Thương người ở lại...
(Dân trí) - Tôi ra trường rồi vội vàng đi làm kiếm tiền để bố mẹ đỡ phần mình. Lương tháng đầu trầy trật được hơn 2 triệu, người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông. Ông nội.
Lần nào tôi về, ông cũng ra tận ngõ đón tôi và cười. Ông gắp thức ăn cho tôi, rót nước chè cho tôi uống, bật quạt và mắc màn cho tôi ngủ. Nhưng cái đứa hay cãi lại ông nhất cũng chính là tôi.
Tính tôi thích những cái gì rõ ràng. Ông lại hay bóng gió. Tôi đi học xa nhà, ông gọi lên bảo: “Cháu ơi cháu đừng làm khổ ông nữa, ở nhà người ta đồn ầm lên kia kìa”. Tôi về hỏi mọi người mới biết, có người đồn tôi yêu đương một anh chàng cùng dòng họ. Tìm hiểu mãi mới hay đó là câu chuyện của một cô gái trùng tên tôi trong làng.
Năm tôi lên 5, mẹ đưa chúng tôi vào nam với bố. Tôi học hết lớp 8, em tôi học hết lớp 6 thì bố gửi chúng tôi ra Bắc ở với ông. Suốt gần chục năm ấy, ông cũng vào Nam ra Bắc đến trên dưới chục lần. Ngày ấy cả nhà chúng tôi, cả ông nữa là 5 người cũng còn khó khăn lắm. Bữa sáng cả nhà chỉ ăn cơm trắng, rưới chung một bát nước mắm dầm quả trứng gà. Tôi nhớ có lần, ông bảo: “Mày nấu thêm tí gạo chứ bữa nào ông ăn cũng đói”.
Lúc còn học lớp 5, lớp 6, tôi với cậu em ngủ cùng ông. Nửa đêm, ông sờ đũng quần tôi thấy ướt, ông xót xa: “Khổ thân cháu tôi. Ông yếu thận, cháu tôi nó cũng không tha”.
Ngày tôi học cấp 2, đi học về chẳng giúp ông cơm nước còn lăn ra ngủ. Ông không quát giận còn bật quạt, xoay về phía đầu giường cho tôi mát cổ. Vì ông biết tính tôi, ngủ mà không có quạt thốc thẳng vào mặt là không ngủ được.
Ngày còn học đại học, mỗi lần tôi về cũng đều phải ngủ vì say xe. Ông vẫn bật quạt và xoay về phía đầu cho tôi ngủ. Tôi nghiêng người vào phía bức tường gạch để dòng nước mắt lăn nghiêng.
Chiều nắng, ông ra vườn hái nhãn cho chị em tôi, thấy em mang điện thoại ra chụp, ông bảo: “À thế đợi ông vào nhà thay cái áo rồi hãy chụp”. Ông mặc áo bộ đội mới được người ta tặng rồi bắc ghế với chùm nhãn trên cao tạo dáng. Hai đứa tôi lăn ra cười, ông cũng cười theo, tiếng cười ba ông cháu vang một góc vườn chiều ngọt nắng.
Ông già rồi nhưng giọng nói vẫn còn trẻ và vang lắm. Ông bảo hồi còn quân ngũ ông làm chỉ huy. Năm 1983 ông được phong cấp úy. Được 3, 4 tháng, thương vợ con nheo nhóc ở nhà, ông xin nghỉ mất sức. Ngày bà nội mất, mặt ông méo xệch bên bậu cửa không nỡ cho người ta khiêng bà đi. Ngày ấy ông cũng mới chỉ 54. Bà con cô bác thương ông một mình, làm mai cho ông một bà giáo về hưu, nhưng ông từ chối. Ông bảo mình già yếu rồi, lấy người ta về lại làm khổ người ta. Lắm lúc vui ông cũng đùa: “Tao mà lấy bà nữa thì chúng mày làm gì có tí đồng lương của tao”.
Ông ở vậy đến giờ. Năm ông 76, ông tiễn cụ ông về chín suối. Hai năm sau, cụ bà cũng đi theo cụ ông. Năm nay ông cũng gần 80 rồi, phải chăng cái tuổi gần đất xa trời làm cho người ta hay cả nghĩ. Lắm lúc hai ông cháu đang ngồi với nhau, ông buột miệng một câu: “Lần sau cháu về chắc ông chết rồi. Ông lắm bệnh lắm, giờ mà đi khám thì không có tiền. Ở nhà đợi chết thôi”. Tôi nén tiếng thở dài rồi ra vội bể lau nước mắt. Tôi không dám nghĩ đến ngày sẽ mất ông.
Tôi lại phải tạm biệt ông lên Hà Nội xa xôi để mưu sinh. Ông dậy từ 3 giờ sáng vì sợ sáng hôm sau tôi ngủ quên mà lỡ mất chuyến xe sớm đầu huyện. Ông xới cho tôi bát xôi lạc nóng, giục tôi ăn kẻo muộn. Ông tiễn tôi ra đến tận cổng làng rồi lại cười chào tôi. Tôi cứ sợ, lần ấy là lần cuối...
Hương Hồng