Trầm cảm vì vợ bỏ nhà theo trai
Nghe tin vợ bỏ nhà theo trai, Đương ngày càng ít nói, nhiều lúc chỉ ngồi im lặng nhìn xa xôi. Từ ngày anh ta bị bắt, vợ lại bỏ đi, 2 đứa trẻ ở nhà chỉ còn biết dựa vào hai người già.
Hình chỉ có tính chất minh họa.
Hai đứa trẻ lên 5, lên 7 là con gái của Đương còn 2 người già mà anh ta nhắc tới đó là bà ngoại và mẹ của Đương. Bốn con người, một bên là quá già và một đằng là quá trẻ cứ như trêu ngươi gã đàn ông duy nhất trong nhà, giờ lại đang ở tù
Đương là thằng con trai duy nhất trong nhà nhưng lại đi tù từ 3 năm nay. Vợ Đương đã bỏ đi từ 1 năm nay nên trong nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Già cả còn phải nuôi trẻ con nhưng con trẻ lại chẳng thể động viên được già bởi chúng còn quá nhỏ, ăn uống còn phải có người lo lắng thì làm sao có thể giúp được gì ngoài những câu bi bô.
Đương là con trai lớn, sau anh ta còn một cô em gái nữa. Cả hai cùng có ngoại hình giống mẹ và chung một nỗi mặc cảm: con hoang. Là thằng con trai nên nỗi tự ti càng lớn. Đang học cấp 2, bị bạn trêu chọc, Đương nghỉ học. Cũng biết cấy cày giúp bà, đỡ mẹ, Đương cũng biết chở rau củ về Hà Nội bán cho được giá. Kể từ ngày đi buôn, Đương bắt đầu có bạn và từ họ mà Đương có vợ.
Tối 19/6/2009, Lê Văn Sáng, người trong nhóm bạn của Đương cùng một nhóm thanh niên sang Kim Lan, Gia Lâm (Hà Nội) chơi điện tử. Thấy “người lạ”, mấy thanh niên ở xã Kim Lan, cậy “gần nhà” cà khịa bằng cách ngáng chân làm Sáng ngã sõng soài ra đất. Không dám phản ứng lại, Sáng đi vào phòng trong kể với các bạn rồi cả nhóm rủ nhau đi về. Tuy nhiên, khi ra đến ngoài, thấy mấy thanh niên xã Kim Lan tụ tập trước cửa, vì sợ bị đánh hội đồng nên nhóm của Sáng không dám về nữa mà gọi điện cho bạn cầu cứu.
Một tốp thanh niên từ Văn Giang, Hưng Yên phóng xe tới, nhũn nhặn trò chuyện với những “thổ công” Kim Lan và khúc mắc giữa đôi bên được hòa giải. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như hai thanh niên Văn Giang đi sau, chưa biết đầu cua thế nào đã cất tiếng chửi cả làng Kim Lan rồi xông vào đánh hai người đàn ông vô tình đi qua vì cho rằng họ nhìn đểu. Đương là người biết tin muộn nên đến sau cùng nhưng vừa phi xe đến nơi thì Đương bị Nguyễn Văn Bộ, sinh năm 1958, người Kim Lan, đẩy ngã vào tường, xước trầy đầu gối. Vô cớ bị đánh đau, Đương vơ luôn mảnh gốm nung dưới đất đập lại khiến Bộ thiệt mạng. Bị kết án 18 năm tù vì tội giết người, Đương bàng hoàng, tê tái.
Khi xảy ra chuyện chồng bị bắt, vợ Đương đã không vượt qua được. Hai đứa con chỉ níu được chân mẹ ở nhà trong một thời gian rồi phải quay sang cầu cứu bà nội và cụ ngoại. Thương anh trai, mỗi lần lên trại giam thăm anh, em gái Đương phải nói dối, bảo tại chị dâu bận rồi con ốm nên không lên thăm được.
“Cháu biết là em cháu không nói thật, nó sợ cháu sốc”, Đương khẽ khàng. Bằng cách này, cách khác, rồi Đương cũng biết được sự thật về gia đình mình. Nỗi tự ti mặc cảm ngày nào lại trở về xâm lấn. Đương bảo thấy có lỗi với bà, thương mẹ mình vất vả và đau nỗi đau của hai đứa con vắng cha giờ thiếu mẹ. 18 năm tù, nếu có cải tạo tốt để được đặc xá cũng phải chục năm Đương mới được trở về, chắc chắn sẽ không có cơ hội gặp lại bà ngoại lần cuối. Đấy là nếu tính suôn sẻ chứ cứ thẳng băng từng ấy năm đi tù chắc đến mẹ Đương cũng khó có cơ hội báo hiếu.
Mỗi khi có ai đó nhắc về gia đình, vợ con, Đương lại âm thầm khóc. Kể từ ngày Đương đi tù đến nay, vợ anh ta chưa một lần lên thăm chồng, cũng không một lá thư động viên, thế nên đã ít nói, Đương càng như cái bóng.
“Cháu cũng biết là chỉ có cải tạo tốt là con đường duy nhất để trở về nhưng cứ nghĩ tới người thân toàn già với trẻ nhỏ ở nhà là không sao vui lên được. Cháu không trách gì vợ vì cô ấy còn trẻ, không thể chờ đợi được cháu. Chỉ mong sao cô ấy nghĩ đến con, thi thoảng về thăm chúng nó cho chúng nó đỡ thiệt thòi”, Đương nói. Lần đầu tiên anh ta nói một câu dài đến vậy. Lớn lên chỉ có bà và mẹ, hơn ai hết, Đương mong lắm con mình không phải khóc thầm như bố chúng ngày xưa.
Theo Nguyễn Lam
Công Lý