Thư gửi mẹ của con
(Dân trí) - “Có lẽ giờ này mẹ đang đau lắm phải không mẹ?”. Những cơn đau dai dẳng vẫn đang từng giây từng phút hành hạ thân hình bé nhỏ của mẹ tôi.
Và nơi đó tôi có một tổ ấm. Gia đình tôi có 4 anh chị em, tôi là con trai thứ 2. Có lẽ vì đông anh em nên gánh nặng đè lên vai bố mẹ tôi rất nhiều. Cái nghèo nơi vùng đất miền núi nơi tôi sinh ra và lớn lên không làm nhụt ý chí của mấy anh em tôi.
Và có lẽ sự hi sinh lớn lao nhất vẫn là bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi đơn thuần chỉ là những người nông dân, từ thủơ bé, tôi đã ý thức rất rõ được cái nghèo cái khó trong gia đình, khi mà bố mẹ phải bươn chải lo cho mấy anh em ăn học thành người. Bố tôi vẫn thường nói: “Đời cha mẹ không được học hành đến nơi đến chốn, nên chỉ mong cho các con học nên người”.
Còn mẹ - cũng là người phụ nữ tần tảo. Mẹ luôn là người thức khuya dậy sớm, lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của mấy anh em tôi. Mấy anh em chúng tôi không hề biết những bữa cơm đạm bạm thỉnh thoảng có đĩa cá, bát thịt thì bố mẹ luôn âm thầm nhường cho mấy anh em, mà chỉ lặng lặng ăn với cây rau hay chút muối vừng...
Cho dù nghèo khó nhưng mấy anh em tôi đều được bố mẹ lo cho đầy đủ mọi thứ như bạn bè cùng trang lứa, không để bị thiệt thòi hay tủi thân gì. Mẹ tôi chịu thương chịu khó lắm, ngoài công việc đồng áng mỗi mùa vụ, mẹ thường đi phụ bố lao động, cái nghề chỉ dành cho những người đàn ông có sức khoẻ, vậy mà mẹ tôi, lại đi làm.
Có những hôm vì phải đứng dưới cái nắng gay gắt lâu quá, mẹ tôi ngất xỉu đi, vì sức khoẻ mẹ rất yếu, mẹ chỉ cố gắng thôi. Tôi hiểu ra rằng, tất cả là vì tình yêu thương vô bờ bến mà bố mẹ dành cho những đứa con...
Thấm thoát thời gian trôi qua, 3 anh em trai chúng tôi đều thi vào quân đội với ước mong giúp bố mẹ bớt gánh nặng hơn, còn cô em út thì đậu đại học ở tỉnh để gần gũi gia đình hơn.
Điều đó đồng nghĩa là trụ cột chính của gia đình tôi bây giờ là mẹ gánh nặng chồng chất lên đôi vai gầy bé nhỏ. Còn tôi ở xa nhà cách nửa quả đất cũng không thể làm gì giúp cho bố mẹ ngoài số tiền ít ỏi tôi tiết kiệm được từ học bổng hàng tháng.
Mẹ hàng ngày vừa chăm sóc cho bố, vừa phải đi làm thêm việc này, việc kia, dường như mẹ chẳng bao giờ có một phút nào nghỉ ngơi, tôi biết rằng dấu chân chim hằn trên đôi mắt buồn của mẹ là cả một biển trời của lòng hi sinh vì những người thân.
Thế nhưng ông trời thật bất công khi tiếp tục giáng tai ương xuống gia đình bé nhỏ của tôi thêm lần nữa. Mẹ tôi ngã bệnh, phải đi cấp cứu, nhưng là căn bệnh ung thư giai đoạn cuối không thể cứu chữa. Tôi thật sự rất khó khăn để chấp nhận được sự thật đau lòng này. Anh em tôi còn chưa kịp báo hiếu cho mẹ một cuộc sống đủ đầy thì mọi chuyện lại tồi tệ như thế này. Cả nhà dấu chuyện không cho bố biết vì sợ bố lại nặng thêm.
Còn tôi ở xa đành bất lực. Những lần gọi điện về bệnh viện nơi mẹ đang nằm, khi sự sống đang ở ranh giới rất mong manh thì tôi chỉ nghe tiếng khóc nghẹn của mẹ mà không nói lên lời. Khi mẹ có thể trò chuyện với tôi, mẹ đã làm tôi nghẹn lại khi mẹ dặn dò số tiền tôi gửi về cho mẹ mẹ vẫn dành dụm cho tôi mà không dùng đến!
Giờ đây, khi tôi viết những dòng này, cũng là lúc mẹ tôi đang phải chiến đấu từng ngày từng giờ với cơn đau hành hạ thân hình bé nhỏ. Tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về bên mẹ, ôm mẹ thật chặt, nhưng không thể được. Tôi cố gắng viết đơn để xin về với mẹ khi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nhưng trường tôi đang theo học không cho phép.
Họ chỉ cho phép tôi được về khi mẹ tôi đã mất, nhưng nếu vậy tôi thật sự không biết sẽ ra sao nữa. Tôi chỉ ước mong có thể được chăm sóc cho mẹ những ngày ít ỏi còn lại. Dẫu biết rằng cuộc đời này nghiệt ngã lắm. Thế nhưng tôi vẫn cứ hi vọng giá mà cuộc sống không bất công như vậy, giá mà tôi học ở Việt Nam tôi sẽ bất chấp tất cả để về với mẹ.
Có lẽ cảm giác đau lòng nhất là cảm giác bất lực khi chỉ có thể ở rất xa mà nguyện cầu cho mẹ kéo dài sự sống, là cái cảm giác lo sợ từng ngày và trong cả những giấc mơ về một ngày tôi nghe tin mẹ không còn trên thế gian này nữa.
Giờ đây tôi chỉ có thể dành cho mẹ những dòng nước mắt bất lực ở nơi xa xôi này. Tôi chỉ ước mơ, chỉ là một ước mơ giản dị thôi, là mẹ có thể đợi đến ngày tôi trở về.
Phạm Khả Khoa