Trăm kiểu giành con

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc giành quyền nuôi con sau ly hôn nhưng thực tế vẫn còn xảy ra các trường hợp tranh chấp, giành giật con hoặc cố tình đặt ra các điều kiện gây khó cho nhau, trong đó có cả hành vi “bắt cóc” con.

Gây khó cho nhau

 

Chị B., nhà ở Bình Chánh - TPHCM, đã xin ý kiến luật sư: “Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai 5 tuổi. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành thủ tục ly hôn. Nhận thấy chồng tôi quan tâm chuyện tiền nong hơn nên tôi dự định thỏa thuận là khi ly hôn tôi để lại toàn bộ tài sản cho anh ấy, bù lại anh ấy giao con cho tôi nuôi, dù nghèo nhưng tôi sẽ ráng lo cho con đầy đủ!”.

 

Khác với trường hợp của chị B., anh H.T, ở Bến Tre, nhận thấy mình yếu thế trong việc giành quyền nuôi con nên đặt ra điều kiện để gây khó cho người mẹ. Trong thư của anh có đoạn: “Hiện nay tôi muốn buông để người mẹ nuôi con nhưng với điều kiện cô ấy không được tái hôn, còn nếu tái hôn phải giao lại con cho tôi nuôi, tôi muốn thỏa thuận bằng văn bản. Không biết làm như thế có được không?”.

 

Có trường hợp người mẹ, do không muốn người cha có dịp tới lui thăm nom, chăm sóc con nên đã nghĩ kế: “Khi ly hôn, tôi chủ động không yêu cầu người cha cấp dưỡng nuôi con. Mục đích là để người cha không còn điều kiện, cơ hội đến gặp tôi và con, vì từ trước đến nay anh ấy là người vô trách nhiệm, nguyên nhân dẫn đến ly hôn cũng do anh ấy mà ra!”. Một khách hàng nữ xin tư vấn qua điện thoại kể lại.

 

Ngoài ra, còn có trường hợp tòa án đã giải quyết cho ly hôn, án đã có hiệu lực thi hành, ai được nuôi con, ai cấp dưỡng nuôi con đã được quy định rạch ròi. Vậy mà trong thực tế, vẫn có những trường hợp đương sự giành giật, bắt cóc con bất chấp pháp luật. Trường hợp của chị D., ở quận Tân Bình - TPHCM là một điển hình.

 

Khi ly hôn, tòa án quyết định giao đứa con trai 4 tuổi cho chị nuôi, người cha trợ cấp nuôi con. Khi nuôi con, chị cũng tạo điều kiện để người cha được thăm nom và chăm sóc con chung một cách đàng hoàng. Vậy mà mới đây, người cha đã “bắt cóc” đứa con trai đem về nhà ông bà nội nuôi mà không hề hỏi ý kiến của người mẹ. Bức xúc, chị D. tìm đến văn phòng luật sư hỏi xem có cách nào giúp chị đưa con trở về. Và mới đây nhất là vụ hai chú ruột bắt cóc cháu Nguyễn Hoàng Minh Phước tại huyện Núi Thành, Quảng Nam gây xôn xao dư luận, thực chất cũng là việc tranh giành nuôi con sau ly hôn.

 

Chớ để con trẻ thiệt thòi

 

Trường hợp của chị B., việc thỏa thuận đổi tài sản để bắt con hoặc không nhận tài sản để “chắc suất” nuôi con, tuy không trái pháp luật nhưng xem ra giải pháp này không ổn vì luật quy định trong trường hợp cần thiết, vì lợi ích của con, người cha có quyền xin thay đổi người nuôi con. Và tòa án có thể quyết định cho thay đổi người nuôi con trong trường hợp người mẹ không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên. Như vậy, giải pháp nói trên là thiệt thòi quyền lợi (về tài sản) mà cũng không thể bảo đảm tuyệt đối quyền trực tiếp nuôi con về sau.

 

Trường hợp của anh H.T, sau khi ly hôn, đương nhiên các bên sẽ trong tình trạng độc thân và có toàn quyền trong việc kết hôn với người khác, miễn sao người đó bảo đảm được việc nuôi dưỡng và chăm sóc con chung. Vì vậy, việc lập văn bản thỏa thuận “Ai tái hôn, người đó mất quyền nuôi con” vừa tự “trói” mình vừa làm mất quyền kết hôn của người khác. Còn ý định “không nhận cấp dưỡng để cha không có dịp gặp con” cũng là một quan điểm lệch lạc vì dù người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người kia cấp dưỡng thì họ vẫn có quyền tới lui thăm nom con.

 

Trường hợp người mẹ được giao nuôi con nhưng người cha đã đến bắt con đi, không có sự đồng ý của người mẹ, thì dù có nuôi và chăm sóc con tốt, người cha cũng vi phạm pháp luật. Điều 304 Bộ Luật Hình sự có quy định về tội không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

Có thể nói rằng khi vợ chồng ly hôn, dù ít dù nhiều, trẻ cũng đã thiệt thòi về quyền lợi. Lẽ ra, cha mẹ cần phải làm điều gì đó để bù đắp cho con hoặc ít ra cũng phải phối hợp nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất có thể. Đừng vì những hiềm khích cá nhân, sự ích kỷ của mình... mà có những ý nghĩ và hành động sai trái, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của con trẻ. N

 

Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên... Người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được quyền cản trở người đó thực hiện quyền này...

 

Theo LS Huỳnh Minh Vũ

Người lao động