"Vì tôi ngoại tình, và cô ấy không thể tha thứ cho tôi"
(Dân trí) - Tòa hỏi vợ chồng bạn vì sao muốn ly hôn? Chồng bạn im lặng, còn bạn nói rành rọt rõ ràng: “Chúng tôi không muốn sống chung cùng nhau nữa”. Hẳn là chồng bạn không thể nói: “Vì tôi ngoại tình, và cô ấy không tha thứ cho tôi”.
Tối, bạn gọi điện, bảo “Ngày mai đến tòa với tao nhé!” Từ hồi quen nhau, rồi thân nhau, hai đứa đi đâu cũng rủ nhau đi cùng cho vui. Nhưng lần này thì biết rằng dẫu có đi cùng nhau cũng chẳng vui được nữa.
Cả hai đến tòa án, thấy chồng bạn đã đứng chờ ở đó. Anh nhìn mình gượng cười, nụ cười méo mó đến đáng thương. Chợt nhớ ngày tiễn bạn lên xe hoa, đông đúc và vui vẻ đến chừng nào. Hôm đó anh em, họ hàng, bạn bè, nhạc và hoa vô cùng náo nhiệt. Hôm đó bạn và chồng là trung tâm của cuộc vui. Hôm nay cũng hai người ấy là trung tâm, nhưng buồn.
Hồi nhận lời lỏ tình của anh, bạn khoe với mình: "Điều tuyệt vời nhất mình từng có trên đời này là gặp được anh ấy". Vậy mà sau sáu năm sống chung, bạn lại nói đó là điều hối tiếc nhất trong cuộc đời. Khi người ta chưa yêu, cứ nghĩ tình yêu là tất cả, là thứ quan trọng nhất. Khi yêu rồi mới biết sau tình yêu còn có chia tay. Tình yêu như mưa bóng mây, đến đó rồi đi đó, có đó rồi mất đó không thể nào cầm giữ được.
Ở trên, tòa đang hỏi vợ chồng bạn vì sao muốn ly hôn? Chồng bạn im lặng, còn bạn nói rành rọt rõ ràng “Chúng tôi không muốn sống chung cùng nhau nữa”. Hẳn là chồng bạn không thể nói “Vì tôi ngoại tình, và cô ấy không tha thứ cho tôi”. Còn bạn cũng không muốn nhắc lại cái từ đau đớn đó. Và họ bắt đầu cuộc phân chia, nhà cửa, tài sản và cả hai đứa con đang nô đùa ngoài mảnh sân kia. Chúng không hề bận tâm mẹ cha chúng đang tranh cãi chuyện gì, cũng không hề biết chỉ một chút nữa thôi, đứa về với cha, đứa về với mẹ. Sẽ thôi những ngày được ăn chung, ngủ chung, sẽ không còn có ai cùng nô đùa, chọc ghẹo, tranh giành đồ chơi nữa.
Tôi lân la ra ngoài, ôm cô bé mới lên ba tuổi vào lòng, hỏi “con yêu ai?”. Nó chu đôi môi nhỏ rất đáng yêu “Con yêu bố, con yêu mẹ”. “Thế con muốn ở với ai?”, “Con muốn ở với bố, ở với mẹ”. Thằng anh 5 tuổi ra chiều hiểu biết nói “Mẹ bảo sau hôm nay anh em mình không ở chung với nhau nữa đâu. Mẹ nói anh thích đồ chơi gì thì cứ mang đi, mẹ sẽ mua cho em đồ chơi khác”. Tôi không khóc mà khóe mắt cay cay. Trẻ con, suy cho cùng vẫn là những kẻ đáng thương nhất sau một cuộc hôn nhân tan vỡ.
Quán cà phê trưa hôm ấy, cà phê như đắng hơn. Bạn ngồi ngó ra đường, nước mắt chảy dài lặng lẽ. Hôm nay bạn không son phấn, những vết nám trên da mặt hiện rõ. Đôi mí mắt sưng lên, nét mặt hiện rõ sự mệt mỏi. Bạn nói suốt đêm qua bạn không ngủ, nghĩ đi nghĩ lại vẫn là không thể không ly hôn. Cô gái trẻ ấy đang mang thai, cô bé mới hơn hai mươi tuổi. Chồng bạn bảo lỡ dại, nằn nì đòi cô bé bỏ thai vì tương lai dài phía trước, và vì anh còn vợ còn con. Nhưng cô bé kia nhất mực không chịu. Cô bé nói “một người mẹ mà giết con mình không phải là nhẫn tâm quá hay sao?”. Cô bé ấy gặp bạn, khóc lóc xin lỗi, xin bạn bảo chồng đừng ép cô ấy bỏ thai. Cô ấy dại cô ấy chịu, nhất định không quấy quả gia đình bạn. Cô ấy còn phải theo học nốt năm sau nữa mới ra trường…”.
Chồng bạn quỳ trước mặt bạn mấy lần xin đừng ly hôn. Bạn hỏi chồng “Là anh yêu cô ấy, hay là chỉ có ý định chơi đùa cho vui?”. Anh nói “với cô bé anh cũng có chút ngây dại xiêu lòng vì sắc đẹp của tuổi thanh xuân, nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ vợ con vì cô ấy”.
Ai cũng nói rằng “Đàn ông nông nổi giếng khơi” mà sao khi yêu thì lại “nông nổi như cơi đựng trầu”? Sao lại có thể nghĩ đến chuyện thêm mà không bớt? Sao lại chỉ nghĩ đến việc được mà không mất? Sao lại không màng đến chuyện phải đánh đổi những thứ mình đang có?
Bạn thấy lòng mình tổn thương, thấy trái tim mình đau thắt. Nếu chồng nói chồng chỉ là ham vui một chút thôi thì bạn còn cân nhắc, chứ chồng nói anh cũng yêu người ta, nghĩa là tình yêu dành cho bạn đã vơi đi ít nhiều. Con bạn cần bố, con người ta cũng cần bố. Cô gái kia thì hãy còn quá trẻ. Nếu ví hạnh phúc trong tình yêu chỉ như một tấm chăn thì tấm chăn ấy chỉ đủ đắp cho hai người, có người thứ ba chen vào thì một người phải chui ra chịu rét. Tình yêu của bạn đã có vết nứt rồi, có cố gắng cũng không thể lành nguyên như xưa được, thôi thì mình kết thúc để người khác được bắt đầu.
Con bé con ngồi bên mẹ, ôm chiếc điện thoại mải mê, thi thoảng lại hỏi mẹ “Bố và anh đi đâu lâu thế?”. Nó bé quá, nó chưa hiểu nó vừa phải nhường bố cho một em bé khác, cũng không thể biết mỗi câu hỏi của nó như kim châm vào tim mẹ. Sự ngây thơ của con trẻ càng khiến người lớn đau lòng.
Từ trong quán nhìn ra, có cụ ông đang dắt cụ bà chậm rãi qua đường. Cụ ông nhìn còn nhanh nhẹn, còn cụ bà dò dẫm như thể mắt đã mờ lòa. Nhìn cách ăn mặc của họ có vẻ như là nghèo khổ, cũng có thể họ dắt nhau đi ăn xin. Tấm áo bông cũ sờn họ khoác trên người có lẽ không đủ ấm cho ngày đông giá lạnh, ấy vậy mà sao cứ thấy ấm lòng.
Cuộc đời này, thứ quan trọng nhất chưa hẳn là bạc tiền, chưa hẳn là địa vị. Mà là mỗi ngày qua đi, mặt trời mọc rồi lặn, thời tiết nắng rồi mưa, thủy triều dâng lên rồi hạ xuống, hết mùa đông này đến mùa đông kia, có một bàn tay nắm lấy tay mình, dù đói dù no, dù khi còn thanh xuân hay tóc trên đầu đã bạc.
Người ta yêu nhau rồi làm nhau đớn đau, hứa hẹn bên nhau rồi nhẫn tâm buông bỏ, là vì đâu? Nếu không phải vì tham lam, nếu không phải vì ích kỉ? Thực ra tình yêu muôn đời không hề thay đổi. Chỉ có lòng người vì những sân si dối trá mà bạc bẽo đổi thay.
Lê Giang