Tìm hiểu đức lang quân

(Dân trí) - Chung sống bấy lâu mà có lúc bạn vẫn không thể hiểu nổi người mình đã lấy làm chồng. 5 lý giải dưới đây hé mở bức màn bí mật ẩn sau những hành động, cách cư xử của anh ấy. Rồi bạn sẽ thấy ông chồng tội nghiệp đáng thương hơn đáng trách.

 

1. “Anh ấy không chia sẻ với tôi bao giờ”

 

Đàn ông nghe và nói nhiều hơn khi chính anh ấy không ý thức được về điều đó. Hầu hết các chàng sẽ không bộc lộ quá nhiều cho vợ biết những suy nghĩ, cảm xúc sâu kín trong lòng.

 

Nhưng vẫn có đường để bạn đột nhập vào thế giới nội tâm của chồng: Bạn có để ý cách anh ấy và đám bạn trò chuyện, khi họ vừa nói vừa làm một việc khác? Đàn ông nói chuyện khi đi câu cá, khi xem đá bóng hay khi giúp nhau chuyển đồ. Những lúc ấy, họ nói nhiều và rất hiểu nhau.

 

Vậy nên, nếu bạn bắt đầu làm gì đó cùng chồng nhiều hơn, bạn sẽ phát hiện ra rằng anh ấy cũng không phải kẻ kiệm lời, và biết lắng nghe rất tốt.

 

2. Tội lơ đễnh

 

Khi một người đàn ông khựng lại trước câu hỏi của bạn, điều đó không có nghĩa anh ấy mất hứng thú với chủ đề hai người đang nói. Đừng vội trách cứ “tại sao nói với em anh không bao giờ “xôm” như khi nói chuyện với mấy ông bạn vàng!”.

 

Đơn giản vì khi “chia sẻ” với vợ, người đàn ông ý thức được rằng lời anh ấy nói ra có khi hàm chứa những ý nghĩa mà… chính anh ấy cũng không biết! Thế nên chàng rất cẩn trọng. Những lúc chàng dừng lại như vậy chứng tỏ đang tập “uốn lưỡi bảy lần” trước khi phát ngôn thôi.

 

3. “Anh ấy không muốn ở bên tôi”

 

Nếu ông xã bạn thích ở nhà, anh ấy sẽ thường xuyên dành tặng bạn những lời khen. Đây cũng là cách để bạn kiểm chứng liệu chàng có hài lòng với cuộc sống hôn nhân không. Anh ấy sẽ không đi làm về muộn, sẽ không “họp” quá nhiều và không tụ tập lu bù với bạn. Tại sao? Vì anh ấy thích ở nhà với vợ.

 

Tất cả các bà vợ đều thấy điều đó thật tuyệt vời. Nhưng thử giả định, ngày làm việc cuối cùng trong tuần với bạn thật căng thẳng. Bạn muốn ra ngoài thư giãn, ăn tối, xem phim. Nhưng ông xã rời công sở về lại chỉ muốn ở nhà!

 

Trước khi thất vọng, hãy nhớ chàng muốn ở nhà không có nghĩa là không muốn làm gì cùng bạn. Chỉ là anh ấy muốn làm gì đó ở nhà thôi. Một bữa tối lãng mạn và xem phim tại gia với chồng vẫn khiến tinh thần bạn thoải mái. Có thể thứ Sáu tuần sau anh ấy sẽ có hứng ra ngoài hơn.

 

4. “Đàn ông không hiểu những gì phụ nữ nói!”

 

Thực tế không hẳn vậy, đàn ông chỉ không hiểu những gì phụ nữ ngụ ý thôi. Các bà các cô hiếm khi nói thẳng, họ đưa ra “mật khẩu” rồi lại trách đàn ông sao chẳng biết ý vợ chút nào.

 

Như vợ chồng anh chị tôi cuối tuần rồi mời cơm khách ở nhà. Trong khi chị còn bận bịu trong bếp, anh lại nhảy vào xem bóng đá cùng mọi người. Chị “e hèm” một cái ý rằng không vừa lòng.

 

Anh chẳng hiểu mới hỏi “em cần anh đi mua gì à?” - “Không”. “Anh giúp em dọn bàn nhé?” - Cũng không phải. “Đến lúc lấy đồ uống rồi à à em?” - Không nốt! - “Em không muốn anh xem đá bóng trong khi một số khách vẫn đang ở phòng ngoài phải không?” - Chính xác!

 

Cuối cùng anh tôi cũng đoán ra. Nhưng thực lòng mà nói, nếu chị bảo luôn rằng “em không nghĩ anh nên xem đá bóng trong khi những vị khách khác vẫn đang ở phòng ngoài” thì anh đã hiểu ngay mà chẳng cần phải đoán già đoán non như thế.

 

5. “Họ không bao giờ biết mình đã gây ra lỗi gì!”

 

Hầu hết đàn ông cho rằng chỉ có một cách làm lành hiệu quả duy nhất sau “chiến tranh”, đó là ân ái. Đa số các ông chồng thú nhận ngay khi tranh cãi qua đi, gần gũi vợ khiến họ thấy mọi chuyện ổn thỏa trở lại.

 

Ngỡ đâu các bà vợ cũng vậy, nhưng không. Khi “cuộc chiến” lên đến mức gay cấn hay người vợ bị tổn thương, tình dục không có khả năng xoa dịu, họ thậm chí không cho chồng chạm vào người.

 

Đó là bởi vì phái đẹp muốn giải quyết cho “ra môn ra khoai”. Nhưng đàn ông không hiểu vậy, cứ nghĩ “yêu nhau” là lại tốt đẹp ngay. Thế nên mới có lời rằng “đàn ông luôn lờ tịt chuyện cãi vã, cứ như chưa có gì xảy ra cả!”.

 

Huyền Anh

Theo Ivillage