Thương con thế bằng mười hại con
(Dân trí) - Đó là con của cô ruột tôi, cô là điển hình của việc chăm sóc kề cận con quá mức. Gia đình chồng có điều kiện nên cô tìm công việc nhàng nhàng, làm cho vui, còn đâu thời gian thì dành hết cho chồng con.
Khốn nỗi con nhà cô đứa nào cũng khảnh ăn. Có người nhìn cảnh cô cứ mồm năm miệng mười la hét, giục giã con ăn, nấu hết món này đến món khác cho nó thì ai nấy đều sốt ruột, lắc đầu. Ăn là nhu cầu tự thân, là bản năng sinh tồn mà còn không tự giác thì gay go to. Cô biện hộ: “Nó trẻ con biết gì, mình phải nhồi cật lực mới mong nó khỏe mạnh”.
Lúc thằng bé bắt đầu đi học cũng thế, cứ như là học cho bố cho mẹ vậy. Từ giai đoạn mọi người còn mải lo chạy đua với cơm áo, thì con nhà cô đã có khái niệm học thêm. Nhưng nó chả chú tâm, học có vào đầu đâu. Thế rồi nó tự tháo cũi sổ lồng từ bao giờ, học thì ít bỏ đi chơi thì nhiều, suốt ngày ngồi miệt mài luyện điện tử ngoài quán. Theo sát nó mãi thế nào được, muốn nó ở nhà nhiều hơn cho an toàn, cô chú liền đầu tư bộ máy cấu hình cao, có nối mạng. Nó mang cặp kính dày cộp từ đó.
Nó sống mà chẳng cần biết nghĩ đến tương lai, luôn dựa dẫm, thụ động chờ sự định hướng kỹ lưỡng từ bố mẹ, trong khi họ đều đã có tuổi chẳng còn nhanh nhạy và hiểu biết như xưa. Vả lại kinh nghiệm xưa và nay vốn đã khác nhau đến một trời một vực.
Hôm ấy cô đến gặp tôi: “Mày xin cho em đi làm công nhân hộ cô”, “Cháu nộp hồ sơ cho thôi, nó phải tự làm bài thi”, “Thi khó không? Cô sợ em không đỗ nổi đâu, thôi mày thương cô chú thì giúp cho trót, mất bao tiền cũng được, miễn cho nó đi làm, chứ lêu lổng mãi thế thì cô chú cũng đến chết”.
Nghe mà cám cảnh, thôi thì cố gắng cạy cục xin việc cho em, chứ ai lại hai lăm tuổi đầu vẫn ngu ngơ, bám đuôi bố mẹ đang già dần thì cực kỳ bất ổn. Cũng chỉ là vào làm công nhân thôi, mà phải cạnh tranh ác liệt ra trò, vì là người nước ngoài trực tiếp phỏng vấn, sau bài sát hạch kiến thức phổ thông.
Thành ra tôi phải “tác động” từ đầu chí cuối, nói khó với mấy người đồng nghiệp, lấy uy tín lâu năm của mình ra để đảm bảo rằng nó rất ngoan và trăm phần trăm sẽ gắn bó lâu dài ở đây. Vậy là nó qua được vòng một. Tiếp tục nhờ đến sếp trực tiếp: “Thôi em có đứa cháu nhờ sếp nhón tay giúp đỡ”. Sếp cười kẻ cả rồi đồng ý, cho vào tổ nhàn nhất xưởng.
Lại muối mặt, hì hục xuống thủ thỉ cùng anh quản đốc là sếp của nó sau này, “Anh chiếu cố nó hộ em”.
Vậy mà mới được sáu tháng, lại nghe tin em mình bị điều chuyển sang bộ phận khác, phải đi ca, độc hại, rồi thì áp lực gấp mấy lần, gần như là ép nghỉ.
Tôi te tái đi gặp anh quản đốc, anh vò đầu bứt tai: “Nhọc lắm, nó đã dốt rồi lại còn chậm, tổ nó không ai muốn làm cùng nhóm. Cộng trừ trong phạm vi năm mươi thôi mà sai lên sai xuống. Mắt thì cận, nhìn chẳng rõ máy, nhầm sản phẩm nọ sang nhãn hàng kia. Sản lượng nhóm không đạt, anh cũng bị liên lụy, thôi em thông cảm cho anh”. Tôi tẽn tò, cay đắng ra về…
Càng nghĩ càng thấy giận cô mình, cứ suốt ngày ôm ấp bao bọc con. Đi học từ cấp một đến cấp hai lúc nào cũng phải đưa rước, kèm cặp tận nơi, từ học chính cho đến học thêm. Nó lên cấp ba mới cho đi xe đạp và kể cả lúc đi học cao đẳng cũng vẫn tàng tàng chiếc xe ấy, cấm tiệt, không dám cho nó lái xe máy vì sợ tai nạn. Rốt cuộc đến lúc được đi làm, mới nửa năm thì đến ba lần bị ngã xe máy, phải nghỉ, vào viện khâu mấy mũi, do tay lái non không xử lý được tình huống bất ngờ…
TSL