“Trật tự một cực” trong gia đình

Trong hôn nhân, tâm lý của bà vợ, ông chồng sẽ tạo dựng thái độ ứng xử của họ với nhau. Chỉ cần một người cảm thấy “nhờ cậy” người kia, là mối quan hệ vợ chồng đã có “thứ bậc”.

“Trật tự một cực” trong gia đình - 1
 
Ông Nguyễn Tâm, một giáo viên ở Q.12, TPHCM, cảm thấy rất hài lòng trong vai trò người chỉ đạo “đường lối” trong nhà.

 

Vợ ông là y tá. Khi họ có con, chi tiêu gia đình tăng, ông chồng đưa ra sáng kiến “kinh doanh thức ăn gia súc”. Mượn vốn của cha mẹ chồng, nhà trở thành cửa hàng, ông ra quyết định vợ phải nghỉ làm ở trạm y tế xã để ban ngày bán hàng, chiều tối đi chích thuốc cho heo, gà...

 

Ông lên kế hoạch thu chi cho gia đình và xét duyệt mọi nhu cầu của vợ con. Ông tự cho mình là giám đốc, quản lý cả hàng hóa lẫn... bà vợ. Ông luôn nửa đùa, nửa thật nhắc nhở vợ: “Bà về nhà tui với hai bàn tay trắng, bây giờ có con cái, có công việc để làm, coi như bà phát triển bản thân rồi nghen”.

 

Một lần, em gái út của ông thế chấp căn nhà, lấy tiền đóng hụi, bị chủ hụi bỏ trốn nên khóc lóc với anh trai. Ông rút tiền tiết kiệm ra tay cứu em. Họ hàng lác mắt, tôn ông lên hàng đại gia, trong khi bà vợ lại hết nước mắt, đau khổ nhận ra bà chỉ là người làm công của chồng, chẳng bao giờ được ông bàn bạc chuyện gia đình. Công sức của bà được chồng chi trả bằng việc có cơm ăn hàng ngày, có chỗ ở, quần áo. 

 

Nhiều lúc ở bên chồng, mà cảm thấy không được chia sẻ, bà muốn ly hôn, nhưng lại ngại: “Như thế chắc chắn tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng”.

 

Trần Thị Minh, xuất thân từ một gia đình nghèo ở miền Trung, chỉ học đến lớp 7. Minh khá xinh xắn. Nam - một kỹ sư cầu đường, làm việc tại công trường gần nhà cô, hay tới lui quán nước của cô. Khi anh ngỏ lời  yêu thương, cô gái bẽn lẽn: “Em quê mùa, ít học, làm sao xứng với trai Sài Gòn”. Nam gạt đi: “Anh cũng là nhân viên quèn...”. Tình cảm giữa hai người ngày càng đậm đà. Khi công trình hoàn tất, cũng là lúc cô gái theo chồng về thành phố.

 

Sau ngày cưới, anh chồng học hành tiến tới, sự nghiệp phát triển như diều gặp gió. Cô vợ sinh con, ở nhà, không có nghề nghiệp nên lại mở quán bán bún, vì ngại phải xin tiền chồng tiêu vặt. Anh chồng lúc này là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn, về nhà thường mang theo áp lực của công việc. Vợ chẳng hiểu tâm trạng, không chia sẻ được buồn vui với chồng, nên giữa họ dần phát sinh khoảng cách. Anh chồng ngày càng khó ưa, khó gần vợ, lại dan díu với một cô gái trẻ. Cô vợ đau khổ, nhưng không dám đưa con về quê, vì sợ cha mẹ buồn.

 

Khi đứa con gái út vào mẫu giáo, anh chồng bảo vợ “dẹp gánh bún đi, đừng làm mất mặt tôi”. Anh xin cho vợ làm công nhân một công ty “xịn”, vốn là nơi quen biết của anh. Tiền lương của cô có bao nhiêu, anh giữ hết. Mỗi ngày, anh phát tiền chợ, và cô mua gì phải ghi sổ, trình chồng... Cô không dám ly hôn, sợ bị mất con, sợ mọi người cười chê. Thỉnh thoảng, nhớ lại thời Nam theo đuổi, tán tỉnh mình, Minh cảm thấy như chuyện không có thật.

 

Xây đắp sự bình đẳng

 

Thời nay, nắm giữ “tay hòm chìa khóa” không còn là đặc quyền của các bà vợ, không được định đoạt bởi giới tính, mà thuộc về người có năng lực quản lý và phát triển khối tài sản chung, biết lên kế hoạch chi tiêu...

 

Tuy nhiên, vấn đề trở nên bất thường khi mối quan hệ hôn nhân không còn dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng từ phía các ông chồng đối với vợ.

 

Rõ ràng, các bà vợ trong bài viết đã chịu đựng mà không hề phản kháng để tìm lối thoát. Khi được hỏi, chị Bình vợ anh Tâm, tâm sự: “Hồi lấy ảnh, tôi đã ngoài 30. Anh ấy là con trai út của một gia đình giàu có. Tôi thấy mình thật may mắn, ngay cả mẹ tôi cũng vui mừng vì con gái “đang sợ ế” lại có một nơi đàng hoàng, tử tế”. Chị Minh thì luôn ngưỡng mộ ông chồng tài giỏi. Sống với ông chồng “hơn mình... mấy cái đầu” đối với một cô gái ít chữ là một ân huệ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sài Gòn, không ít phụ nữ lấy được người chồng hơn mình, trong tình yêu đối với chồng còn có cả sự chịu ơn, nể nang và sợ sệt. Họ thường thể hiện thái độ biết điều, nép mình hoặc cam phận nhỏ bé trước chồng. Vì thế, họ vô tình gây dựng “địa vị” cho chồng, thay vì đòi hỏi và xây đắp sự bình đẳng vợ chồng. Họ luôn nghĩ rằng, chồng đã giúp họ đổi đời, mà quên việc nhìn nhận và phát huy những giá trị bản thân. Vì thế, ngay cả khi tạo ra thu nhập cho gia đình, thậm chí là trụ cột của gia đình, họ vẫn không thoát được phận cam chịu nép bóng tùng quân.

 

Về phía các ông chồng, khi uy quyền không còn đặt trên nền tảng của tình yêu, thái độ “bề trên” đã khiến các ông biến người phụ nữ - vợ mình trở thành người làm thuê, tự ti, không có tiếng nói. Đó là thiệt hại lớn nhất cho gia đình và cho cả bản thân các ông. Thật ra, các ông chồng “sếp” cũng không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi đúng nghĩa, bởi họ không được trải nghiệm sự ngọt ngào trong một mái ấm.

 

Trong hôn nhân, tâm lý của bà vợ, ông chồng sẽ tạo dựng thái độ ứng xử của họ với nhau. Chỉ cần một người cảm thấy “nhờ cậy” người kia, là mối quan hệ vợ chồng đã có “thứ bậc”. Sự chuyển biến phải bắt đầu từ việc thay đổi suy nghĩ của cả hai vợ chồng

 

Theo Phụ Nữ