Thời hậu chiến

(Dân trí) - Cuộc sống lứa đôi không tránh khỏi bất đồng quan điểm dẫn đến cãi cọ thậm chí bùng nổ chiến tranh giữa hai vợ chồng. Sau mỗi lúc như vậy, cần lên kế hoạch thiết lập hòa bình, chấm dứt chiến tranh lạnh.

Không ai là hoàn hảo

 

Hãy luôn tâm niệm điều đó. “Điều hoản hảo nhất nằm trong cái không hoàn hảo”, ai cũng ít nhất một lần mắc lỗi.

 

Hiểu được điều đó sẽ giúp bạn thấy nói lời xin lỗi là chuyện bình thường thay vì cảm thấy “xấu hổ” khi phải thừa nhận mình đã sai.

 

Đừng để cái “tôi” lấn át

 

Cái “tôi” của mỗi người là lòng tự trọng, tự ái, tính kiêu hãnh. Bạn cảm thấy mình đánh mất cái tôi khi thừa nhận lỗi lầm. Song thực ra, nhận ra sai sót và chủ động xin lỗi chính là cách đề cao lòng tự trọng của mình, đề cao cái tôi nhất.

 

Không cố chấp

 

Bạn không bao giờ muốn thua người khác thì dù có biết sai bạn cũng không chịu thừa nhận và tìm cách bao biện, đổ lỗi. Hãy gạt tính ngoan cố đó đi.

 

Nếu bạn biết được những việc mình đang làm gây tổn thương đến người khác, đến những người bạn yêu quý thì chắc chắn bạn sẽ không vì sự cố chấp, tính hiếu thắng của mình mà đánh mất đi tình bạn, tình yêu.

 

Hãy cân nhắc xem với bạn gìn giữ tình cảm quan trọng hơn hay “chiến thắng” mới là điều quan trọng để có thể nói lời xin lỗi khi chưa quá muộn.

 

Các cách xin lỗi không “trực diện”

 

- Viết “anh/em xin lỗi” hoặc “mình xin lỗi” lên một mảnh giấy kèm lời nói yêu thương như “anh vẫn còn yêu em nhiều lắm” hay “mình vẫn rất quý bạn” và dán lên một nơi người đó có thể dễ dàng nhận ra như bàn làm việc, ví, cửa phòng.

 

Chắc chắc sẽ không ai còn giận bạn khi nhận được lời xin lỗi theo cách này và mọi người cũng sẽ “thông cảm” cho sự “ngượng ngùng” của bạn.

 

- Gửi tới người đó một tấm thiệp xin lỗi với những lời giải thích “chính đáng” của bạn về những gì mình đã làm. Nói chân thật nhất để người đó hiểu được cảm xúc của bạn và biết rằng bạn thật sự lo lắng khi làm họ giận hoặc bị tổn thương.

 

- Viết lời xin lỗi bằng nhiều cách khác nhau như “anh biết lỗi rồi”, “đừng giận anh nữa nhé”, “anh sợ mất em”, “anh hứa sẽ không tái phạm” v.v. lên nhiều mảnh giấy và để khắp nơi, bất kể chỗ nào người đó có thể nhận ra.

 

Bằng cách này dù bạn có phạm lỗi “tày trời” người đó vẫn mềm lòng mà bỏ qua cho bạn. Cuối cùng đừng quên xuất hiện trước người đó với một bó hồng đỏ thắm.

 

- Gửi tặng người đó một bài hát qua đài gợi nhớ kỷ niệm của hai người với lời nhắn nhủ yêu thương “anh yêu em”, “em yêu anh”. Dù người đó có ở xa bạn, có giận bạn thì những gì bạn làm cũng sẽ làm họ cảm động, sẽ làm trái tim họ hướng về bạn nhiều hơn.

 

Hãy thể hiện rằng bạn thật sự cảm thấy có lỗi qua hành động “lập công chuộc tội”. Nếu bạn là phái mạnh, hãy thử một lần để nàng được ngồi xem ti vi, đọc báo còn mình chuẩn bị bữa tối, dọn nhà.

 

Trước thái độ “thành khẩn” như vậy chắc nàng sẽ không bắt bạn phải “cúi mình xin lỗi” và sẵn sàng bỏ qua. Còn nếu bạn là “phái yếu” thì hãy trổ tài nữ công gia chánh, hãy “thu phục” chàng bằng con đường “đi qua dạ dày” thử xem.

 

Có nhiều cách để tránh không phải nói hai từ xin lỗi mà vẫn nhận được sự tha thứ, nếu những gì bạn làm xuất phát từ trái tim, từ sự chân tình. Hãy hành động ngay để tái thiết hòa bình bạn nhé.

 

Hải Yến

(Tổng hợp)