Góc tâm hồn

Tóc rối trong chiều

(Dân trí) - Bảy tuổi tôi thường được mẹ cho đi chợ xã. Ở làng tôi muốn xuống chợ cũng phải một lần đò và hơn một cây số đi bộ. Hồi đó mẹ bán gạo, mẹ thường bỏ tôi vào đầu thúng nhẹ, đầu kia là gạo và mấy thứ linh tinh rồi gánh qua chợ Chùa.

 
Tóc rối trong chiều  - 1


Cái lý do đơn giản mẹ thường cho tôi đi chợ là sợ tôi hay qua nhà hàng xóm chơi. Ở đó có cô bé thua tôi một tuổi, nước da ngăm ngăm. Mẹ bảo: “Đừng qua nhà đó chơi, bên đó có ông kẹ, sợ lắm”. Tôi chưa từng gặp ông kẹ nhưng nghe mấy thằng bạn cùng lứa bảo đó là ma, có hàm răng dính đầy máu. Tôi không sợ, tôi thường trốn mẹ qua nhà chơi với nó - cô bé tên Hạnh.

 

Hạnh thua tôi một tuổi mà khôn ranh hơn nhiều. Lúc nào tôi qua chơi nó cũng bắt chơi trò chú rể cô dâu. Tôi cũng thích, mặc dù đứng bên Hạnh tôi cũng rất ngại ngùng.

 

Ở xóm tôi vừa có chị Lan đầu ngõ cưới anh làng bên. Lũ trẻ chúng tôi tụ tập đến xem. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chị Lan đẹp như thế, môi chị bôi son, má có thoa phấn trắng trắng nhưng cũng không át nổi cái ngăm ngăm nước da của chị. Ngày về nhà chồng, tôi thấy chị khóc, tôi chẳng hiểu vì sao chị khóc. Lớn lên tôi thấy mấy cô dâu cũng thế, khi nhà gái chuẩn bị về, cô dâu ra chia tay rồi họ khóc. Có lẽ họ khóc vì sung sướng!

 

Tôi thường bị mẹ la mỗi khi tiếp cận và chơi với Hạnh, nhưng mẹ càng cấm thì tôi càng thích thú. Vì mẹ nói nhà Hạnh có ông kẹ, mà tôi thì chẳng sợ ông kẹ.

 

Mười tuổi, tôi hay cùng Hạnh mò ngao ở bãi cồn Nông. Nơi đó nước ngang mắt cá chân, trong xanh nhưng lờ lợ mặn. Hạnh có đôi mắt thật đen, tóc mượt và thơm vì ngày nào mẹ Hạnh cũng được gội hương bồ kết. Hôm nào lượm được nhiều thì đưa ngao về nhà, ít thì hai đứa tự nướng ăn ở trên cánh đồng làng. Tôi nói với Hạnh tôi thích mùi rơm của quê, thích cuống rạ khô khóc trên đồng mỗi lần xong mùa gặt. Hạnh bảo nó thích mùi thơm của hoa xoan, cái màu tím pha trắng khiến nó xao xuyến…

 

Lớn lên tí nữa, Hạnh biết mẹ tôi nói nhà Hạnh có ông kẹ, nên không muốn chơi với tôi. Tôi biết điều đó, lòng buồn. Không phải vì tôi hết bạn bè để chơi. Tôi muốn chơi với Hạnh vì những điều khác mà mấy đứa bạn cùng lứa không có là Hạnh rất nhân ái và không bao giờ nói dối.

 

Mười chín tuổi, thi đại học rớt, tôi bó chân ở nhà. Hạnh cũng ở nhà phụ mẹ nuôi heo. Tôi biết ông kẹ mẹ bảo chỉ là trong những chuyện cổ tích. Chỉ vì ba của Hạnh bị điên!

 

Theo lệnh nhập ngũ, tôi cùng những người bạn trong làng ra đảo Cồn Cỏ. Ngày đi, người buồn nhất cũng là mẹ, khóc nhiều nhất cũng là mẹ và trong xa xôi nào đó, tôi biết mẹ sẽ nhẹ nhõm nếu tôi không… chơi thân với nhà hàng xóm có ông kẹ đó nữa. Trước ngày đi, tôi lén mẹ rủ Hạnh lên đồng chơi, cánh đồng mùa này cũng đã gặt, những cuống rạ, rơm ngổn ngang như lòng tôi vậy. Hôm đó, lần đầu tiên tôi hái một bông hoa mua tim tím, cài lên tóc Hạnh. Hạnh ngại ngùng đỏ mặt, tôi biết em đang hạnh phúc, nhưng xa xăm và mơ hồ. Và những ngày tuổi thơ làm cô dâu, chú rể chợt hiện về. Hạnh thật đẹp, tôi chưa thấy Hạnh son phấn nhưng điều đó làm cho tình cảm của tôi với Hạnh đằm thắm hơn, thiết tha hơn, vì tôi thích những người con gái có hình hài, nhan sắc tự nhiên.

 

Chiều nhợt nhạt, nước lấp lành từ bãi cồn Nông. Tôi rất muốn nắm tay và hôn vào má “cô dâu” nhưng rồi sợ, sợ những gì mạnh mẽ quá sẽ đổ vỡ. Và im lặng để tuổi thơ cào cấu vào hai chúng tôi.

 

Trên xe cùng đồng đội hát những bài ca rất hào hùng mà tôi lòng nặng trĩu, hình ảnh mái tóc bay bay trong chiều được cài lên một bông hoa mua cứ ám ảnh lòng tôi. Ngày lên đến hòn đảo xanh ở ngoài khơi, nhìn về đất liền mà nhớ da diết. Tôi đưa lá thư hôm nào của Hạnh dúi vội vã vào tay tôi đọc, có những câu khiến trái tim tôi quặn thắt và thương em: “Em thương anh lắm…”.

 

Rồi những cánh thư thương nhớ tôi nhận được từ đất liền của mẹ, của em là nguồn an ủi lớn để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có những bức thư em nhắc tôi nhớ cài một cụm hoa phong ba lên tóc chiều và tưởng tượng rằng em luôn ở bên cạnh. Đã bao lần tôi hái loài cây chắn sóng có hoa nhỏ xíu, trăng trắng này ngắm thật lâu và ước mơ có một mái tóc để cài. Rồi những cánh thư chở đầy thương nhớ cũng thưa dần, tôi lao mình vào công việc để quên đi bàn tay nhỏ bén cào hến ven sông, quên đi đôi mắt đen láy trong chiều…

 

Hoàn thành nghĩa vụ, tôi về quê. Mẹ đón, mẹ khóc nhiều vì thấy tôi xanh xao nhưng cao lớn hơn. Tôi đợi chờ, hồi hộp rồi mạnh dạn hỏi mẹ về cô bé nhà có ông kẹ. Mẹ bảo nó lấy chồng rồi!

 

Sau này mới biết em lấy chồng Hàn Quốc để có tiền chạy chữa cho ba. Tôi đau lòng, nằm ốm một thời gian dài. Mọi thứ dường như đều thay đổi cả, chỉ còn lại lòng tôi luôn hướng về bãi cồn Nông với những tháng ngày đi lượm ngao vô tình chạm được tay nàng.

 

Giờ tôi đã lập gia đình, lên miền Tây Quảng Trị theo thanh niên lập nghiệp ở dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi viết lại câu chuyện này để tưởng nhớ một kỷ niệm đẹp về thời trai trẻ. Có lẽ giờ này cô ấy cũng đang hạnh phúc, tôi cầu mong thế!

 

Tốn Phong