Tin thầy, lỡ mất duyên

Cô tôi lạ lắm. Không biết xếp cô vào hạng vô thần hay có thần. Cô vẫn tin vào tâm linh, vào Âm, Dương nhưng bảo đi xem ngày giờ ăn hỏi, đón dâu hoặc xem tuổi chọn vợ chọn chồng thì cô tôi lại gạt phắt, bảo: “Mất tiền mà bận đến thân...”.

Những ngày rằm, mồng một cô vẫn hương khói nghi ngút, vẫn thầm thì nhỏ to bên bàn thờ. Không chỉ ngày giỗ cha mẹ, ông bà mà cả những ngày bình thường, hễ cô nấu món gì mà người đã khuất thích ăn, cô lại sắp mâm bát, đặt lên bàn thờ khấn mời ông bà, cha mẹ về.

 

Cả những khi có chuyện vui buồn, cô tôi cũng lên gian thờ thắp hương, chuyện trò với người đã khuất. Cô tôi bảo: “Cô tin ông bà và các cụ đều nghe được cô nói”. Nhưng khi thấy mọi người nháo nhào, đi xem hết thầy này đến thầy khác để tìm ngày giờ ăn hỏi, đón dâu hoặc đi xem tuổi khi con cháu chọn vợ chọn chồng, thì cô tôi lại gạt phắt, bảo: “Lắm chuyện, chỉ vớ vẩn, mất tiền mà bận đến thân...”.

 

Mọi người bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Mất chút thời gian, để con trẻ cả đời hạnh phúc thì sao lại không làm. Tiếc gì tí tẹo thời gian, khi thời gian đó giúp mình yên tâm, thanh thản...”.

 

Cô tôi vặn: “Tôi hỏi nhé, đi xem tuổi hai đứa có hợp nhau không để làm gì? Nếu không hợp thì bắt chúng bỏ nhau được à? Nếu chúng không chịu bỏ nhau, có phải cả nhà nơm nớp lo suốt cuộc đời không? Lại còn hai đứa chúng nó nữa... Những chuyện bói toán nhảm nhí sẽ làm chúng bị ám ảnh. Ám ảnh, nghĩ mãi rồi thành thật, có phải chẳng hay ho gì không?...”.

 

Cô tôi đem chuyện cái Hòa lấy chồng ra làm ví dụ. Cái Hòa là con chú tôi (anh trai của cô). Chuyện duyên phận của cái Hòa thật lận đận. Nó đã ba lần đưa người yêu về giới thiệu với chú thím tôi mà chẳng xong. Anh chàng nào đến, thím tôi cũng vồ vập thân mật, chưa ngồi ấm chỗ đã hỏi han ân cần.

 

Thím chẳng hỏi chuyện công ăn việc làm, chẳng hỏi thăm gia đình cha mẹ người ta, chỉ những hỏi về ngày tháng năm sinh để sau đó thím đi hết thầy tướng nọ đến thầy số kia xem cho chắc. “Lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng” thật chẳng ngoa. Thầy này bảo được, thầy kia bảo không.

 

Thím tôi tính cẩn thận, lại cả lo, nên chẳng tin ông thầy nói tốt, lại tin ông thầy nói xấu. Thế là thím tôi về, cấm tiệt cái Hòa không được yêu đương, gắn bó với anh này - vì tuổi không hợp, anh kia - vì mạng không hợp. Người thứ ba, tuổi với mạng chẳng sao, nhưng lại bị Triệt ở cung Thê. Ông thầy tướng bảo: “Có lấy nhau cũng không thể ở được với nhau. Không bỏ nhau, thì cũng âm dương cách trở...”.

 

Người ngoài nghe thế đã sợ, huống chi người trong cuộc. Bố mẹ cái Hòa đe anh ta thế nào mà anh ta chẳng dám đến gặp nó nữa. Cái Hòa yêu anh chàng này lắm. “Anh không đến thì em đến”. Cái Hòa tìm đến anh ta, khóc lóc, hỏi: “Em thà chết sớm cũng được, miễn được nên vợ nên chồng với anh...”. Anh chàng ôm nó khóc khổ khóc sở, nhưng khóc xong vẫn quyết định chia tay.

 

Anh ta bảo: “Nhỡ số anh đúng như thầy bói nói thì anh lấy em chẳng hóa anh giết em hay sao?...”. Cái Hòa khóc hết nước mắt. Nó buồn khổ hàng năm trời. Sau anh chàng thứ ba ấy, nó đâm chán đời, chẳng yêu ai nữa. Mặc mọi người giục giã, nó lạnh lùng bảo: “Chưa tìm đâu ra người hợp tuổi...”.

 

Cái Hòa gần ba mươi tuổi mà chẳng có ai. Thím tôi lo cào, lo cấu. Không biết thím có ân hận vì đã cấm duyên nó không, nhưng thím sợ nó ế, sợ nuôi báo cô nó. Thím đi nhờ đông, nhờ tây mãi, cũng tìm được cho cái Hòa một người đàn ông (theo thím) là hết ý.

 

Ngoài việc đã một lần li dị vợ thì anh ta cũng lắm ưu điểm. Hình thức khá điển trai, cao ráo, thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, điềm đạm, biết cư xử với mọi người, lại có chút địa vị ngoài xã hội (anh là Trưởng phòng Kế hoạch của một Công ty Nhà nước). Nhưng điều cơ bản hơn là: Số anh ta cực hợp với cái Hòa. Thầy tướng nói: “Hai người (anh ta và cái Hòa) mà lấy nhau thì phúc lộc vô biên, của cải ăn mấy đời không hết, con cái hiếu thuận, có địa vị trong xã hội”.

 

Thím tôi tỉ tê mãi cái Hòa mới ưng. Hòa lấy chồng không vì tình yêu, nên nó không đủ sức vượt qua những khó khăn, vất vả khi làm mẹ kế. Cô nàng tự ái, đâm giận dỗi, bực tức khi thằng bé con chồng hay đem mẹ nó ra so sánh, đòi hỏi, bắt Hòa phải làm cái này, cái khác cho nó.

 

Một lần, Hòa không làm theo ý nó, nó khóc ầm lên và gào: “Mày cút đi, cút đi, tao bảo bố tao đánh chết mày...”. Hòa không đủ rộng lượng vượt qua tính ích kỷ, không đủ nhẫn nhịn, cô tát cho thằng bé một cái rõ mạnh. Thế là chuyện ầm ĩ. Mẹ nó đến đay nghiến chồng cũ, nhiếc móc mụ dì ghẻ... Chồng bênh con riêng. Mẹ chồng bênh cháu đích tôn, hàng xóm ác cảm với mụ dì ghẻ, không ai thấy được sự hư hỗn của thằng bé không được dạy dỗ chu đáo... Loạn cả nhà.

 

Tuy lấy chồng không vì tình yêu, nhưng Hòa vẫn ghen. Cô nàng khó chịu mỗi khi vào dọn phòng cho thằng bé, thấy bức ảnh gia đình, người vợ cũ ghé đầu vào vai chồng cười rất xinh, anh chồng khoác vai vợ cười mãn nguyện. Hòa cũng khó chịu khi phải nghe người thân, bạn bè của chồng kể những kỷ niệm có người vợ cũ. Những khó chịu tưởng là li ti, nhưng nó không tan đi theo thời gian, mà đọng lại thành viên đá tảng, đè nặng mối quan hệ của hai vợ chồng Hòa, khiến tình yêu chưa kịp bén rễ đã lụi tàn nhanh chóng.

 

Chỉ hơn một năm làm vợ, Hòa đã phải li hôn chẳng đủ kiên nhẫn chờ đến ngày có con cháu hiếu thuận. Sau khi li dị chồng, cái Hòa xin được việc ở Vũng Tàu, nó đi luôn. Hai Tết đầu Hòa không về, đến cái Tết thứ ba nó ôm đứa con 14 tháng về chào ông bà ngoại. Cả nhà sửng sốt, tưởng nó phẫn chí xin con nuôi để tỏ quyết tâm không lấy chồng, nhưng nó vui vẻ bảo: “Con quyết chơi một trận sống mái với duyên phận, xem ông thầy bói của mẹ có nói đúng không nên con đã lấy cái anh mà mẹ bảo triệt ở cung Thê đấy...”.

 

Thì ra, anh người yêu thứ ba của cái Hòa sau khi chia tay với nó đã vào Vũng Tàu làm việc. Anh ta bị ám ảnh bởi những lời mẹ cái Hòa nói nên không dám lấy vợ.

 

Anh ta sợ. Vợ chết cũng sợ, mà vợ bỏ cũng sợ. Anh tránh đám con gái như tránh tà. Hòa thuyết phục cả năm trời anh chàng mới chịu cưới. Hòa kể: “Hôm đầu tiên bế con, anh ấy bật khóc tu tu. Vừa khóc, vừa cười, bảo với vợ: “Sao chúng mình ngu thế, lại đi tin thầy bói để già rồi mới được ở với nhau...”. Anh ấy còn bảo: “Suýt nữa là anh đi tu đấy...””.

 

Cô tôi nói: “Cứ nhìn chuyện nhà Hòa mà tính. Chẳng phải xem xét, hỏi han gì cả. Hãy hỏi lòng mình. Yêu thương nhau thì lấy nhau. Đó mới là duyên phận. Lắm thầy thối ma...”.

 

Theo T.N  

Hạnh phúc gia đình