Tổ chim cúc cu

(Dân trí) - Con cháu vẫn gọi đùa căn nhà cũ nằm lọt thỏm trong khu vườn xanh um của ông bà là tổ chim cúc cu.

Nơi ấy, hàng cây thay lá không biết đã bao nhiêu lần, những đàn chim không biết đã bao nhiêu mùa thiên di thẳng cánh bay đi rồi lại quay về làm tổ. Nơi ấy, buổi sớm yên bình cất lên tiếng gõ mõ tụng kinh, chiều đến rộn ràng tiếng lũ trẻ con đi học về ghé vào nhà hai cư dân già nhất xóm chơi nhảy lò cò, ô ăn quan hoặc râm ran kể chuyện trường lớp.

Từ viên gạch nhỏ bám rêu li ti ốp trên tường nhà, đến cái giếng khoan lâu đời, tấm bình phong cổ hay con đường ốp đá nhỏ xinh dẫn từ cổng vào nhà đều nhuốm một màu hoài niệm như chính chủ nhân của căn nhà. Hai cụ tóc bạc phơ nói chuyện với nhau thường bắt đầu bằng “ngày xưa” “hồi ấy”,…

 

Tổ chim cúc cu - 1

Nhìn cái vẻ yên bình của “tổ chim cúc cu” hiếm ai nghĩ rằng nơi đó đã chứng kiến biết bao thăng trầm, cay đắng, chia ly của những thân phận người. Đôi vợ chồng cùng nhau nuôi dưỡng nghĩa tình trong cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, cùng sinh con đẻ cái, nhìn chúng tập tễnh đi những bước đầu tiên rồi lần lượt tiễn chúng dang cánh bay vào đời.

Nhưng có đứa mãi không bay được, 15 tuổi, khuôn mặt trẻ măng thánh thiện như thiên sứ, nằm lại suốt đời trong vườn cây sau nhà sau một trận sốt xuất huyết. Mộ của con giờ đã xanh um cỏ, hai thân già mỗi ngày ra thăm con đều không tin nổi ngày ấy làm cách nào đã vượt qua nỗi đau mất con quá kinh khủng. Giờ thì niềm đau ấy đã dần thay thế bằng niềm an ủi. Cụ ông, cụ bà đều đã gần 90, họ tin rằng chẳng mấy chốc mà cùng nhau lìa đời, cùng nhau gặp lại con ở bên kia thế giới.

Trên khoảng sân trước nhà, nhiều năm về trước cụ bà bị cụ ông cầm tóc, vật ra đánh túi bụi. Cũng ở nơi đó, toán đòi nợ thuê mấy lần đến đòi siết nhà, cả gia đình chỉ biết quỳ lạy van xin. Rồi từ khoảng sân với những ô gạch vuông bạc màu, vào một sớm mưa như trút, cụ bà từng xách túi tư trang toan bỏ lại sau lưng người chồng vũ phu, nợ nần và đàn con nheo nhóc nhưng rồi bước đi không đành.

Khoảng sân ấy giờ kê một sạp tre đủ rộng để hai cụ mỗi sáng ngồi uống chè tươi, mỗi chiều chụm đầu ăn chung bữa cơm cùng nhau chuẩn bị, kê thêm chum nước cho lũ trẻ trong xóm đi học hay đi chơi ghé vào uống đỡ khát, kê cả dăm chậu hoa mười giờ và một cái sào phơi đầy những áo quần thơm mùi nắng.

Ngày của đôi vợ chồng già bắt đầu bằng tiếng bà tụng kinh, tiếng ông quét lá xào xạc trong vườn. Rồi họ dắt nhau đi tập thể dục với hội người già trong làng. Cơm trưa, cơm tối nấu bằng những mớ rau tươi trong vườn, con cá, cân thịt, mớ tôm mua ngoài chợ hay được con cháu mang biếu. Lúc bà tưới rau thì ông dắt chó đi dạo, lúc bà nấu cơm thì ông lăng xăng ở bên rửa mớ rau, lau cái bàn bếp. Mỗi đêm trước khi đi ngủ hai cụ lại râm ran bàn về những tình tiết của bộ phim vừa xem.

Ngày cứ lặng lẽ trôi với âm thanh phát ra từ chiếc đài rè rè, với những con chim quen hơi người hay ghé vào bậu cửa sổ nhặt thóc. Ngày sẽ huyên náo, rộn ràng mỗi khi con cháu ùa về sum họp.

Lớp trẻ nhìn vào đôi khi thấy nhịp sống của hai cụ già neo đơn, tẻ nhạt. Nhưng sau tất cả những sóng gió, những hận thù, đau đớn, đôi uyên ương vẫn có thể cùng nhau già đi, cùng giật mình tỉnh giấc trong những đêm trời bỗng dưng sấm rền mưa đổ, cùng háo hức đếm từng ngày đến chiều 30 các con về đoàn tụ. Còn có thứ hạnh phúc nào chân thật và giản dị như sự an yên tuổi già trong “tổ chim cúc cu” ấy.

KH

 

Tổ chim cúc cu - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm