Thương những vầng trăng cũ
(Dân trí) - Đêm, do dư âm của tách trà đặc lúc chiều, người cứ nôn nao hoài không ngủ được. Nhìn ra ngoài cửa sổ, trăng sáng vằng vặc một góc trời. Vì trung thu nên trăng sáng hơn mọi ngày hay là vì trăng tháng Tám chứa quá nhiều những kỉ niệm.
Tôi xa quê đã lâu, những bận bịu mưu sinh cơm áo đời thường khiến tôi chẳng có nhiều thời gian để nhớ những ngày ấu thơ trong trẻo. Ấu thơ nơi ngôi làng nhỏ, nơi miền quê nghèo, nơi in dấu bao nhiêu yêu thương những ngày nhỏ dại.
Tôi nhớ căn phòng nhỏ của mình, căn phòng có cửa sổ hướng ra vườn, bên cạnh cửa sổ là cây dừa già quanh năm tỏa bóng. Những đêm rằm, trăng treo tít trên cao, len qua những tán dừa rọi thẳng vào phòng đầy khơi gợi như đọc hết những tâm sự chất chứa trong lòng một cô gái mới lớn không cách gì che đậy. Như là thế giới riêng tư của tôi bị trăng nhìn trộm mà không thèm một chút can ngăn.
Tôi nhớ những con đường làng nhỏ quanh co, những đống rơm khô ngổn ngang mùa gặt hái. Những đêm trăng lúc nhỏ chúng tôi vẫn thường hò nhau chạy loanh quanh khắp xóm với đủ trò trẻ con: Nào là đánh trận giả, nào là trốn tìm. Có lần các anh chị đi trốn kêu tôi tìm. Khuya, tôi vẫn loanh quanh tìm kiếm một mình trong khi mọi người đã trốn về đi ngủ hết.
Tôi nhớ những đêm trăng mùa hè lộng gió, mẹ thường dắt tôi đi thăm đồng lấy nước vào ruộng để sớm mai đất kịp ải để cày. Dưới ánh trăng, những gốc rạ trơ ra thập thò dưới nước lấp loáng lấp loáng, cánh đồng như càng yên tĩnh hơn, mênh mông hơn dưới bầu trời rộng lớn ngập tràn ánh sáng.
Với lũ nhỏ nông thôn, trăng là dịp vui chơi, trăng như là lễ hội. Để mỗi bữa cơm tối vội vàng í ới gọi nhau cùng chơi. Đi chơi mỏi chân rồi về, nằm ở chõng đặt nơi góc sân, ngửa mặt lên trời, nghe các ông các bà ngồi kể chuyện thời chiến tranh, thời ông nọ còn trẻ đi tán bà kia. Tiếng quạt mo thỉnh thoảng lại kêu phạch phạch vì tiếng đập muỗi, mùi nước chè xanh thơm phức róc rách rót ra bát. Mọi thứ yên bình mà sao vui.
Mùa trăng nào cũng vui, mùa trăng nào cũng có nhiều kỉ niệm. Nhưng nhớ nhiều nhất có lẽ là mùa trăng tháng Tám. Trung thu xưa nào có gì đâu, khi cơm còn bữa đói bữa no, khi áo quần anh chị em còn thay nhau mặc cho đến khi sờn cũ. Chỉ là nỗi háo hức của trẻ con thì có bao giờ thua nghèo đói.
Tôi nhớ những tấm giấy bóng xanh đỏ mẹ mua về. Nhớ dáng hình cha ngồi chẻ tre, vót những thanh nan để kết thành chiếc đèn ông sao năm cánh. Nhớ mấy anh em tôi đã háo hức thế nào khi hì hục ngồi dán những cánh sao rực màu sặc sỡ.
Đêm trung thu, khi trăng bắt đầu lưng chừng, lũ nhỏ í ới gọi nhau đi. Lẫn trong những chiếc đèn sao sắc màu là những chiếc đèn ông sao làm từ giấy trắng học trò. Nhưng có hề gì đâu, chỉ cần có đèn cầm trên tay để diễu hành quanh xóm nhỏ. Đôi khi hứng lên còn rủ nhau rồng rắn đi lên bờ sông, băng qua cánh đồng. Tiếng cá quẫy dưới ruộng khiến vài cậu trai vứt đèn, xắn quần lội xuống khiến người lấm lem bùn đất.
Lớn lên rồi xa quê, tôi ngụp lặn trong ánh sáng thị thành. Thỉnh thoảng lắm, vào những đêm khó ngủ hay con quấy khóc mà thức dậy giữa đêm mới vô tình gặp lại những vầng trăng tưởng rằng đã vô cùng xưa cũ. Trăng đêm vẫn vành vạnh trên cao, có chăng khi tỏ khi mờ. Trăng mỗi tháng lại lên một lần, lúc nào cũng lung linh, khuyết rồi đầy, đầy rồi khuyết. Chẳng như chúng ta ngày càng một già đi, ngày càng nhiều những âu lo và ít đi những vô tư sôi động.
Chiều nay đón con tan trường rồi dẫn con đi chợ, khắp nơi bày bán la liệt đồ chơi và đèn trung thu đủ dáng hình màu sắc. Nhìn rồi lại nhớ, nhìn rồi lại thương tuổi thơ của chính mình. Muốn được một lần nữa trở về để tắm mình trong ánh trăng của ngày xưa, để đêm đêm ngồi hóng mát ở bên thềm nghe ông lẩy vài câu Kiều, nghe bà kể về thời bom rơi đạn lạc. Muốn được bé lại như ngày xa xưa ấy, để mỗi tối vừa ngáp ngủ vừa nũng nịu: “Mẹ à, mẹ gãi lưng cho con đi”.
Lê Giang