Trẻ cậy nhau, già cũng cậy nhau

HP

(Dân trí) - Đừng coi con là tất cả, con cái rồi sẽ có cuộc sống riêng, vai trò của chúng ta là dạy con sống tự lập, tử tế, còn trên đời này người quan trọng nhất vẫn là vợ chồng...

Trẻ cậy nhau, già cũng cậy nhau - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Khi tôi vừa sinh con đầu lòng, tôi đã thay đổi hoàn toàn, từ một cô gái yêu thích tự do trở thành bà mẹ bỉm sữa chính hiệu, ôm ấp, hít hà con cả ngày, có thể làm mọi thứ vì con.

Khi con khóc tôi có thể bế dỗ đến rã tay, con đau ốm chút xíu là đã chảy nước mắt thương con, thức thâu đêm vì con.

Chồng tôi trong một lúc hiếm hoi con ngủ, được ôm vợ vào lòng mà không bị "ông chủ nhỏ" quấy rầy, đã bảo tôi rằng: "Đừng coi con là tất cả, con cái rồi sẽ có cuộc sống riêng, vai trò của chúng ta là dạy con sống tự lập, tử tế, còn trên đời này người quan trọng nhất vẫn là vợ chồng".

Càng nghĩ tôi càng thấm thía lời chồng nói. Bố mẹ có gia đình riêng của bố mẹ, con cái khi lớn rồi cũng kết hôn, lập gia đình của riêng con. Chỉ có vợ chồng là ăn đời ở kiếp với nhau, là gia đình nhỏ của nhau, lúc nào chưa phải chia ly thì còn đầu ấp má kề.

Thế nên với con cái, người làm cha làm mẹ không nên quá hy sinh vì con, chăm lo con đến bỏ quên bản thân mình. Tư tưởng Á Đông vốn quen theo lối mòn "trẻ cậy cha, già cậy con" nên kéo theo nhiều sự lệ thuộc không đáng có giữa con cái và cha mẹ.

Lúc con còn nhỏ, cha mẹ dành hết thời gian chăm sóc, làm việc nhà, thậm chí làm bài tập hộ con. Lớn lên chút nữa thì đầu tư rất nhiều tiền bạc vào học tập, mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng hiện đại cho con. Ta bắt gặp không ít những câu chuyện về các ông bố, bà mẹ sáng trưa gặm bánh mì thay cơm, nhưng vẫn dành dụm tiền cho con mua điện thoại, xe máy điện bằng bạn, bằng bè.

Đến lúc con đi làm rồi nhiều bậc phụ huynh còn lo chạy việc, mua xe máy, laptop cho con. Rồi thì lo cái nhà, mảnh đất khi con lập gia đình, lo luôn cho cả cháu.

Đã quá lao tâm khổ tứ vì con nên cha mẹ mong mỏi con cái "nuôi" lại mình lúc về già, bởi lúc này họ đâu còn nhiều tiền bạc và sức khoẻ, tất cả đã đầu tư cho con cả rồi mà.

Con cái có điều kiện và lòng hiếu thuận để phụng dưỡng lại cha mẹ thì không sao nhưng nếu nhỡ các con chật vật tài chính, lại thiếu đức kiên nhẫn, hiếu thảo, chưa kể còn sự can thiệp của dâu, rể - những người vốn không ruột thịt, thì giữa cha mẹ - con cái sẽ xuất hiện những rạn nứt.

Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này nên xây dựng trên sự tôn trọng và yêu thương đầy lí trí chứ không phải là bao bọc, yêu thương mù quáng. Con trẻ cần sự tôn trọng từ bố mẹ để phát triển cá tính, tự lập hơn là sự bao bọc, hy sinh vô điều kiện. Thói quen bảo vệ, che chở con quá mức tạo nên những thế hệ công tử, công chúa "bột", thiếu kỹ năng sinh tồn và nghị lực vươn lên. Vậy nên việc cha mẹ cần làm là hướng dẫn con tự học, tự chơi, tự phục vụ mình, tự phát triển bản thân. Đó là việc dạy con chim non đi kiếm mồi thay vì chỉ mãi mang mồi về đút tận miệng con.

Tài sản cũng không nên chia cho con quá nhiều. Đến tuổi trường thành ra riêng, bố mẹ nếu có điều kiện thì tặng các con một phần tiền để con ổn định cuộc sống chứ không dốc toàn bộ vốn liếng ra lo cho con. Vì về già muốn cậy vào nhau mà sống thì vợ chồng cần có khoản tiết kiệm dưỡng già để không phải phụ thuộc ai.

Tôi vẫn mơ về ngày nghỉ hưu, hai vợ chồng về quê sống, có khoản tích luỹ đủ dùng, có mảnh vườn, khoảnh sân, mái nhà để đi ra, đi vào sớm tối. Nếu nhỡ ốm đau bệnh tật thì thuê người giúp việc, chứ không chuyển đến ở cùng con cháu hay yêu cầu con bỏ hết mọi thứ ở thành phố để về chăm mình. Xác định như vậy chúng tôi sống chủ động và có ý thức tích luỹ hơn, đồng thời không gây áp lực cho con cái. Yêu thương nên xuất phát từ trái tim tự nguyện thay vì những giáo điều, nghĩa vụ cứng nhắc.

Quan điểm về chữ Hiếu ngày xưa chưa chắc đã còn phù hợp với nhịp sống ngày nay. Không phải cứ răm rắp nghe lời bố mẹ, cứ ở gần để chăm sóc bố mẹ là hiếu thuận.

Nhà bác tôi có mỗi cô con gái rượu. Chị nuôi ước mộng du học từ nhỏ, chị đã thực hiện được ước mơ và quyết định định cư luôn ở nước ngoài vì chị yêu nơi đó, có công việc tốt ở đó, có nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà nếu chỉ ở nhà với bố mẹ chị sẽ không bao giờ có được. Hai bác ban đầu phản đối rất kịch liệt vì họ không muốn đứa con độc nhất sống xa xứ, họ mang chữ Hiếu ra để ràng buộc chị, đòi từ mặt nếu chị không quay về. Nhưng những điều ấy không thể nhốt được cánh chim đầy hoài bão. Chị chứng minh tình yêu bố mẹ theo một cách khác, chị khiến họ tự hào vì danh vị Tiến sỹ nước ngoài, chị giúp bố mẹ thực hiện ước mơ hồi trẻ mà họ đã chôi vùi theo năm tháng - cùng nhau đi du lịch châu Âu, mỗi năm chị đưa chồng và các con về quây quần bên ông bà ngoại ít nhất một lần.

Nuôi con chỉ mong mỏi con lớn lên thành công, tự lập, có cuộc sống riêng hạnh phúc và có cái tâm hướng về cha mẹ như vậy. Vợ chồng tôi luôn tự nhắc nhau mỗi ngày cố gắng hướng dẫn con, làm bạn cùng con thay vì nuông chiều, chăm bẵm con, để ra đời, dù không còn sự hẫu thuận của cha mẹ, con vẫn có thể tự bay. Chúng tôi cũng đầu tư nhiều hơn thời gian, cảm xúc dành cho người bạn đời để về già vẫn là đôi chim câu quấn quýt, nương tựa vào nhau mà sống.