"Tôi lúc nào cũng đói, vì sao vậy?"

(Dân trí) - Nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ, thường "đau khổ" hỏi câu đó bởi họ có một cái bụng đói, suốt ngày kêu gào đòi lấp thêm thức ăn. Biết được nguyên nhân tại sao sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, để giữ gìn dáng đẹp, eo thon.

"Tôi lúc nào cũng đói, vì sao vậy?" - 1

Đói là một bản năng tuyệt vời và cần thiết của con người, nó giữ cho não bộ bạn hoạt động, cơ bắp hình thành và cho phép cơ thể được phục hồi sau các vận động sảng khoái như chơi kayak, đi bộ đường dài, hay bơi lội... Cũng chính cơn đói là lý do buộc bạn phải đứng dậy, rời bỏ chiếc máy tính bạn đã dán mắt vào trong suốt 4 giờ qua.

Song chuyện gì xảy ra khi bất kể bạn có ăn nhiều bao nhiêu, bạn dường như luôn đói? Giả sử bạn không phải bà mẹ đang cho con bú hoặc nuôi con nhỏ - 2 điều chắc chắn có thể làm tăng sự thèm ăn - thì dưới đây là những lý do phổ biến nhất lý giải cho việc vì sao bạn luôn đói.

1. Bạn không ăn đủ protein

Protein hay chất đạm là dinh dưỡng quan trọng để duy trì sức khỏe, mang lại cảm giác no. Ăn bao nhiêu đạm mỗi ngày phụ thuộc vào cân nặng và phong cách sống của bạn, nhưng mỗi bữa bạn đều nên ăn. Bạn không muốn ăn thịt, chỉ là fan của trái cây? Vậy hãy nướng một lát táo cùng bơ đậu phộng, như vậy bạn đã có đủ bộ ba chất đạm, chất béo lành mạnh và chất xơ.

2. Bạn không ăn đủ chất xơ

Chất xơ cũng là một chất dinh dưỡng đem lại cảm giác no mà nếu không nhận đủ, bạn sẽ có xu hướng hay ăn vặt. Các thức ăn không có chất xơ sẽ di chuyển qua đường tiêu hóa rất nhanh, khiến bạn đói ngay sau khi ăn. Hãy thử kết hợp thực phẩm với nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt, bạn sẽ thấy no lâu hơn đấy.

3. Các bữa cách nhau quá xa

Cảm giác đói liên tục có thể là tín hiệu cơ thể gửi đi cho thấy đã quá lâu kể từ khi bạn cho "nó" ăn rồi. Thay vì chế độ chằn chặn ngày 3 bữa, bạn có thể cần một bữa ăn nhẹ cách mỗi 3-4 giờ, tùy thuộc bữa ăn và mức độ hoạt động của bạn. Bạn có thể tự thử nghiệm bằng cách chi ra các bữa ăn nhỏ, thường xuyên trong ngày xem có giảm được cơn đói hay không.

4. Bạn thiếu ngủ

Thiếu ngủ làm tăng cảm giác thèm ăn, thậm chí còn được liệt vào yếu tố gây bệnh béo phì.

5. Bạn đang bị căng thẳng mãn tính

Prudence Hall, Giám đốc y khoa tại The Hall Center cho biết, khi chúng ta căng thẳng cao độ, cơ thể chúng ta đang chuẩn bị hành động. Phản ứng đó có thể kích thích sự gia tăng cảm giác đói.

6. Bạn không kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường

Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát, nó có thể gây khó khăn cho lượng đường trong máu - hay năng lượng - đi đến các cơ quan bộ phận đang cần. Lượng đường này không được sử dụng thích hợp cho nhu cầu năng lượng, và cơ thể tin rằng nó đang bị bỏ đói, vì vậy bạn cảm thấy phải ăn nhiều hơn.

7. Tuyến giáp hoạt động kém

Tuyến giáp hoạt động kém có thể gây tăng cân, một tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể làm tăng quá trình trao đổi chất, khiến cơn đói càng nhiều hơn. Tim đập nhanh, thay đổi kinh nguyệt, rụng tóc, run, đổ mồ hôi, mệt mỏi, giảm cân cũng có thể liên quan đến cường giáp. Nếu bạn thấy các triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

8. Do tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc kê đơn rất phổ biến như corticosteroid và một số thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ là gây cảm giác thèm ăn. Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ nếu bạn thấy cần thử đơn thuốc khác.

Huyền Anh
Theo WD/ DM