Tránh rạn nứt bởi “giặc bên Ngô”
Khi đang yêu, chị Trần Thu Nga (ở Nam Định), biết chồng tương lai có 2 chị và 1 em gái nhưng chẳng suy nghĩ về mối quan hệ rắc rối “bà cô bên chồng” sau này. Bởi nếu cưới thì sau một thời gian, chị và anh sẽ quay lại thành phố làm việc. Không ở chung nên mọi va chạm đều có thể hạn chế tối đa.
Ngày cưới của họ cũng đến, những ngày đầu về nhà chồng, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, cô em chồng luôn giúp đỡ chị dâu, chị hầu như không phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì. 2 chị chồng còn tranh thủ sắp xếp công việc để dẫn em dâu đi chơi, mua sắm. Tuy nhiên, điều làm chị hơi “lăn tăn” là khi đi mua sắm đồ sinh hoạt, vật dụng cho hai cháu, các chị chồng đều khôn khéo “đẩy” em dâu ra trả tiền. Ban đầu, chị nghĩ bụng: “Mình là dâu mới, cưới xong lại không ở nhà chồng, năm mới có vài dịp về quê, mua quà cáp cho cháu cũng là điều nên làm”.
Thu nhập của anh chị cũng khá nên chị Nga thường xuyên mua quà cáp gửi về nhà chồng, khi thì vài hộp thuốc bổ cho bố mẹ chồng, khi thì bộ quần áo cho các cháu. Các chị và em chồng cũng thường xuyên gọi điện lên hỏi han sức khỏe vợ chồng chị. Nhưng sau đó, chị nhận ra nội dung của các cuộc gọi hỏi han luôn là điệp khúc “đòi quà”. Khi anh chị lần lượt có 2 đứa con, chi phí sinh hoạt ngày một nhiều hơn. Quà cáp, gửi tiền về cho nhà chồng cũng thưa thớt nhưng “tần suất” của các cuộc gọi của chị, em chồng vẫn không thuyên giảm.
Cô em chồng thì liên tục nhờ chị dâu, khi thì gửi về vài lọ kem dưỡng da, khi thì đôi ba chiếc áo mới “hợp mốt” mà “ở quê không sao mua được”. Mỗi tháng, chị Nga nhẩm tính, lương của anh chị vừa lo chi tiêu ăn uống, học hành cho 2 con, rồi tiền thuê nhà, quà gửi về nhà chồng cũng đã gần hết. Từ đấy, chị khéo léo, có bận còn thẳng thừng từ chối khi người thân có ý định “đòi quà”. Vì thế, các chị và em chồng giận dỗi, quay ra nói xấu chị với anh và bố mẹ chồng, rằng “chị dâu ích kỷ, không nghĩ gì tới nhà chồng”.
Biết được, chị tế nhị mang chuyện này ra nói với anh nhưng khác hẳn với trước kia, anh luôn lắng nghe và chia sẻ, ủng hộ vợ những điều hợp lý thì nay anh bỏ ngoài tai tất cả. Trước kia, mọi buồn vui, anh đều lắng nghe, chia sẻ, động viên chị và ngược lại. Điều này càng khiến chị thấy ở anh là điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp chị vượt qua nhiều khó khăn. Tình yêu chị dành cho anh vì thế cũng lớn dần. Bây giờ, không những bỏ ngoài tai, anh còn tỏ thái độ bênh các chị, em mình, thậm chí có hôm vợ chồng to tiếng, anh còn tuyên bố: “Anh em như tay chân, vợ chồng như quần áo. Tôi bỏ cô thì có thể lấy vợ khác nhưng chị em máu mủ ruột già thì không thể bỏ được”.
Buồn bã vì mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, chị Nga phải tìm đến chuyên gia tâm lý. Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn giữa chị dâu, với chị gái, em chồng khó có thể tránh khỏi. Vì thế, người trong cuộc cần có cách ứng xử khéo léo. Trong trường hợp của chị Nga, nếu có từ chối thì không nên nói thẳng thừng, mà nên tìm thời gian, hợp lý để chia sẻ. Ví như chị nên chia sẻ, giãi bày về hoàn cảnh kinh tế gia đình từ khi có con nhỏ, giúp mọi người thông cảm và hiểu hơn, dần từ bỏ “ý định”. Còn về phía chồng chị, dù vì “máu mủ, ruột già”, cũng nên hiểu và chia sẻ với vợ. Hai người cần ngồi lại với nhau trong thời điểm, không gian thích hợp để bàn luận và giải quyết khúc mắc, tránh vì chuyện không lớn mà ảnh hưởng đến mố i quan hệ giữa con dâu, nhà chồng và hạnh phúc gia đình.
Theo Thu Phương
Phụ Nữ Việt Nam Cuối Tuần