Thiệt hơn chuyện “chơi bời” với đồng nghiệp

Hầu hết những chuyện tình công sở đều không có kết cục quá bi ai như những chuyện 3 người khác. Đó là “nhờ” rất nhiều lý do. Đầu tiên phải kể đến “quan niệm” của những người trong cuộc.

Thiệt hơn chuyện “chơi bời” với đồng nghiệp - 1
 
“Bị cắm sừng”,  buồn không?

 

“Có biết đâu mà buồn”, H.A, một người thứ 3 vô tư kể: “Là đồng nghiệp với nhau nên hai gia đình qua lại thường xuyên. Có lần, “tui” nhắn tin cho ông đó bị vợ ông đó “bắt” được, hùng hổ cặn vặn: Thế này là thế nào? Ông đó cười cười nửa đùa nửa thật bảo vợ: Thì nó thế nào là thế đó. “Tui” cũng cười trừ: Em đùa. Thế là huề cả làng”.

 

Câu chuyện của H.A không phải là hiếm, H.V ( nhân viên 1 công ty nước ngoài) vốn nổi danh cả công ty nhờ tài “che mắt” đối thủ. Cặp bồ với sếp nhưng V. lại rất thân với vợ sếp - cũng làm cùng cơ quan. Hôm thì V. đi siêu thị mua đồ với vợ, hôm thì đi... chơi với chồng. Câu chuyện êm đẹp cho tới tận hồi kết thúc, cặp đôi đường ai nấy đi...

 

Chuyện của G. (cán bộ một trường đại học tại Hà Nội) cũng vậy. Là cán bộ văn phòng, cô cặp ngay với anh lái xe trong trường. Họ thỏa thuận cùng nhau vui vẻ những lúc rảnh, sau khi đã dành thời gian cho gia đình và thường đi chơi cùng nhau khi... chồng/vợ không đi được với mình. Tuân thủ tuyệt đối những quy định như vậy nên “cuộc sống riêng” của họ chẳng bao giờ bị phát giác.

 

H.A cho rằng: Hoàn thành trách nhiệm với gia đình và mối tình công sở không có gì sai trái. Thậm chí nó còn khiến cho 2 bên cảm thấy hạnh phúc hơn, yêu đời hơn...

 

V. lại cho rằng: Không cần tiến tới hôn nhân, làm sao có thể gọi đó là đi giật chồng của người khác. Việc qua lại chỉ là thú vui của những người hợp gu mà thôi...

 

“Sống chung với lũ”

 

Thủy Linh (27 tuổi, cộng tác viên VTV) cho rằng không thể quản lý nổi 8 giờ vàng ngọc của bạn đời, cũng không thể theo dõi xem họ hàng ngày đi chơi với ai, nhất là khi ranh giới giữa 2 giới ngày càng mờ nhạt, sự bày tỏ những cử chỉ thân thiết, những cuộc tâm sự chéo cánh ngày càng phổ biến.

 

Cô cũng quan niệm, trong cuộc sống ngày nay, cái tôi cá nhân quá cao kéo theo việc mỗi người ít bị ràng buộc. Đòi hỏi bạn đời chung thủy tuyệt đối là khó thực hiện và cũng khó phát hiện. Cách tốt nhất là sống chung với lũ. Càng biết ít càng tốt!

 

Theo đánh giá của các nhà xã hội học, các chuyên gia tâm lý, xu hướng ngoại tình nửa ngày nơi công sở đang ngày một phát triển. Chính môi trường công chức hiện đại là một trong những yếu tố thích hợp cho sự bùng phát của hiện tượng này.

 

Hầu hết các thành viên trong gia đình đều “có quyền” dùng cơm trưa tại công sở. Đây là lợi thế về thời gian, thêm vào đó là sự dư dả về điều kiện kinh tế và sự căng thẳng trong công việc thường nhật. Các đồng nghiệp nam và nữ có điều kiện gần gũi, chia sẻ với nhau nên việc “bén lửa” là điều tất yếu.

 

Ai thiệt ai hơn?

 

Theo ý kiến chuyên gia, đời sống công chức vốn ổn định về thu nhập nhưng lại phức tạp về tinh thần và thường có nhu cầu chia sẻ cao. Thế nên sau khi kết hôn khoảng 5 năm, tình cảm vợ chồng bước vào giai đoạn bình lặng. Lúc đó, nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ, khác biệt trỗi dậy và nếu gặp những “điều kiện thích hợp” thì nó sẽ bén rễ và phát triển thành tình công sở.

 

Tình công sở đôi khi không cần đến sự cung cấp về vật chất hay nhu cầu thể xác mà chỉ là sự quấn quýt, san sẻ về tinh thần. Trong những trường hợp này, khó có thể nói ai thiệt, ai hơn bởi người trong cuộc hầu hết đều là những người “minh mẫn”, sòng phẳng và đa số biết làm chủ bản thân, dung dưỡng cái tôi ích kỷ bằng cách chơi bời, hưởng thụ ích kỷ.

 

Trên thực tế, đối với nhiều người, việc “chơi bời” với đồng nghiệp tại công sở không nên quy kết nặng nề theo thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Bởi theo họ, ngoại tình phải là làm cho bạn đời đau khổ, gia đình tan vỡ. Còn chuyện của họ thì không đến mức như vậy. Họ chỉ “giải trí” đôi ba tiếng trong thời gian làm việc mà thôi. Nhất là đối với những trường hợp bị “vấp” do vợ/chồng không đáp ứng được nhu cầu tình cảm, khiến cuộc sống của họ nhàm chán, buồn tẻ.

 

Cũng theo chuyên gia, những ca tư vấn về “người tình nửa ngày” của bạn đời ngày càng nhiều. Nó chứng tỏ lối sống thoáng, coi nhẹ đạo đức xã hội của giới trẻ ngày càng tăng. Và lối suy nghĩ buông thả như trên của những người trong cuộc chỉ là sự ngụy biện. Bản chất của việc dung dưỡng thứ tình cảm ngoài chồng, vợ không chỉ xâm phạm đến các quy chuẩn của đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật.

 

Và dù các chuyên gia tâm lý có lên tiếng phê phán hiện tượng “tình công sở” thì trong đời sống công chức 8 tiếng/ngày, đây vẫn là những làn sóng ngầm xuất hiện ngày càng nhiều do lối sống hiện đại, tâm lý thoáng tạo nên.

 

Theo Thời Trang Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm