Tiểu thư và gã lang thang

(Dân trí) - Sinh ra trong gia đình cũng được coi vào hàng “cơ bản”, bố là trưởng phòng một doanh nghiệp có tiếng của nhà nước, mẹ là bác sĩ, Linh tuy chẳng vào Đại học như con người ta để bố mẹ mát mặt nhưng cũng cố chen chân được vào Cao đẳng.

Có con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, thân thiện dễ gần, bố mẹ không mong gì hơn ngoài tìm cho cô một chàng rể gia cảnh xứng tầm, môn đăng hộ đối.

 

Khổ nỗi sự đời không như người ta mong muốn. Cô con gái ngoan ngoãn từ bé bố mẹ bảo sao nghe vậy đến khi “bập vào” anh bạn học chung trường lại có phần “gan lì” hơn.

 

Tính rụt rè nhút nhát chưa yêu bao giờ, gặp Phong, Linh dành hết tình cảm, niềm tin và hy vọng mối tình ấy đơm hoa kết trái, mặc cụ ông phản đối kịch liệt “cái thứ yêu đương nhăng nhít chẳng có tương lai”, cụ bà lúc ngọt lúc nhạt phân tích cho con gái hiểu “kiểu trai tỉnh lẻ bám con gái Hà Nội là chỉ vì cái hộ khẩu. Rồi tiền tài không thấy, trình độ cũng không, theo nó về, sau này làm sao có hạnh phúc!”.

 

Quyết không nghe lời can ngăn của bố mẹ, Linh nghĩ Phong thế nào thì mình là người biết rõ nhất. Anh ấy tuy gia cảnh không bằng ai nhưng chịu thương chịu khó, lại tính chân thành.

 

Chẳng Đại học cũng vẫn là có chút trình độ, không làm thầy thì làm thợ, cái chính là biết thương yêu vợ con sau này. Nhiều lúc thấy ấm ức vì bố mẹ phản đối ghê quá, có lần Linh bị bố tát cũng chỉ vì bênh Phong. Nhưng đôi trẻ vẫn cứ yêu nhau, kiên trì từng ngày mong thay đổi định kiến…

 

Hằng thì khác. Cũng con nhà khá giả, có phần “mạnh” và rất tiếng tăm, lại sành điệu, cô chẳng lạ gì với các kiểu con trai săn đón. Tính Hằng cởi mở, thích phiêu lưu, làm tình làm tội đám con trai.

 

Trong số những anh đến bên cô “xin chết” không thiếu gì đại gia (từ mối quen biết, làm ăn với bố), công tử nhà giàu, cả những cậu bạn học cùng phổ thông ngơ ngác như gà con cũng vui lòng “được trói”.

 

Ấy vậy mà người đẹp chẳng đoái hoài. Bố mẹ thì rất yên tâm khi cô con gái yêu có “tinh thần thép” - “Nó tỉnh táo vậy không ai dễ lừa”.

 

Oái ăm ở chỗ cô tiểu thư chán ghét kiểu theo đuôi cưa cẩm vật chất tầm thường lại “chết đứ đừ” trước Trung, anh chàng bằng tuổi lạnh lùng mà có phần lãng mạn. Lúc đầu cũng chỉ là tức tối vì “nó không thích mình”, Hằng ra sức “chinh phục đỉnh cao”. Đến khi tới đỉnh vinh quang rồi thì không làm sao thoát ra được.  

 

Lần đầu Trung đến nhà, bố mẹ Hằng tiếp đón bạn con đúng phép xã giao, lịch sự. Nhưng lâu dần, thấy cái kiểu thân mật của hai đứa các cụ cũng ra chiều khó chịu.

 

Thằng trẻ con, “lấc cấc”, học hành chưa đâu vào đâu mà dám chòi với con gái rượu nhà này. Bực nhất là đêm đến hai đứa cứ rì rầm “buôn” điện thoại, có khi đến 3-4 giờ sáng. Rồi ngày ra thì quấn quýt lấy nhau, đi suốt ngày, chẳng lúc nào thấy mặt con ở nhà cả.  

 

Không can thiệp “thô bạo”, nhưng bố mẹ Hằng có cách xử lý riêng. Một mặt mẹ nói chuyện với Hằng “như phụ nữ với nhau”, chỉ cho con thấy anh chàng kia tay trắng chẳng có gì. Rằng “bố rất biết nhìn người, như Trung bố mẹ thấy không đạt”.

 

Chẳng phải không biết ẩn sau cái vẻ lạnh lùng nhưng lãng mạn kia là một con người rỗng tuyếch, kém cỏi, có phần ủy mị, nhưng mỗi khi anh chàng tốt nghiệp “khoa nói” buông lời mật ngọt, hứa hẹn đao to búa lớn thì Hằng lại buông xuôi.

 

Giờ anh ấy chưa có tiền thì cũng đã sao, cô cần tình cảm chứ đâu có cần tiền. Mà cũng yêu thế chứ chắc gì đã “ý định” nghiêm túc.

 

Để lấy làm chồng, Hằng biết đó phải là người lo được cho cô cuộc sống vật chất đầy đủ, chứ không phải chỉ biết mỗi ngày đưa đón cô đi ăn, đi chơi, đều đặn mỗi sáng mỗi bông hồng, mỗi đêm ngàn lời yêu tha thiết...

 

Mối tình kéo dài được đúng 3 tháng, Hằng bị các cụ “tống khéo” đi du học nước ngoài. Những cánh thư giữa hai kẻ đang yêu lúc đầu còn dày đặc, ướt át là thế, sau thưa dần, rồi vơi hẳn.

 

Cô gái hiện đại sớm quen với nhịp sống mới trời tây để lại sau lưng anh “tiểu thuyết gia ẩm ương” đi tìm nguồn vui mới. Rạn nứt bắt đầu khi nhen nhúm cảm giác mệt mỏi, dằn vặt nhau qua những email, lần chat. Để rồi đến một ngày cô tiểu thư xinh đẹp chính thức nói lời chia tay với gã lang thang.

 

… Đến giờ Phong và Linh đã nên duyên chồng vợ được hơn 2 năm, họ có con gái 1 tuổi rất kháu khỉnh.

 

Phong cười hiền tâm sự: “Hồi đó cũng khó khăn, “muối mặt” với ông bà nhạc lắm. Cthập thò đến cửa đã bị đuổi rồi. Gặp nhau chỉ có ở trường, mà muốn đón nàng đi chơi thì phải cầu cứu bạn bè. Cũng có khi nản, tính thôi, nhưng cô ấy kiên quyết lắm...”.

 

Phong nghĩ thương vợ lúc ấy (bị cụ ông cho ăn bạt tai cơ mà) nên càng cố gắng chứng tỏ bản lĩnh đàn ông đích thực của mình.

 

Dù không được chào đón vẫn cứ “mặt dày” lê đến nhà người yêu. Anh chịu khó vừa học vừa làm, đến lúc ra trường nhờ mối đã có nên tìm việc cũng dễ hơn. Chứng minh đầy đủ bản lĩnh rồi Phong mới dám đến thưa chuyện cùng hai cụ. Trở ngại vỏn vẹn hết ba năm.

 

“Lần thưa chuyện không bi đát như mình tưởng tượng. Các cụ chắc cũng ngồi trên mà nhòm xuống và thông cảm ít nhiều nên đến giờ mới lấy được nhau thế này đấy”.

 

Linh bế con nhìn chồng cười âu yếm rồi nói: “Giờ mình làm ở cơ quan bố, còn công việc của anh ấy cũng không đến nỗi tồi. Hạnh phúc bên nhau, có bé Nhím rồi, bọn mình chẳng mong gì hơn nữa.”

 

Thế mới biết, chuyện tình tiểu thư và gã lang thang không phải chỉ có trong cổ tích. Tình yêu có lý lẽ riêng của nó, chẳng phân biệt địa vị sang - hèn.

 

Cứ vững tâm với tình cảm, không để đó là cảm xúc thoáng qua, thật lòng mong tình yêu bền vững và nỗ lực vun đắp, lo gì không hạnh phúc.

 

Huyền Trang