“Trẻ con giờ khôn lanh thật!”

(Dân trí) - Từ ngày Na sinh ra, người trong nhà đã truyền tai nhau một số giai thoại về cô bé không quên kết luận một câu như thế.

 
“Trẻ con giờ khôn lanh thật!” - 1


Mẹ mua cho Na và bé hàng xóm mỗi đứa một gói bắp rang bơ mà Na rất thích, Na chén gần hết trong lúc hàng xóm vẫn nhỏ nhẻ từng hạt, nghĩ sao mà Na đem đổ nốt gói của mình sang rồi bảo: “Ăn chung nhá!”.

 

Cô Út đưa em Cò về chơi, sợ mất vị trí trung tâm nên Na thể hiện rõ bản chất “du côn nông thôn, rất ác ôn”. Trước hết Na xun xoe bên ông nội: “Ông ơi, Cò là nhất, còn con là số một ông nhỉ?”. “Con mang nước yến cho ông đây này. Ông con mình cùng uống nhé!” Ông ngỡ ngàng nhận ra, Na đang bảo ông trên trái đất này mọi người đều bình đẳng.

 

Đang chơi mà thấy mẹ bế Cò, Na bỏ hết đồ hàng đấy ra đòi mẹ, hoặc lừa lừa đi từ phía sau đẩy em một cái. Kiên quyết không cho mẹ bế, mẹ vừa đưa Cò cho cô Út, Na liền quay lại với đám đồ chơi. Na còn độc chiếm bà nội không cho bà bế em bằng cách bám theo bà nhằng nhằng, bà phải đứng bế Cò kẻo Na lại bắt nạt bé.

 

Một hôm bạn của cô Út đến chơi mang theo cậu con trai chạc tuổi Na, vậy mà cô ấy bế Cò cậu con còn hào hứng xông vào đòi mẹ cho thơm em, “ạ”, “xin” rối rít để được thơm. Mẹ Na thở dài nghĩ thầm, đúng là con trai thì vẫn quảng đại, cao thượng hơn.

 

Mẹ dọa không ngoan sẽ bế Cò, không chơi với Na, không ăn sẽ cho Cò. Na ghét nhất là phải uống sữa để tăng chiều cao, vậy là mỗi lần mẹ cho uống Na lại đẩy tay nói “cho Cò”. Hôm cô Út thấy cốc sữa rỗng không liền khen “Na uống hết rồi, tài quá, hoan hô!”. Na cười bẽn lẽn: “Là mẹ cháu tài đấy!”.

 

Na mặc bộ quần áo thổ cẩm mới, ông nội trêu là “dân tộc”, Na ức lắm, ngồi phệt xuống, giãy đành đạch: “Na đi chiết đây”, (chữ chết Na nói ngọng thành chiết). Và từ đó Na không mặc bộ dân tộc nữa.

 

Hôm bà dẫn Na đi chợ, đến hàng rau thì đùa: “Na giống bà bán rau thế, thôi đúng rồi, Na là con nuôi, giờ nhận mẹ đẻ đi kìa”, trưa hôm đó Na tuyệt thực làm cả nhà lo lắng. Na khiến mọi người hiểu trẻ con cũng có sĩ diện, dẫu là hão.

 

Được đi học ở nhà trẻ, Na ra vẻ người lớn, cái gì cũng nói ở lớp cô dạy con thế. Đến nhà bạn của mẹ dù cô bảo cứ đi dép vào Na vẫn khăng khăng để dép ngoài cửa. Na làm người lớn ở đó chợt nghĩ, giá ai cũng nề nếp, vâng lời như một đứa trẻ ngoan thì xã hội sẽ văn minh, lịch sự hơn biết bao.

 

 

Dẫn Na đi chơi, con của cô bạn khóc ăn vạ, mẹ liền đẩy Na: “Con ra dỗ bạn đi”. Na tiến đến tát bốp bạn một cái. Bạn ngạc nhiên rồi im bặt trước hai cái miệng há hốc của hai bà mẹ. Na giúp họ biết, đôi khi bạo lực cũng hữu ích với những kẻ quen được chiều chuộng.

 

 

Na xin bố mua chiếc thước kẻ cho giống cô giáo, thi thoảng lại gõ đen đét vào bàn và nghiêm giọng: “Cô gọi các con”. Lần đầu bố mẹ ngơ ngác, Na giãy giụa: “Các con phải dạ cô chứ” Bố mẹ đưa mắt nhìn nhau rồi đồng thanh “dạ”. Bố hiểu ra công bằng là thế đấy, lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo thì con cũng là cô giáo. Con dạy bố mẹ khối điều đấy thôi.

 

 

Hôm bố đang ẵm Cò, Na mon men đến gần và thét: “Nhắm mắt vào ngủ đi”, mắt em vẫn giương lên nhìn, Na bất ngờ tét một cái vào trán em: “Không ngủ này!”. Bị mẹ phát vào mông, Na giậm chân: “Ai bảo em không nghe lời, ở lớp con bạn nào không ngủ là bị gõ thước ngay”. Mẹ vừa sợ vừa mừng cho cái kỷ luật thép của cô giáo dạy Na.

 

Mỗi đứa trẻ có những câu chuyện hài hước, đáng nhớ riêng và mang mỗi bài học khác nhau, điều quan trọng là trong nhà có con trẻ rất vui.

 

TSL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm