Tranh cãi "đàn ông để vợ khổ, có nhục?"

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Chia sẻ "Đàn ông để vợ khổ là nhục lắm" của một người đàn ông gây nên bão tranh luận trên mạng xã hội. Người phản ứng, người đồng tình nhưng quanh chuyện "để vợ khổ" có vô vàn thứ để nói...

Nhiều quý ông đã dựng ngược, tranh cãi tưng bừng trước phát ngôn này. Phải nói, ít khi đàn ông có dịp nhiều lời với người những đàn ông khác, với cả người khác phái như vậy. 

Họ cho rằng, đó là sự xúc phạm, sự thiếu tôn trọng, không thấu đáo, là vơ đũa cả nắm.

Tranh cãi đàn ông để vợ khổ, có nhục? - 1

(Ảnh minh họa)

Hình ảnh người phụ nữ lam lũ, vật vả, không thể đổ vấy hết lên người đàn ông. Cuộc đời có trăm ngả đường khổ, nhiều ông chồng cày bục mặt, quần quật để lo cho gia đình nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh vẫn không thoát được cảnh nghèo khó.

"Không một thằng đàn ông nào muốn vợ nghèo, còn khổ... Nhưng cuộc đời đâu rải thảm hoa hồng, đâu phải cứ muốn là được", một ông chồng bày tỏ. 

Hơn nữa, vẻ ngoài nhiều chị em lam lũ, vất vả nhưng chắc gì họ đã khổ hoặc đã thấy khổ. Hạnh phúc là một khái niệm không có khái niệm, có khi nỗi khổ của người này là hạnh phúc của người khác và ngược lại. 

Cũng có ý kiến, người ta vạ miệng, so đo làm gì. Tuy nhiên, nhiều người đứng về phía phát ngôn này. Thực tế, đâu ít người phụ nữ lam lũ, vất vả vì vướng phải ông chồng không ra gì. Có khi đến đời con cũng chưa hết khổ vì người cha vô trách nhiệm, bạc bẽo... 

Trừ những hoàn cảnh đặc biệt, một khi người vợ, người mẹ khổ sở, lam lũ cũng cần xem trách nhiệm của người đàn ông, vốn được xem là trụ cột trong gia đình.

Một blogger nổi tiếng bày tỏ, ý kiến này kêu gọi đàn ông không để vợ lam lũ, cực nhọc là ý tốt, xin đừng bỏ cong ý nghĩa sang hướng nọ kia. 

Đừng nhân danh cái nghèo để nói rằng, người nghèo thì lam lũ là bình thường. Chẳng muốn mình nghèo và chẳng ai muốn mình lam lũ đâu. 

"Chúng ta chẳng phải mưu sinh nghiệp đời để có ngày báo hiếu cho mẹ đỡ khổ cha đỡ cực, thì đàn ông sức dài vai rộng cùng gánh vác cho vợ đỡ cơ cực là sai à? Sao phải chạm tự ái ở điều lẽ ra ta nên thấy đó là một món nợ?", người này lên tiếng.

Qua nhiều phản ứng về chủ đề này, có thể thấy ý kiến trên đang chạm đến tự ái của rất nhiều ông chồng khi đặt cạnh trạng thái "vợ khổ". 

Không chỉ về khó khăn, lam lũ về kinh tế mà cái khổ của người phụ nữ hiện nay còn thể hiện nhiều mặt. Thực tế, biết bao nhiêu chị em, có chồng mà như không, thậm chí còn đèo bòng thêm một cục nợ.  

Không ít ông chồng ngoài trách nhiệm kiếm tiền về thì không chia sẻ việc nhà, vô hình trong việc dạy con, chưa kể đến đủ thói hư tật xấu như gia trưởng, lười biếng, vũ phu, cờ bạc, nhậu nhẹt, bồ bịch... Cũng có những ông chồng, đủ mọi thói hư thật xấu và tiền cũng không đem về. 

Không thể đổ vấy mọi trách nhiệm "hạnh phúc" lên vai người đàn ông. Nhưng nhiều phụ nữ chết héo, chết mòn, tàn một đời hoa bên người chồng dặt dẹo về khả năng và cả trách nhiệm, cảm xúc. 

Đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội không ít nhưng cũng không thiếu những người bê tha, bê bối, thiếu trách nhiệm với chính những người máu mủ, ruột thịt, thân yêu và chính với bản thân. 

Cờ bạc, nhậu nhẹt, trai gái... chẳng cần chờ đến khi có vợ con, khối thanh niên hiện nay đã tự hủy hoại sức khỏe, tương lai của chính mình. Làm biến dạng phong thái, cốt cách của nam nhi trước khi trở thành người chồng, người cha. 

Và nguy hiểm nhất, với tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu trong tiềm thức người Á Đông, rất nhiều người cho rằng là chuyện bình thường với bao biện "đàn ông là vậy". Nhiều người chồng, người cha mất đi tự trọng, trách nhiệm khi để vợ con phải khổ. 

Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết đề cập đến việc "tụt hạng" của đàn ông Việt. Nhiều cô gái trẻ ngày nay thấy tình cảnh bà, mẹ, chị gái, chị dâu, các cô hàng xóm, đồng nghiệp, hãi đến mức từ chối mọi lời cầu hôn. Hay nhìn bố, anh, ông hàng xóm... họ ở không còn hơn. Cũng có người thà nhắm mắt ở nơi xứ người làm vợ người ta còn hơn lấy thanh niên trai tráng trong làng... 

Tranh cãi đàn ông để vợ khổ, có nhục? - 2

(Ảnh minh họa)

Đến nỗi, một chuyên gia về triết học đã từng phải lên tiếng: Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc, đàn ông cũng cần phải có "công - dung - ngôn - hạnh"...

Vì muốn hay không thì tương lai của người vợ, nhất là của những đứa con phụ  thuộc rất lớn vào người chồng, người cha. 

Đã là quan điểm thì rất khó phân định đúng sai. Trước một ý kiến, có người sẽ mỉm cười, tự tin, có người có thêm góc nhìn để sửa mình, sửa đời; có người đau đáu, giật mình; có người nổi giận, tự ái... Những phản ứng ít nhiều sẽ thể hiện bạn thuộc túyp người đàn ông nào.