"Thuốc tiên" chữa bệnh chồng lười

(Dân trí) - Hôm đang đi đám cưới, thấy anh nói thầm: “Anh chạy ù về nhà tí, cắm cho thằng Hùng nồi cơm, kẻo lát về nó lại chén mì tôm thì khổ”. Chị bực mình: “Chú ấy không có tay à?”.

Anh nhăn nhó: “Bệnh lười của nó thành bản chất, em biết thừa còn gì”, rồi anh tót đi. Chị mắng với theo: “Chú ấy hư là tại anh hết”.

 

Anh luôn thế, chiều em trai một cách mù quáng, việc vặt chẳng nặng nề gì nhưng tạo cho chú ấy thói quen ỷ lại không tốt.

 
"Thuốc tiên" chữa bệnh chồng lười - 1


Ở quê được mẹ chiều thế, giờ lên ở với anh chị cũng quen nết. Chẳng chịu làm gì, quần áo, bát đũa, cơm nước, tất cả có anh chị phục vụ, chăn màn dậy không bao giờ gập, sạc điện thoại thì mỗi ổ cắm một cái dây lủng lẳng, đầu mẩu thuốc lá vứt mỗi xó một cái... Nói thì anh lại bênh bảo việc đó khó khăn gì mà cứ càu nhàu, tính nó dễ tự ái đừng động chạm kẻo nó bỏ ra ngoài ở thì lại khổ mình chứ khổ ai.

 

Thương em đi làm ca vất vả, thế là anh chuẩn bị cho chú từ chè Thái Nguyên và cả bình giữ nhiệt để chú pha lúc làm ca tối cho đỡ buồn ngủ. Trang bị cho chú từ cái tăm xỉa răng, cái tất đeo cho ấm đến cái xe máy đi lại. Muốn yên nhà nên chị chẳng can thiệp, chỉ thở dài: “Sau có thế nào thì chỉ chú ấy và vợ chú ấy khổ thôi…”.

 

Ngày chú dẫn bạn gái về, nhìn con bé hay hay, duyên duyên, chị nửa mừng nửa lo, nửa thương con bé hiền lành, rơi vào tay chú lười như hủi nhà này kể cũng tội. Nghe chị thở vắn than dài khiến anh cũng lo, là anh lo em trai mình không được chăm sóc chu đáo như ở đây, chị nghĩ mà lộn tiết.

 

Đùng một cái chú đòi cười. Thôi, kệ chúng nó, lớn rồi, tự quyết. Chị cũng hồi hộp, càng thấy thương hại em dâu hơn.

 

Ấy thế mà…

 

Đến chơi nhà hai đứa, chị dụi mắt mấy bận khi thấy chú đang vừa còng lưng lau nhà vừa tranh thủ trông nồi rau luộc, miệng còn tưng bừng hát cho vợ nghe.

 

Cô em dâu có cách nói chuyện rất khiêm tốn và đi vào lòng người, khi chị dò hỏi về cuộc sống của hai đứa, thím chỉ nhỏ nhẹ khoe: “Anh ấy tình cảm và chịu khó lắm ạ, nói chung chẳng chê trách được gì”. Hàng xóm cũng khen thì chắc là thật, chị thở phào.

 

Nghe chị thành thực chúc mừng, thím đỏ mặt: “Hồi đầu em cũng hơi bất ngờ khi anh ấy quen thói như ở cùng anh chị, nhưng rồi em cứ nhỏ nhẹ khuyên, làm việc nhà xong hai vợ chồng cùng nghỉ ngơi, đi chơi đây đó chẳng hơn à? Có khi em lại để nhà cửa bầy bừa một vài lần cho anh ấy biết, em đi làm về cũng mệt chứ hơn gì. Quan trọng vẫn là vì yêu chị ạ, thấy em xoay như chong chóng anh ấy cũng sốt ruột và thương”.

 

Chị cười và nhủ thầm, giờ có hai vợ chồng ỷ lại vào ai được nữa, thấy vợ vất vả động lòng là phải thôi. Hai nữa thím ấy rất khéo, biết lựa tính chồng để chiều lúc này và nhờ vả lúc khác. Chú phục thím cũng vì hai vợ chồng lương công nhân mà dưới đôi bàn tay chịu khó vun vén của vợ, nhà chẳng kém ai. Thím sắm được máy may, thi thoảng tan ca về lại may ít hàng thủ công kiếm thêm thu nhập, nên chú cũng xắn tay vào giúp vợ.

 

Hôm cô em dâu còn hơn tháng nữa mới đến ngày lâm bồn thì bỗng bị dọa đẻ non, chú gấp rút đưa vợ đi khám, phải nằm viện, một tay chú tất tả khi các bà chưa kịp đến.

 

Tối hôm sau hai vợ chồng chị vào đến nơi mà lặng đi vì cảm động khi thấy chú đầu tóc, quần áo phờ phạc, mắt lờ đờ mà miệng còn giục vợ ngủ sớm đi. Cô em dâu mếu máo: “Từ đêm qua em giục anh ấy ngủ mà đến giờ vẫn cứ nói vợ ngủ đi rồi anh ngủ”.

 

Chồng chị há hốc miệng và liên tục lắp bắp không tin đó là thằng em vô tâm của mình. Chị lườm chồng: “May mà anh chưa làm hư chú ấy quá, vẫn còn cải tạo được, chứ không thì…”. Có lẽ tình yêu là phương thuốc thần tiên chữa khỏi được “bệnh” cho chú ấy.

 

TSL