện được

 

Theo cô giáo Đặng Thị Lệ Thuỷ, giáo viên lớp Đọc và Diễn Thuyết của trung tâm Eveil (phố Đông Các, Hà Nội), giáo viên chuyên văn Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, trong xã hội hiện nay, số trẻ nhỏ có khiếm khuyết trong việc bộc lộ bản thân, nặng hơn là bị tự kỷ ngày càng gia tăng. 

 

Đây chính hệ quả từ việc trẻ bị ức chế do bố mẹ quá bận làm việc không có thời gian gần gũi và quan tâm tới trẻ, khiến trẻ có cảm giác bị xa lánh, hắt gủi, bỏ rơi. 

 

Đối với những trẻ hay xem phim hoạt hình cũng như chơi trò chơi điện tử, đọc truyện tranh bạo lực... nguy cơ tự kỷ sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu hệ thần kinh của trẻ bẩm sinh đã quá nhạy cảm, trẻ sẽ bị ám ảnh bởi những hình ảnh hoạt hình đó, lúc nào cũng nói về nó, nghĩ về nó mà không trở lại với thực tại. Đây cũng có thể coi là chứng bệnh hoang tưởng. 

 

Bên cạnh đó không thể không nói đến cách giáo dục của các cha mẹ. Có người vì quá nuông chiều con khiến chúng trở nên ích kỷ, cũng có người quá hà khắc khiến trẻ phải thu mình, không muốn chia sẻ với bất cứ ai, dẫn tới trầm cảm, rồi đến trường bị bạn bắt nạt, cô giáo quá hà khắc...

 

Theo các chuyên gia tâm lý, có 5 yếu tố chính dẫn tới việc trẻ có vấn đề về cảm xúc, đó là: Di truyền; xã hội; nhà trường; gia đình; tivi, phim ảnh.

 

Như vậy, ngoại trừ yếu tố di truyền, chúng ta đều có thể can thiệp được các yếu tố còn lại, giúp trẻ có được một tuổi thơ theo đúng nghĩa. Thậm chí, đối với trẻ trầm cảm, tự kỷ do di truyền, các trung tâm nuôi dưỡng nếu biết cách vẫn cải thiện được phần nào chất lượng cuộc sống tinh thần của trẻ.

 

Vấn đề ở đây chính là cả gia đình và nhà trường đều cần tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ cho trẻ. Đối với nhà trường, cần gần gũi trẻ, làm bạn với trẻ, chia sẻ và hiểu trẻ. Công việc này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tinh tế.

 

Cô giáo Thuỷ cho biết: “Nhiều khi phải biến mình thành trẻ con để có thể tiếp cận được với suy nghĩ, tâm sự của trẻ. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ có vấn đề về cảm xúc được tiến bộ”.

 

Cũng có một cách khác để giúp trẻ tiến bộ, đó là thông qua các môn nghệ thuật. Theo cô giáo Đặng Thị Bích Ngân - giáo viên lớp Tạo hình trung tâm Eveil, TS. về giáo dục nghệ thuật tại Canada: 

 

"Nghệ thuật gần như là khả năng bẩm sinh của tất cả trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, thông qua các môn nghệ thuật, trẻ dễ dàng bộc lộ và biểu hiện khả năng của mình nhất. Cũng chính vì vậy, ở các nước Bắc Mỹ và nhiều nước Châu Âu, người ta đã chữa thành công cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp nghệ thuật, thậm chí cả đối với trẻ bị down".

 

Lan Hương