Thử chồng

Có những bà vợ hay ghen bóng ghen gió và nghi ngờ sự chung thuỷ của chồng. Họ nghĩ ra đủ cách để thử bạn đời xem anh ấy có yêu mình không, có bồ bịch hay dễ bị sa ngã không.

Lan là một nhân viên ngân hàng. Chồng cô là kỹ sư. Họ đã có một đứa con trai lên 4 tuổi kháu khỉnh, bụ bẫm. Gia đình họ sống rất êm đềm. Lan luôn hãnh diện về chồng mình bởi anh là người chịu khó, biết chia sẻ và yêu thương vợ con hết mực. Chẳng bao giờ anh đi sớm về muộn hay đàn đúm bạn bè.

 

Có vài lần cô nghe được những lời đàm tiếu không hay về đấng mày râu: "Đàn ông mà không ngoại tình mới là chuyện lạ"; "Trên đời này chẳng có thằng nào chung thuỷ đâu"; "Thằng nào tử tế lắm thì gái cũng chỉ mơn trớn vài câu là theo liền". Cô bắt đầu suy nghĩ về điều đó và muốn thử xem anh có thuộc hạng người như vậy không.

 

Lan bí mật mua một chiếc điện thoại rồi nhắn tin vào máy chồng: "Anh à, mới gặp anh vài lần mà em cảm thấy rất quý anh. Em muốn làm quen với anh", "Hôm nào anh cũng đi làm về nhà đúng giờ thế?'', "Buổi trưa anh ăn cơm ở đâu?". Mỗi lần gửi tin cô đều nhận được một tin nhắn trả lời, lời lẽ rất nhã nhặn, lịch sự. Cô thêm vững tâm.

 

Nhưng cô muốn thử xem anh có phải là người mà "gái chỉ mơn trớn vài câu là theo liền" không nên bạo dạn hơn: "Anh à, em rất quý anh, hôm nào không nhắn tin cho anh là em cảm thấy nhớ, hôm nay em muốn gặp anh một lát, em muốn nói chuyện với anh được không?" - "Ừ, sau giờ tan sở hẹn gặp em". Cô giật mình.

 

Tiếp đó, anh gọi về: "Anh bận nên về muộn một lát, em cứ ăn cơm trước nhé". Cô không bình tĩnh được nữa, trong đầu xuất hiện bao ý nghĩ, toan tính. Cô gửi con rồi phóng xe đến điểm hẹn. Anh đã ngồi chờ sẵn ở đấy. "Anh ấy đã bắt đầu biết hẹn hò, chẳng nhẽ anh ấy lại dễ sa ngã thế? Anh ấy đang phản bội mình chăng?". Bao câu hỏi, bao dằn vặt, khổ đau xâm chiếm tâm hồn cô. Suốt cả đêm hôm ấy, cô chỉ có khóc.

 

Hằng là nhân viên văn phòng tư vấn. Ở cơ quan cô thường nghe các đồng nghiệp của mình nói về chuyện nuôi oshin: "Có oshin không cẩn thận là mất chồng. Đàn ông thì đứa nào chả có máu gái. Còn oshin, nhà quê lên tỉnh, thấy ông chủ hào hoa, tốt bụng tưởng người ta quan tâm đến mình thật, chết có ngày".

 

Những ngày đầu Hằng chỉ cười, không tin. Bởi vì vợ chồng cô kể từ khi sinh đứa thứ hai đã phải nuôi oshin nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy "ông chủ phải lòng oshin" cả, mặc dù con bé hôm lên Hà Nội mới 14 tuổi gầy guộc, xấu xí nay đã 17 trông xinh tươi ra dáng một thiếu nữ thị thành.

 

Nhưng càng ngày, ở cô càng xuất hiện tính đa nghi. Cô nghĩ, biết đâu "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" thì sao? Mà muốn biết có thể "bén" hay không thì phải thử. Rồi cô nghĩ ra một cách tương đối "nhẹ nhàng". Ngày nào cô cũng dặn oshin: "Phải quan tâm đến chú vì chú đi làm cả ngày mệt nhọc". Nào là "chuẩn bị quần áo, khăn tắm cho chú", "là quần áo cho chú". Cô dường như trao tất cả trách nhiệm chăm sóc chồng cho oshin.

 

Bạn bè góp ý thì cô bảo: "Cứ để yên tao thử, đừng tưởng bở, léng phéng là không xong với tao đâu!" Ngày qua ngày, mọi việc vẫn bình thường, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến một hôm đi làm về muộn, thấy cửa nhà khép chặt, linh tính như mách bảo điều gì, cô đẩy cửa bước nhanh vào nhà. Con bé oshin hốt hoảng chạy vụt từ nhà tắm ra trong khi chồng cô vẫn đang tắm.

 

Có thể nói thử chồng là một việc làm hết sức điên rồ. Nhiều quý cô, quý bà tìm cách thử với mục đích để hiểu rõ chồng hơn và với hy vọng chàng là người đàn ông hoàn toàn nghiêm túc trong chuyện trai gái. Nhưng họ không nhìn thấy mặt trái của những "phép thử" ấy. Kết quả đều không như họ muốn. Và người phải gánh chịu hậu quả của những lần thử ấy vẫn lại là những người phụ nữ. Đúng là "lợi bất cập hại".

 

Theo Đàn Ông