Trang Hạ: "Có phải mẹ chồng thường chuộng cháu nội và hàng ngoại?"
(Dân trí) - Người ta có thể đi 1 chiếc xe đạp rách nhưng sẵn sàng chi số tiền lớn cho hàng ngoại, đơn giản vì nghĩ hàng ngoại tốt nhất, ưu việt nhất.
Hằng ngày, không thiếu những tâm sự của các mẹ bỉm sữa vì bất đồng quan điểm với mẹ chồng, đặc biệt là trong chuyện nuôi con và mua sắm. Nuôi dạy con theo phương pháp gì, đi học trường nào cũng có thể nổ thành cuộc chiến không hồi kết. Đồ gì tốt, đắt hay chất lượng, nhãn mác hay công năng sử dụng… tưởng đơn giản nhưng cũng không hề dễ dàng. Mới đây nhà văn Trang Hạ đã lên tiếng bằng 1 bài viết gây sốt cộng đồng mạng và được nhiều chị em hưởng ứng nhiệt liệt. Trong đó, dưới góc nhìn Trang Hạ, tâm lý sính ngoại của nhiều thế hệ người tiêu dùng được chị khai thác triệt để và sâu sắc.
Sính ngoại không đơn giản là hành vi mua sắm, sính ngoại thể hiện tư duy tiêu dùng của người Việt
Không đi vào lên án tâm lý sính ngoại ngay lập tức, Trang Hạ chỉ ra đây là nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của thế hệ trước do cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Với họ, xe đạp, cối xay, đài cát sét, nồi cơm từ Nga, Đức luôn là sự bảo chứng cho chất lượng và hơn hết, nó thể hiện đẳng cấp của người dùng. “Từ đồ đạc trong nhà, chai nước rửa bát, cho tới cái khăn mặt, hàng ngoại toàn chữ tây luôn là một chuẩn mực của sự lựa chọn, cũng là một “chuẩn” chất lượng người nội trợ” – Trang Hạ nhận định.
Sính ngoại không chỉ là tâm lý của tầng lớp khá giả mà nó tồn tại trong suy nghĩ của cả những người có thu nhập thấp. Chị chia sẻ:
Nghèo – như Trang Hạ nói không phải là nghèo tiền bạc mà cao hơn, nó là nghèo đói sự công nhận. Rằng họ đã cố gắng bằng tất cả những gì mình có để đạt được thứ tiêu chuẩn mà số đông hằng ao ước: “Nếu hỏi người bán hàng tiệm tạp hóa xem, ai là người mạnh tay mua những loại nước rửa bát ngoại nhập giá đắt gấp đôi những sản phẩm tốt nhất Việt Nam, hay ai là người sẵn sàng mua thử dùng thử những loại tẩy rửa ngoại nhập lần đầu mới về dù giá không rẻ? Không phải là những cô vợ trẻ đi xe tay ga, tiêu tiền to đâu, toàn là những khách hàng thế hệ đã về hưu, đã thành bà nội bà ngoại, nhưng luôn mê đồ tiêu dùng ngoại nhập!”
Không chỉ là chuyện tiêu tiền trên một chai nước rửa bát, cuộc chiến giữa mẹ chồng – nàng dâu là sự giằng co tinh thần của cả 1 thế hệ!
Đã quan sát nếp sinh hoạt của người lớn tuổi trong 1 thời gian đủ dài, Trang Hạ chỉ ra thói quen mua sắm của người lớn tuổi: “Các cụ chọn mua đồ thường theo quán tính, đôi khi nhấc lên đặt xuống rất nhiều, nhưng khi mua lại theo lời khuyên của người khác, của bà bạn đầu ngõ chẳng hạn. Hàng trôi nổi kém chất lượng, rồi chưa rõ nguồn gốc v.v… đều gắn nhãn ngoại nhập! Trong khi con dâu dù rất bận rộn, phóng vèo xe ra chợ, vội vã mua chai nước tẩy rửa có một phút, nhưng thực ra con dâu đã đọc kỹ về sản phẩm này vài lần trên mạng trước khi lựa chọn mua, thậm chí đã đọc kỹ review của các mẹ khác để biết rõ, mình tin dùng hàng loại tốt, dù nó không nhất định là hàng ngoại nhập!”.
Rõ ràng, yêu thương không thể đong đếm bằng tiền bạc nhưng với đôi khi, người mua lại nhầm tưởng giá trị của hàng ngoại sẽ đại diện cho sự quan tâm, chu đáo và tinh tế của họ.
Trong khi đó, với trải nghiệm tuyệt vời cùng khoa học, công nghệ thời đại mới, những bà mẹ 8x trở đi được coi là thế hệ vàng. Họ tiếp thu những kinh nghiệm của người đi trước, đồng thời có nhiều thông tin, cơ hội để chọn lựa sản phẩm tốt nhất cho bản thân, gia đình. Mà sản phẩm tốt thời nay, đã không còn bó buộc trong 2 chữ “hàng ngoại”.
“Phụ nữ gia đình lứa tuổi như mình hoặc các mẹ 8X trẻ hơn, sẽ tin vào chứng nhận chất lượng sản phẩm: Hàng ngoại chưa chắc đã là tốt, hàng đắt chưa chắc đã là phù hợp. Rửa bát sạch quá thơm quá coi chừng hại da tay, tồn lưu hóa chất hương liệu, lạm dụng chất tẩy rửa ra môi trường. Quần áo thơm quá coi chừng là hương liệu hóa học đậm đặc. Các vi chất thành phần có trong nước tẩy rửa có phải nguyên liệu thân thiện môi trường?” – Trang Hạ không quên đưa ra những minh chứng rõ ràng về hậu quả lâu dài khi lựa chọn hàng ngoại vô tội vạ.
Đã lâu lắm rồi không ai nói trúng nỗi lòng của họ đến vậy!Tư duy cũ được tạo ra không có nghĩa là nó sẽ tồn tại mãi mãi. Với Trang Hạ, khi nhiều tập đoàn quốc tế đã vào Việt Nam và mang theo sản phẩm chất lượng quốc tế với giá nội địa, và cũng vô cùng quen thuộc với mỗi gia đình, sao không cho họ một cơ hội?