Thõng tay vào chợ

Ngẫm lại đời mình vất vả, tự lập từ 14 tuổi nhưng lại vô cùng sung sướng duy nhất một chuyện: không bao giờ phải đi chợ nấu cơm. Khi mẹ còn sống thì mẹ đi chợ, nấu cơm, tới bữa chỉ ngồi vào chiếu...

... Khi sống một mình trọ học thì nấu cơm, đi chợ làm gì, cứ cơm bờ cơm bụi cho khỏe thân. Khi có gia đình thì nấu cơm đi chợ là chuyện của vợ hiền, cùng lắm là chỉ chở vợ ra chợ rồi hẹn giờ đón về, chả mấy khi phải vào chợ. Mua gì cũng không biết giá, không dám trả giá thì… đứng ngoài cổng chợ là an toàn nhất. Trả giá vớ vẩn có khi bị chửi tắt bếp ấy chứ.
 
Thõng tay vào chợ


 

Nhưng cuộc đời đâu cứ thế mãi được. Một lần vợ đi chơi xa vài hôm, dặn ở nhà đi chợ mua cho món này món nọ bỏ tủ lạnh, khi về thì vợ nấu cho mà ăn. Vợ dặn thứ nào thì mua siêu thị cho an toàn, thứ nào thì ra cái chợ nơi vợ hay đi, mua ở hàng quen. Bà hàng thịt tên là… Chị  hàng cá tên là… Cô bán hoa tên là… Chị bán sấu Hà Nội tên là… Họ ngồi ở chỗ nào trong chợ, vợ ghi rõ hết ra giấy. Thế là rõ rồi nhé, cứ thế mà đi nhé.

 

Tưởng dễ mà không hẳn thế, ra siêu thị sướng nhất là khỏi trả giá, nhưng ở chợ thì dù là hàng quen cũng phải trả giá chứ. Mình nghĩ thế. Nhưng cô hàng cá thấy đưa cái giấy ghi ra bèn la tướng: “A! chú là chồng cô Hai phải không? Rồi cá ngon đây. Giá là…”. Bà hàng thịt cười: “Cô Hai đâu mà chú đi chợ hôm nay dzậy? Sườn non đây, chú cầm về”. Em hàng bông thì hớn hở: “Chèn ơi! thấy chú Hai trên tivi hoài, nay mới gặp. Con thêm cho chú bó hoa cúc nè! Mang về cho cô Hai cắm bình”. Mới hay tên ngoài chợ của vợ mình là “Hai - cô Hai!”. Ủa? Vậy là đi chợ đâu có khó khăn gì, cũng không phải trả giá, chỗ quen nói bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, khỏe re khỏi sợ trả giá bậy bạ bị chửi. Mới hay siêu thị có cái tiện lợi của nó, mát mẻ, ngăn nắp, sạch sẽ; chợ có cái vui của chợ. Nếu là khách quen như “Hai”, thân thiện, tình cảm với người bán hàng như “Hai” nhà mình thì mua cũng dễ ẹc thôi mà.

 

Vợ về nhà mở tủ lạnh kiểm tra đồ đi chợ khen rằng “khá lắm!”, cá tươi, thịt ngon, rau sạch. Hỏi chồng có gặp khó khăn gì ngoài chợ không thì trả lời: “Chả có vấn đề gì!”. Thú thật ngày xưa mình không thích hình ảnh mấy anh bộ đội, công nhân tòng teng mớ rau, con cá trước ghi-đông xe đạp. Thấy nó… yêu yếu thế nào, trông chả đàn ông gì sất. Đàn ông ngồi nấu cơm coi kỳ kỳ, vụ này là của phụ nữ, giờ thấy mình vừa ấu trĩ vừa bảo thủ. Đầu bếp danh tiếng thường là đàn ông. Cắm hoa, làm bánh danh tiếng cũng vẫn thường là đàn ông. Xem Discovery thấy bếp trưởng của một tàu du lịch lớn nhất nhì thế giới, trước khi rời bến dài ngày đặt mua thực phẩm, kiểm tra thực phẩm từ thịt, trứng, sữa, rau củ quả… mỗi ngày sắp xếp thực đơn cho vài trăm đến cả nghìn thực khách du lịch cùng một lúc mới thấy hết sự hấp dẫn của đàn ông trong bếp. Thực khách ăn uống ngon miệng, cảm ơn bếp trưởng như cảm ơn vị tướng quyền lực và uy tín, mình mới thấy hết vẻ đẹp của nghệ thuật nấu nướng và tài chỉ huy của… đàn ông.

 

Từ đấy hết ngại chuyện vợ sai ra chợ nếu hôm nào vợ đau ốm, bận bịu. Đi chợ có nhiều thú vị: “Chào chú Hai, hôm nay chú đi chợ giùm cô Hai ha!”, “Bữa qua lại thấy chú Hai trên tivi nè, mà coi bên ngoài chú Hai hổng già như ở trển”. Cảm ơn, trả lời chị hàng thịt, cô hàng bông vài câu vui vẻ rồi phóng xe về. Chợt nhận ra rằng, đi chợ truyền thống có cái vui, cái thân mật của sự giao tiếp cộng đồng. Quen mặt, quen tên thì thăm hỏi, chào nhau hay bông đùa vài câu với người này người nọ. Tất nhiên, nếu thấy ai dữ dằn quá, nanh nọc quá thì tránh xa. Đi chợ, đặc biệt không bị chặt chém vì mua chỗ quen mặt biết tên. Đơn giản cứ nghe vợ dặn mua chỗ nào, quầy nào, người nào, tên gì thì cứ thế mà đến mua.

 

Rất khỏe! Và, còn được vợ khen.

 

Sướng!

 

Theo Nhà thơ Đỗ Trung Quân

PNO