Trải lòng của người vợ theo dõi chồng đêm Noel

Anh lên xe đi trước. Tôi lên xe đi sau. Tôi, trong vai một bà Noel, lặng lẽ theo đuôi chồng mình trong đem Giáng sinh lạnh giá ấy. Tôi cảm thấy mình thật đáng sỉ vả khi làm điều này...

Cho đến bây giờ, khi chồng tôi có đủ dũng khí để nhắc lại kỷ niệm ấy như một niềm tự hào về vợ, nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi tôi: "Thật ư, chị đã không làm gì cả, chị đã đứng chôn chân suốt hai tiếng đồng hồ ở đấy?".

 

Tôi không muốn nhắc lại một kỷ niệm mà ở đó, tôi là nhân vật chính khốn khổ, đơn độc, run rẩy, cuồng nộ, suýt hóa điên vì không biết làm sao cho đúng.

 

“Em đã làm đúng, ít nhất là để anh nể em đến mức… không dám nghĩ về ai khác nữa”, chồng tôi khẳng định.

 

Tôi tin anh, ít ra là cho tới giờ, năm năm đã đi qua vết thương lòng ấy, tôi vẫn còn giữ được anh cho hai đứa con của mình.

 

Đóa hồng ngọt ngào

 

Giác quan thứ sáu hình như là có thật. Bởi vì trong một hoàn cảnh cực kỳ bình thường, tự dưng tôi có cảm giác bất thường. Anh mua hoa tặng tôi nhân dịp Noel. Với người đàn bà hai con, sống trong cái “lồng” hôn nhân sáu năm thì việc nhận hoa của chồng trong ngày Noel là niềm vui bất ngờ. Tôi mang đóa hồng đỏ thắm đi cắm, miệng huýt sáo bài “Triệu đóa hồng”.

 

Lúc nào vui, tôi cũng thích huýt sáo “như đàn ông”, theo cách mà anh bảo “ghét nhất ở vợ”. Dạo này tôi vui hơn bởi tự dưng chồng có những cử chỉ đột biến sau nhiều năm chung sống với nhau.

 

Thi thoảng anh vẫn nhắn tin hỏi tôi đi ăn trưa với ai, mấy giờ về. Cao hứng, anh còn gởi tặng bài hát qua điện thoại di động. Những lời lẽ ngọt ngào khiến tôi thấy dịu bớt những bức bối trong lòng vì hai đứa con thay nhau ốm liên miên.

 

Vừa cắm hoa vào bình, tôi vừa líu lo với anh: “Hay là hôm nay em gửi con sang ngoại, hai đứa mình đi hâm nóng tình yêu ngoài đường nhé”. Có một cái gì đó giống như luồng điện lạnh chạm vào gáy tôi. Bất giác tôi quay lại, thấy anh đang đứng ngẩn người ra, nhìn mà như không nhìn vào tôi.

 

Giác quan thứ sáu mách bảo ngay cho tôi rằng dường như có điều gì bất thường trong ánh nhìn vô định ấy. “Anh!”, tôi gọi.

 

Chồng tôi như sực tỉnh, anh mấp máy điều gì đó. Tự dưng thấy hẫng hụt, tôi bê bình hoa vào phòng khách. Đi ngang qua anh, cảm giác như có một luồng điện lạnh khiến tôi sởn gai ốc.

 

“Em này!”, giọng chồng tôi đã trở lại bình thường. “Tối nay anh phải đi tiếp khách”. Im lặng. “Ông này bay từ trong Nam ra, sáng mai lại vào sớm, không gặp bây giờ thì mất cơ hội”, phớt lờ sự khó chịu hiện rõ trên mặt tôi, anh giải thích.

 

“Vậy thì em đưa con sang chơi với ông bà. Lúc nào về thì anh qua đón ba mẹ con nhé!”, ghìm một tiếng thở dài, tôi nhẹ nhàng nói với anh.

 

Tiếp khách, tiếp khách, tiếp khách! Đấy là điệp khúc mà tôi ghét nghe nhất ở chồng mình. Nhưng biết làm sao được, tôi không bao giờ cho phép mình cản trở công việc của chồng.

 

“Miễn là đừng bao giờ về quá nửa đêm”, tôi giao hẹn với anh, ngay từ khi bắt đầu bước vào hôn nhân. Đêm ấy tôi cũng nhắc lại với anh câu này. Và anh đã mỉm cười, âu yếm hôn vào trán tôi, thầm thì: “Tất nhiên rồi, vợ yêu quý ạ”.

 

Đêm ấy, có quá nhiều lời nói dối. Tôi gọi điện cho mẹ, nói dối là tôi muốn gửi con để đi nhà thờ cùng chồng. Tôi nói dối chồng rằng tôi chờ anh ở nhà ông bà ngoại. Một mối nghi ngờ không nguyên cớ khiến tôi nói dối những người thân yêu nhất bằng một giọng điệu thật thà nhất.

 

Tôi phải đi theo anh! Nhất định là thế, vì cái luồng điện lạnh lúc chiều vẫn không ngừng ám ảnh tôi.

 

… và lòng người man trá

 

Anh lên xe đi trước. Tôi lên xe đi sau. Tôi, trong vai một bà Noel, lặng lẽ theo đuôi chồng mình trong đêm Giáng sinh lạnh giá ấy. Tôi cảm thấy mình thật đáng sỉ vả khi làm điều này.

 

Lý trí chống cự, nhưng con tim yếu mềm lại cứ buộc tôi phải làm cái điều đáng sỉ vả ấy. Tôi không tin chồng, lần đầu tiên sau sáu năm chung sống, tôi nghi ngờ người đàn ông vừa hoan hỉ tặng mình một đóa hồng đỏ thắm.

 

Bộ đồ ông già Noel tôi vừa mua, tôi định vận vào để gây bất ngờ cho chồng con, không ngờ lại thành thứ cải trang, biến tôi thành một thám tử bất đắc dĩ. Tôi đã thủ một vai diễn không nằm trong kịch bản mình đã viết đi viết lại trong đầu. Để quà ở nhà, để con ở với ông bà ngoại, đầu óc rối như tơ vò, tôi theo dõi chồng.

 

Anh ra khỏi nhà 15 phút thì dừng lại gọi điện thoại. Mắt anh nhìn quanh như tìm ai. Chột dạ, tôi chỉ muốn nhắm tịt mắt lại để khỏi chứng kiến đôi mắt anh ngạc nhiên khi nhận ra mình. Nhưng đến cả cái cụp mắt lại, tôi cũng không thể. Thần kinh tôi căng thẳng đến mức tôi cứ mở to mắt nhìn anh.

 

Dường như anh có lướt qua tôi, cũng cái nhìn mà cứ như không hồi chiều. Môi anh nở một nụ cười, tay khua khua lên bầu trời vẻ reo mừng.

 

30 giây sau, tôi đã kịp hiểu anh đón chờ điều gì. Một cô gái. Giữa phố phường đầy người trong đêm ấy, ngồi trên yên xe máy, chân tôi như muốn khuỵu xuống. Tay tôi run đến mức không bóp nổi còi, đầu óc tôi choáng váng, xây xẩm như người tụt huyết áp. Vậy mà tôi theo được họ.

 

Họ mua mũ ông già Noel, họ mua hoa, họ mua mấy bắp ngô nướng… Họ đi, tôi đi. Họ dừng, tôi dừng. Họ âu yếm. Tôi hoang vu. Cuối cùng, họ rẽ vào nhà nghỉ. Cuối cùng, tôi khựng lại trước nhà nghỉ, rồi còn đủ tỉnh táo để đi nhanh qua đó.

 

Lập bập mãi tôi mới rút được điện thoại ra. Không cần nhìn số, tôi bấm nút. Có tín hiệu chuông reo. Không ai cầm máy. Tôi nhìn vào số đang gọi đi. “Nhà mình”. Bàn tay vô thức của tôi đã tìm về cái gọi là tổ ấm, với một hy vọng hão huyền rằng sẽ có anh ở đầu dây bên kia, anh đang đợi tôi về đón Giáng sinh.

 

Tôi đứng chôn chân dưới gốc cây bàng, mắt nhìn lên tấm kính mờ của nhà nghỉ. Tấm kính nào hắt đèn ra ngoài đều có thể là nơi chồng tôi đang trú ngụ. Có bao nhiêu gã đàn ông xin phép vợ đi tiếp khách vào đêm Noel như chồng tôi?

 

Lời nói dối cuối cùng

 

“Nếu như lúc ấy vợ ông xông vào làm tanh bành mọi chuyện, thì ông sẽ đứng về phía ai?”, hai năm sau, bạn anh đã hỏi anh câu này. “Đừng đặt ra giả thiết khó khăn ấy, bởi vì vợ tôi đã để sẵn sàng cho tôi một giải pháp đơn giản hơn nhiều” anh bảo. “Cô ấy trói chặt tôi bằng sợi lạt mềm”.

 

Lúc đứng chôn chân dưới gốc bàng chờ anh, tôi không đủ tỉnh táo để nghĩ ra các tình huống. Tôi bấm điện thoại tứ tung, hễ ai a lô là tôi lại máy móc nói lời chúc Giáng sinh. Mẹ tôi cũng nhận được một lời chúc như thế. Bà ngạc nhiên gọi lại cho tôi, hỏi tại sao giờ này hai vợ chồng chưa về để đón các con.

 

Nhắc đến con, tôi như bị giội một gáo nước lạnh, thoát dần cơn mộng mị. Tôi đã gọi điện cho tất cả các số điện thoại có thể gọi được, trừ số máy của con người phụ bạc, dối lừa trong khu nhà nghỉ kia.

 

Tôi muốn xông vào đấy đập phá tan tành tất cả những gì có thể đập phá được. Cào cấu gương mặt quen thuộc suốt bao nhiêu năm cận kề bên mình. Gào thét, khóc lóc, sỉ vả. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ đứng đấy, không làm gì khác ngoài động tác bấm số và chúc mừng.

 

Nghe xong điện thoại của mẹ, tôi nhìn đồng hồ. 22 giờ 30 phút. Tôi bấm vào số còn lại: “Anh tiếp khách xong chưa? Ừ, vậy cùng về nhé, em đang chờ anh dưới gốc bàng ngoài cửa này”…

 

“Anh đã gần như chết đứng tim khi nghe đến câu cuối cùng của em”, chồng tôi nhớ lại. Tôi thì thực sự đứng tim khi nhìn thấy anh lầm lũi bước ra từ cái nhà nghỉ ấy. Anh vẫn còn mất vài phút nữa để nhìn ra tôi, bà già Noel đứng cô độc trong bóng tối.

 

Anh phải gọi taxi đưa tôi về vì tôi đã ngất đi. Anh nói dối bố mẹ tôi, nói dối các con tôi rằng chúng tôi bị tắc đường ở nhà thờ, không về được. Đó là lời nói dối vô hại nhất trong cái đêm đáng quên ấy.

 

Khi tôi tỉnh lại thì thấy anh vẫn đang cầm tay tôi, áp vào bên má sũng nước của anh. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên vì sao một người mau nước mắt như tôi lại không nhỏ giọt nước mắt nào trước sự thật tàn nhẫn đến thế.

 

Anh hỏi tôi có thể tha thứ cho anh không. “Miễn là đừng về quá nửa đêm”, tôi mệt mỏi nhắc lại giao ước ngày nào. Nước mắt lăn dài trên má anh. Tôi quay lưng vào nhau. Tôi sợ phải nhìn một người đàn ông khóc.

 

Chẳng cần anh hứa hẹn hay thề thốt gì, nhưng tôi biết không bao giờ tôi để mất anh lần nữa.

 

Một đêm Noel quá lạnh, đủ để anh phải đền trả tôi những đêm ấp áp còn lại của cuộc đời này.

 

Theo Tiếp thị & gia đình