“Thú tiêu khiển” của vợ

Mấy thằng bạn anh hay nói vui: “Trong một tháng, khoảng thời gian vợ tao vui vẻ nhất là lúc tao nộp lương cho vợ!”. Nhưng vợ anh thì ngược lại, anh “ớn lạnh” nhất giây phút “nộp lương” đó, vì em luôn mặt nặng mày nhẹ, chì chiết anh đủ thứ.

Lúc thì em dài giọng bĩu môi: “Nhiêu đây thì đưa làm gì?”; lúc khác, em lại trả tiền về cho anh, bảo: “Thôi anh giữ lấy mà uống cà phê”. Có khi, em nói thẳng: “Từ giờ anh đừng đưa nữa. Tiền em lo cho anh một tháng còn nhiều gấp mấy lần”.

“Thú tiêu khiển” của vợ




Đúng là lương anh thấp thật, chỉ vài triệu một tháng. Đúng là số tiền ấy chẳng bõ bèn gì so với số tiền em bỏ ra để lo lắng cho gia đình, cho bản thân anh. Anh cũng biết, lương chỉ vài triệu, nhưng anh chạy xe máy xịn, dùng điện thoại đắt tiền em mua, bóp lúc nào cũng rủng rỉnh mấy triệu em cho bỏ túi. Nhưng dù ít, dù nhiều, anh vẫn phải đưa lương cho em. Đó là bổn phận, là trách nhiệm, cũng là cách duy nhất để chứng minh rằng anh còn tồn tại trong gia đình.

Ra trường, đúng chuyên ngành, anh tìm được việc làm trong một bảo tàng. Công việc ổn định nhưng lương ba cọc ba đồng. Rồi hai đứa mình lấy nhau, em ở nhà nội trợ. Cuộc sống tuy còn khó khăn, chật vật, nhưng yên ả. Rồi em mượn được một số vốn và quyết tâm làm giàu. Em có khiếu xoay xở làm ăn, hết buôn bán, chơi hụi rồi đến mua nhà, mua đất. Nhà mình phất lên nhanh chóng. Nhưng từ ngày kinh tế gia đình khá giả, em cũng thay đổi cách đối xử với chồng.

Dù vẫn lo cho anh đầy đủ, nhưng em ngày càng xem thường anh. Em so sánh anh với người này người kia, toàn những người đàn ông thành đạt. Em bắt anh phải nghỉ việc để làm kinh doanh. Nhưng anh biết mẫu người của mình chẳng phù hợp với việc kinh doanh. Thế là em cho anh là thằng vô tích sự.

Chê bai, chì chiết chồng dường như đã thành một thói quen, một thú tiêu khiển của em. Thậm chí, em không ngần ngại chê bai anh trước mặt người ngoài. Nhiều năm qua, anh nhịn em rất nhiều, thậm chí gạt bỏ cả tự trọng của thằng đàn ông. Anh làm vậy, một phần là để yên cửa yên nhà, một phần là vì anh yêu em, thấy được công sức đóng góp to lớn của em cho gia đình. Nhưng em có biết, em đang bào mòn sức chịu đựng của anh?

Theo PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm