Thương vị quê nhà

(Dân trí) - Một sớm chớm mùa đông, vừa bước ra khỏi cửa đã nghe cụ bà bên cạnh chào hỏi bằng một câu không thể gợi nhớ hơn: "Trời lạnh thế này, có bát chè xanh nóng hổi mà uống là nhất. Từ ngày ra phố ở với con, ít được uống nước chè tươi, nhớ nhà, nhớ bà con hàng xóm lắm cháu ạ".

Thương vị quê nhà - 1

“Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tôi hiểu tâm trạng của cụ lúc này.

Các con cụ lập nghiệp ở thành phố, không nỡ để mẹ ở quê một mình. Cụ bao nhiêu năm gắn bó với chòm xóm ruộng vườn, nay tuổi già rồi, sống chốn thị thành chắc cũng có phần lạc lõng. Dĩ nhiên, sống ở đâu rồi cũng quen dần, chỉ là quê hương thì không khi nào nguôi nhớ. Câu nói của cụ cũng khiến tôi tự nhiên thèm một bát nước chè xanh.

Nhớ nước chè xanh là bởi nhớ nhà. Nhớ những phiên mẹ đi chợ về, trong chiếc làn nhựa có thể không có thịt cá nhưng nhất định phải có một bó chè xanh thật to. Rồi mẹ lấy một nắm ra, nhặt những chiếc lá úa vàng, rửa sạch, vò vào chiếc ấm tích rồi bỏ vào chăn ủ kĩ. Phần còn lại mẹ cuốn vào chiếc bao ni lông, dựng ở góc nhà để chè tươi lâu dùng cho mấy ngày sau nữa. Cha tôi nghiện nước chè đến độ mỗi sáng chưa uống được bát chè xanh thì không làm được việc gì hết, mỗi tối ăn cơm xong mà không có bát nước chè thì xem chừng bứt rứt không yên.

Nhớ nước chè xanh là bởi nhớ những sum vầy. Sau những bữa cơm tối muộn, thường các ông bà hàng xóm sẽ sang chơi, trên chiếc chiếu hoa trải giữa sân, có thêm đĩa kẹo lạc mà nhâm nhi với chè xanh thì hết ý. Mẹ tôi nói, dân xứ Nghệ chuộng nước chè bởi vì cái nắng gay gắt cháy thịt da kia chỉ có cái đắng chát của nước chè mới có thể làm vơi cơn khát. Mà chè xanh, uống nhiều thành nghiện, rồi chẳng thấy nước nào dễ uống bằng thứ nước có màu xanh ấy.

Hồi xưa, quê tôi uống nước chè bằng bát sành bát sứ. Ngày mùa đông buốt giá mà đến nhà ai đó được mời bát nước chè bốc khói tỏa hương thì coi như ấm lòng ấm dạ.

Giờ người ta không dùng bằng bát nữa, thay vào đó là cốc thủy tinh. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, uống nước chè trong cốc vẫn có cảm giác không ngon bằng uống bằng bát. Hoặc là thói quen khó bỏ, hoặc là không gì quan trọng bằng ấn tượng đầu tiên.

Đôi khi ở phố, vì quá thèm hương vị bát chè xanh, tôi lần ra chợ tìm mua chè. Chè ở Hà Nội người ta không bó thành bó như ở quê. Ở đây họ vặt chỉ mỗi lá và bán theo lạng.Về nhà, tôi cũng rửa sạch, cũng vò cho vào ấm tích rồi ủ với nước sôi. Vậy mà khi rót cốc nước ra cứ thấy màu nhàn nhạt không đậm đà, uống cũng không thấy thơm ngon như nước chè mẹ nấu. Tôi không rõ là vì chè ngoài này không ngon, vì tôi không biết cách om, hay vì thiếu bàn tay mẹ. Nó giống như cũng là cháo gà nhưng tôi nấu vẫn không ngon bằng được về quê ăn cháo gà mẹ nấu, hoặc cũng loại cá biển ấy, mẹ kho lúc nào cũng ngon hơn. Là vì tôi vụng về bếp núc hay vì nó không ngon bởi thiếu tình yêu thương và hương vị quê nhà.

Tôi đi khắp miền Bắc Trung Nam, nhận ra chẳng có thứ nước nào dễ uống như chè xanh quê mình. Cái thứ nước chát đắng ở đầu môi nhưng uống vào thì lại đậm đà vị ngọt. Mỗi lần về quê, chỉ cần mỗi sáng ngồi ở bên hiên, nhìn ra vườn rau xanh non buổi sáng, nghe tiếng gà lục cục đòi ăn trong chuồng, chú chó nằm duỗi mình ở sân, cảm thấy mới bình yên làm sao.

Một sáng như sáng nay, âm thanh đầu tiên khi thức dậy là nghe những hạt mưa nhỏ lắc rắc trên mái tôn. Tiếng mưa khiến những người xa quê dễ tâm tư, dễ mong nhớ. Tôi hình dung ra giờ này ở nhà, chắc mẹ đã dậy từ lâu, đã om xong ấm nước chè đặt lên bộ bàn ghế cũ ngoài hiên. Sáng nào cha tôi cũng ngồi ở đó, trầm ngâm nhìn ra ngõ, bàn tay run run cầm lấy cốc nước chè xanh tỏa khói.

Lê Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm