Tiền chỉ là giấy…

Nhìn gia cảnh, có lẽ ai cũng nghĩ tôi keo kiệt khi luôn miệng bảo chồng: "Anh phải biết tiết kiệm chứ". Thế nhưng, chỉ khi nhìn cách tiêu tiền của anh ấy, mọi người mới hiểu.

Nhìn mà xem chồng tôi tiêu tiền

 

Chồng tôi là một doanh nhân. Với phong cách làm việc nhanh nhẹn, nhiệt tình, công ty của anh được nhiều bạn hàng tin tưởng, hợp tác làm ăn. Còn tôi mở một cửa hàng quần áo, cũng khá đắt khách. Nhờ thế, kinh tế gia đình khá thoải mái.

 

Bên cạnh tài kinh doanh, chồng tôi tiêu tiền cũng xuất sắc không kém. Hình như anh không biết đến định nghĩa tiết kiệm, đi đâu, làm gì cũng vung tay quá trán.

 

Khi tôi nhẹ nhàng góp ý, lập tức anh gạt ngang:"Kinh doanh phải vậy. Phụ nữ các cô cứ tiểu tiết...".

 

Tôi rất hiểu niềm đam mê đồ điện tử của quý ông nhưng không sao chấp nhận nổi cách mua chẳng suy nghĩ của chồng. Chỉ cần cô bán hàng giới thiệu món hàng mới, anh lấy ngay mà không cần suy nghĩ. Không chỉ thế, có lần đi mua điện thoại cố định cho cả nhà, anh mang về đến ba chiếc.

 

Anh vô tư giải thích: "Mỗi chiếc có chức năng khác nhau. Hay lắm, em thử xem...". Sau cùng, ba chiếc điện thoại nằm lăn lóc trong các phòng chỉ với tác dụng nói và nghe.

 

Nếu chồng biết cách bảo quản, trân trọng những gì đã mua, tôi đành nhắm mắt cho qua. Đằng này, anh xem những món đồ đắt tiền như kiến cỏ.

 

Chồng tôi có thể cùng đứa cháu trai chơi đùa, tung hứng chiếc điện thoại Nokia 8800 trị giá hơn mười triệu đồng. Anh uống cà-phê, ăn bánh ngọt ngay bên cạnh máy tính xách tay. Kết quả, kiến bâu đầu máy, làm hỏng cả bàn phím.

 

Có vài đồng bạc, em tiếc chi

 

Nhiều người bạn bảo tôi: "Khi yêu, phải chấp nhận tính của người ta. Nếu nhà nghèo còn lo, đằng này dư dả thì mặc cho anh ấy đi".

 

Thế nhưng, họ có biết rằng điều tôi hối hận nhất là để chồng có cảm giác: "Nhà quá dư dả, chi tiêu thế nào cũng không hết". Tôi không chịu nổi câu cửa miệng của chồng: "Tiền ư? Khó gì" hoặc "Mua đi, tính sau"...

 

Một lần, tôi áp dụng biện pháp cưỡng chế, yêu cầu chồng đưa hết tiền trong ví, chỉ giữ lại một khoản để chi tiêu trong ba ngày. Đến tối, tôi kiểm tra thấy hết sạch, hỏi đã dùng vào việc gì, anh bảo không nhớ hết.

 

Nghiêm không xong, tôi lại dùng cách mềm mỏng, thủ thỉ: "Không phải em keo kiệt nhưng anh nên suy nghĩ trước khi dùng. Với số tiền mua những thứ không cần thiết đó, anh có thể dùng vào việc khác tốt hơn hoặc giúp đỡ người khó khăn".

 

Câu trả lời của anh khiến tôi không biết nói sao: "Việc thiện cứ làm, còn tiêu cứ tiêu. Mình thừa tiền làm cả hai mà em".

 

Chính thói quen này của chồng khiến tôi chần chừ, chưa dám có con dù anh rất muốn. Cứ nghĩ đến lúc nào đó công việc không còn tốt đẹp, trong khi anh vẫn xem nhẹ đồng tiền, ai sẽ lo cho tương lai con cái.

 

Anh ơi, khi nào mới thôi: "Tiền ư? Nhỏ như kiến"?

 

Theo Hoàng Yến 

Tiếp thị gia đình