Thương lắm vụ chiêm
(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, ăn tết xong cũng là lúc bà con xuống đồng cấy lúa vụ chiêm. Trời rét cắt da cắt thịt, lội bì bõm dưới bùn sâu chăm từng cây mạ. Vất vả là vậy, nhưng bao giờ thu hoạch lúa vụ chiêm cũng không được bằng vụ mùa.
Vừa thu hoạch xong mấy sào màu vụ đông, lại tất tưởi làm đất cho đổ ải, rồi gieo mạ khi cận tết. Ăn tết xong là kịp xuống đồng cấy lúa. Ba sào ruộng được chia, cộng thêm bốn sào xin cấy giẽ của hàng xóm. Gần chín năm nay vẫn một mình bầm tự làm cả.
Bà vãi (*) vẫn bảo bầm như lúa vụ chiêm. Lúa vụ chiêm mơn mởn xanh tốt nhưng khi ra hoa kết trái lại chẳng được là bao. Lấy chồng bảy năm bầm chỉ sinh được một cô con gái duy nhất. Người chồng trước áp lực gia đình phải mang trả bầm về cho bà vãi. Bà dựng túp lều nhỏ dưới cuối góc vườn chè cho hai mẹ con ta.
Từ ngày con về Hà Nội học, suốt vụ chiêm, chả khi nào con đỡ đần được cho bầm công việc gì. Bầm gieo mạ khi con chưa về, cấy lúa khi con bắt đầu lên trường, gặt lúa khi con đang mải miết ôn thi. Những ngày chủ nhật ngắn ngủi con về nhà, gặp lúc lúa đang thì con gái xanh mướt, con trầm trồ khen lúa tốt năm nay nhà ta sẽ được mùa. Bầm lắc đầu thở dài: “ Đẹp vậy nhưng mấy nữa chả được là bao đâu”. Lần sau con về thấy bầm thức trắng đêm làm đèn bắt thiêu thân, ban ngày thì lại đi vợt cào cào. Thuốc trừ sâu cũng chỉ phun được vào những thời kỳ nhất định, phun nhiều quá sẽ gây độc hại, vừa tốn kém, vừa không có hiệu quả cao.
Con tính cứng cỏi, tham vọng cũng nhiều. Sau năm năm ra trường với tấm bằng kỹ sư cầu đường, con lại chật vật chạy các công trình rồi dừng lại ở công việc giảng dạy cho trường đại học. Tiền lương ba cọc ba đồng, lại đang làm nghiên cứu sinh, con phải làm thêm vài ba công việc khác nên cũng chẳng đỡ đần được bầm nhiều. Con vẫn nhớ, tết năm đầu tiên con đi làm, con biếu bầm được vài triệu. Bầm rưng rưng quy đổi ra bằng cả số thóc bảy sào ruộng bầm cấy vụ chiêm.
Hai tám tuổi, con bắt đầu có thể báo hiếu đỡ đần cho bầm. Con bảo Bầm đừng cấy lúa nữa, xuống Hà Nội với con. Bầm trầm ngâm khẽ nói: “Chị lấy chồng đi, rồi bầm bỏ ruộng xuống trông con cho chị”. Con biết bầm nói vậy, còn bầm chỉ bỏ ruộng khi nào không còn sức khỏe cấy lúa nữa mới thôi.
Hương Hồng