Thử “súng” phòng... “đạn điếc”

Xu hướng này biến “hậu quả”, vốn là “hạt sạn” trong tình yêu và là nỗi xấu hổ của gia đình hai bên trong quá khứ trở thành “vé vào cổng” hợp lệ cho một cuộc hôn nhân.

 
Thử “súng” phòng... “đạn điếc” - 1


Sau quyết định tổ chức đám cưới, Nguyễn Minh L., cao 1,6m, cân nặng chỉ 43 kg, đến một trung tâm phát triển sức khoẻ cộng đồng để kiểm tra và tư vấn sức khoẻ. Căn bệnh quai bị lúc nhỏ cùng với tình trạng sức khoẻ không ổn định trở thành nỗi ám ảnh, khiến anh lo sợ trong suốt mấy năm liền trước khi cưới vợ.

 

Theo các bác sĩ, nam giới vô sinh có thể do không có tinh trùng khi xuất tinh, hoặc có nhưng chất lượng kém. Để xác định khả năng sinh sản, Minh L. cũng đã thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra tinh dịch. Tìm thấy tinh trùng trong tinh hoàn, kết quả của trung tâm phát triển sức khoẻ cộng đồng cho thấy anh vẫn có khả năng làm cha. Tuy nhiên, kết luận đó không an ủi được tâm lý lo ngại ngày càng lớn trong L, anh đưa ra ý tưởng có con trước khi cưới.

 

Đám cưới của anh vẫn được tổ chức như đã định, chỉ có điều vợ chồng anh không đi hưởng tuần trăng mật vì phải chăm con nhỏ vừa tròn vài tháng tuổi. Một bác sĩ của bệnh viện phụ sản Từ Dũ cho biết, những trường hợp có thai “ngoài ý muốn” không hẳn lúc nào cũng hoàn toàn không mong muốn, đặc biệt khi hai người đã sẵn sàng cho việc sinh con và xây dựng gia đình.

 

“Thử súng phòng đạn điếc” là cụm từ được sử dụng cho những trường hợp như Minh L. Nó khẳng định khả năng sinh sản của hai người và vì thế gia tăng cơ hội hôn nhân trong tương lai cho cả hai người. Đồng thời, có thai còn là cách để kiểm tra mối quan hệ, thử thách khả năng cùng chịu đựng khó khăn của đôi tân lang và tân giai nhân.  

 

Nhìn nhận từ góc độ đàn ông, “kiểm tra” khả năng sinh sản của người con gái trước khi đi đến hôn nhân là việc đặc biệt quan trọng. Nhìn từ góc độ phụ nữ, “kiểm tra” không chỉ liên quan tới khả năng sinh sản mà còn cả độ tin cậy và những lời cam kết của người phối ngẫu.

 

Trong một số trường hợp, có thai trước hôn nhân là một chiến lược được hai người sử dụng có chủ tâm để ràng buộc sự đồng tình của cha mẹ, hay một trong hai người dùng để thuyết phục người kia về các loại ích của cuộc hôn nhân. Nhưng phần lớn, nguyên nhân của xu hướng “bầu trước cưới sau” xuất phát từ nhu cầu kiểm tra “máy móc” và khả năng duy trì nòi giống của hai người trong cuộc.

 

Anh Trần Ngọc K., nhân viên kỹ thuật của một nhà máy lắp ráp máy tính hàng đầu Việt Nam kết hôn với chị Nguyễn Hồ Anh H. nhiều năm nhưng vẫn không có con. Không vượt qua được khao khát tiếng trẻ thơ trong nhà, chị đã dứt áo ra đi, đưa đơn ly dị lên tòa án quận. Đầu năm sau, anh Ngọc K. chuẩn bị cưới vợ lần hai, bà mẹ hồ hởi khoe với láng giềng: “Con dâu tương lai của tôi nó có bầu hai tháng rồi, may quá!”.

 

Con cái là ước muốn của hầu khắp các cặp vợ chồng, nên lo lắng đến khả năng sinh nở của đôi bên trước khi cưới cũng hoàn toàn dễ hiểu. Trên thực tế, “bầu bí” xuất hiện nhiều trong mùa cưới năm nay. Bố mẹ vui, “bầu” mừng, chàng phấn khởi, cả nhà háo hức tất bật chuẩn bị cho đám cưới khi bụng cô dâu mỗi ngày một to.

 

Trường hợp của nhà anh Ngọc K. hiện không còn là cá biệt trong cuộc sống hiện đại, khi tỉ lệ vô sinh ngày càng gia tăng. Theo Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) tình trạng vô sinh tăng do có tới 50% nguyên nhân xuất phát từ lối sống bừa bãi của người chồng thời trai trẻ và do sự thiếu hiểu biết về bảo vệ sức khoẻ sinh sản của người vợ như nạo phá thai nhiều lần, lây nhiễm bệnh phụ khoa.

 

Xuân H., chú rể sắp được làm cha (cô dâu đã có thai hơn 5 tháng), cởi mở cho biết: “Thực ra quyền làm cha là mẹ không của riêng ai, với phụ nữ nó càng thiêng liêng nên mình không câu nệ chuyện “bầu” trước hay sau hôn nhân. Cái cốt yếu là “bầu” ấy phải được thai nghén từ một tình yêu chân chính”.

 

Như để biện hộ thêm, anh chia sẻ: “Xã hội càng hiện đại, đời sống càng cao thì tỉ lệ vô sinh càng nhiều. Nhiều đôi trông rất “ngon”, thế mà kết hôn mấy năm rồi vẫn không thể có con. Mình với bà xã cứ “test” trước và bọn mình rất hạnh phúc khi ngày đứa con đầu lòng ra đời đang đến gần”.

 

Tuy nhiên, vợ anh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: “Thực ra khi quyết định mang bầu, mình lo lắng như đánh bạc”. Điều đó đồng nghĩa với việc họ chấp nhận bỏ qua giai đoạn mật ngọt của vợ chồng son, để chăm sóc thai, chăm con nhỏ.

 

Theo Đàn ông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm