“Tổ lạnh”

Buổi tối ở nhà anh Khang, chồng ôm máy tính, vợ giữ TV, con cái ở phòng riêng của chúng. Bọn trẻ học bài, chơi game hay chat với bạn bè, bố mẹ đều không biết. Ai cũng bận việc riêng nên có khi cả tuần không gặp mặt đông đủ. "Chúng tôi chỉ chung nhau mỗi cái cửa ra vào" - vợ anh xót xa.

Những gia đình rơi vào kiểu "tổ lạnh" như của vợ chồng anh Khang giờ không hiếm. Trong nhà họ không bao giờ có cảnh đánh, cãi nhau nhưng lại toát lên một bầu không khí lạnh lẽo.

 

Ba dấu hiệu của “tổ lạnh”

 

- Chồng không còn dành cử chỉ âu yếm cho vợ, vợ chẳng còn cảm xúc khi bên chồng. Điều này chứng tỏ họ không còn hấp dẫn với nhau hoặc đang manh nha một "phi vụ ái tình" nào đó.

 

- Vợ chồng như hai cái bóng, không còn tâm sự với nhau chuyện vui buồn. Nếu phải giao tiếp với nhau, họ chủ yếu dùng mấy câu mệnh lệnh, kiểu: "Ra ăn cơm đi", "có uống nước không", "mai mấy giờ dậy". Điều này chứng tỏ hố ngăn cách giữa hai người đã khá sâu.

 

- Mọi người không còn muốn về nhà hoặc không về nhà đều đặn, đúng giờ nữa. Sau giờ làm việc, chồng nấn ná ở lại cơ quan hay đi uống bia cùng bạn bè. Con đi học xong cũng la cà đâu đó, chưa muốn về nhà ngay. Dấu hiệu này cho thấy gia đình không còn là bến đỗ, tổ ấm để mỗi ngày mọi thành viên mong trở về nữa.

 

Bốn “liều thuốc” cần uống liền

 

Duy trì bữa ăn gia đình

 

Với người Việt Nam, ăn không chỉ lấy no, mà còn là dịp sinh hoạt văn hóa, giao lưu tình cảm. Cái cảnh chồng xin vợ miếng cháy, bố xới cho con bát cơm, vợ ép chồng ăn thêm miếng thịt... thì không có quán cơm bình dân hay nhà hàng nào có được. Bạn hãy khôi phục những bữa ăn gia đình ấm cúng để tăng sự gắn bó giữa các thành viên trong nhà.

 

Dành nhiều thời gian vui vẻ bên nhau

 

Mỗi người có thể bớt những khoảng riêng để dành thời gian cùng nhau đi chơi, đi nghỉ mát, về quê, ăn nhà hàng hoặc đơn giản là ngồi tán chuyện tại phòng khách. Thay vì tra hỏi nhau về công việc, cả nhà bạn có thể cùng xem chương trình TV. Bình luận, thậm chí cãi nhau xung quanh một vở kịch, bộ phim hay trận đấu bóng còn tốt hơn sự im lặng tuyệt đối.

 

Bố trí nhiều không gian chung trong nhà

 

Dù nhà bạn có nhiều phòng, cũng nên thiết kế sao cho có càng nhiều nơi "công cộng" càng tốt. Khi ăn uống, nghe nhạc, tiếp khách phải dùng phòng chung, chỉ có ngủ mới về phòng riêng.

 

Phòng con cái cũng cần bố trí sao cho chúng đi về đều phải qua chỗ bố mẹ, tránh kiểu con chốt cửa ở trong phòng mình mà bố mẹ lại tưởng đi học không có nhà. Cánh cửa các phòng riêng không nên làm quá chắc chắn, mọi người chỉ chốt cửa khi cần thiết. Việc mở cửa, để ngỏ cửa thường xuyên tạo ra tâm lý cởi mở giữa mọi người.

 

Thông báo cho nhau biết khi đi đâu, làm gì

 

Báo cáo không phải là theo dõi, kiểm soát nhau mà là cách thể hiện sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau. Nếu gia đình bạn chưa có thói quen này, mọi người nên họp lại và thống nhất một số quy định, chẳng hạn ai đi đâu, bao giờ về, có việc gì đột xuất, ăn cơm nhà hay không đều cần gọi điện, nhắn tin lại cho các thành viên khác trong gia đình biết.

 

Theo Khoa Học & Đời Sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm