Thầy ơi, chúng con xin lỗi!

(Dân trí) - Nhìn tấm lưng gầy của thầy như còng thêm, mái tóc đã gần như bạc xóa vẫn nắn nót từng dòng chữ trên bảng tin chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường lại thấy có lỗi và thương thầy nhiều hơn.

 

Thầy Lễ cặm cụi trang trí bảng tin mừng 40 năm thành lập Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) - nơi thầy đã từng công tác cho đến khi nghỉ hưu.
Thầy Lễ cặm cụi trang trí bảng tin mừng 40 năm thành lập Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) - nơi thầy đã từng công tác cho đến khi nghỉ hưu.

Thầy hiền, hiền đến nỗi lũ học trò định danh “hiền như thầy Lễ, dễ như thầy Cầm”. Thầy hiền, lại là giáo viên môn Kỹ thuật nông nghiệp, cái môn học mà trong tiềm thức của lũ học trò chúng tôi là môn phụ nên chẳng đứa nào chịu học.

Chúng tôi phần lớn là con nông dân, từ nhỏ đã quen với cầm cuốc, cầm liềm. Làm đất như thế nào, cấy lúa ra sao… hầu như đứa nào cũng đã thành thạo. Bởi vậy, những bài giảng về kỹ thuật trồng trọt, làm đất, chăn nuôi… chúng tôi gần như đứa nào cũng thuộc làu rồi. Còn mấy đứa ở thị trấn, nhà có đất, có ruộng đâu mà phải học cái này. Bởi vậy, cứ giờ kỹ thuật nông nghiệp là bọn tôi tự cho phép mình nghỉ học.

Thầy Lễ đã già lắm rồi. Đâu như cái khóa của chúng tôi 12 năm về trước là khóa cuối cùng thầy đứng lớp. Thầy hiền, gầy gò, tóc muối tiêu cứ khản cổ dạy trên bục. Dưới lớp lũ học trò chúng tôi đứa gục mặt xuống bàn ngủ, đứa nói chuyện riêng, đứa học bài môn khác, cứ rào rào như ong vỡ tổ.

Lắm lúc thầy bực mình với lũ học trò bất trị, quát lên. Lớp im lặng được một lát, thầy lại quay về với bài giảng với sự nhẫn nại hiếm có của mình. Sự trật tự chỉ kéo dài được dăm phút rồi lớp lại như ong vỡ tổ. Đã có lần sự giận dữ lên đến đỉnh điểm, thầy phê ngay 8 điểm vào sổ đầu bài. Không cần một tiếng to của thầy, lớp lặng yên như tờ, lấm lét nhìn nhau. Cũng chẳng phải vì hối hận, ăn năn và cảm thấy có lỗi với thầy mà chỉ lo tuần này lớp mình đứng bét trường. Trống hết tiết, thầy xách cặp ra cửa. Mấy đứa chạy theo năn nỉ thầy sửa lại điểm đầu bài. Thầy vẫn bước đi, chẳng đứa nào kịp thấy vai thầy chùng hơn thường lệ.

Sau mấy bận bị lũ học trò bám dai như đỉa, năn nỉ đến điếc cả tai, thầy cầm bút chữa con số 8 thành 9,5. Cả lớp thở phào nhẹ nhõm và cứ mặc nhiên xem đó là thành tích của mình.

Chẳng đứa nào chịu học nhưng môn này không đứa nào thiếu điểm, ngược lại điểm cao nữa là khác. Thầy là vậy, chẳng bao giờ giận học trò, cũng chẳng nỡ hạ bút mà cho chúng điểm kém. Thầy hiểu, trong suy nghĩ của lũ học trò lúc ấy, chẳng đứa nào mặn mà với ruộng đồng, đất cát, cây, lúa… Đứa nào cũng mơ đến một ngày thoát khỏi đồng ruộng, thành bác sỹ, nhà giáo, kỹ sư… Với chúng, môn học của thầy luôn luôn là môn phụ.

Hết lớp 10, không còn môn Kỹ thuật nông nghiệp, thầy cũng nghỉ hưu. Lũ chúng tôi dường như chẳng ai nhớ đến thầy, bởi thầy là giáo viên môn phụ!

Đợt này, học sinh cũ chộn rộn cho buổi gặp mặt kỉ niệm 40 năm thành lập trường. Kế hoạch thăm lại trường cũ, thăm thầy cô giáo chủ nhiệm được vạch ra đến từng chi tiết. Dường như chẳng ai nhớ đến câu cửa miệng “hiền như thầy Lễ…”

Ai đó đưa lên facebook tấm hình một người thầy đứng quay lưng trước bản tin của trường, tay nắn nót tô đậm con số 40. Lũ học trò cũ nhao nhao “Ai đó?. Thầy Lễ phải không? Thầy già quá! Ngày xưa, thầy hiền nhất trường… Chỉ bấy nhiêu đấy thôi khiến khóe mắt con thấy cay xè vì cảm giác có lỗi với thầy.

Hơn 10 năm, lũ học trò ngày xưa đã lớn, đã là cha, là mẹ. Rất nhiều trong số đó đã tiếp bước con đường thầy đã đi. Có đứa dạy Văn, dạy Toán, có đứa dạy giáo dục công dân… Lũ học trò bây giờ vẫn ngầm phân định môn chính và môn phụ, đương nhiên, thầy cô dạy môn chính vẫn được chúng nhớ nhiều hơn…

Chúng con giờ đã lớn, những va vấp trong cuộc sống cũng đủ để lũ học trò ngỗ nghịch ngày xưa hiểu rằng chẳng có môn nào chính, môn nào phụ cả. Mỗi môn học sẽ trang bị cho chúng con những kiến thức khác nhau mà cuộc đời thì muôn hình muôn vẻ lắm. Chiều qua, con dẫn con trai mình ra vạt rau trồng trong những ô xốp (phố lấy đâu ra đất mà cuốc, đánh luống trồng rau phải không thầy?), mỏi cả miệng khi trả lời những câu hỏi ngô nghê của con.

Tại sao lại dùng dao để xới đất? Tại sao mẹ lại bỏ phân vào đất? Tại sao phải tưới nước cho rau? Những câu trả lời này ngày trước thầy đã dạy con rồi đúng không thầy? Ngày trước, chúng con cứ nghĩ rằng những điều đó là không cần thiết và không cần phải học.

Những ngày lễ lớn, nhà trường vẫn mời thầy lên, nhờ thầy trang trí những bảng tin, những tờ báo tường… Thầy vẫn hiền như thế, chỉ có điều tuổi tác đã phủ một màu trắng xóa lên mái tóc. Nhìn tấm lưng gầy như còng xuống, đôi bờ vai như gầy thêm, nhẫn nại đưa từng đường phấn chúng con lại thấy thương thầy nhiều hơn.

Thầy ơi, chúng con sẽ về, để được nói một lời xin lỗi với thầy, để được thầy tha thứ cho những ngỗ nghịch ngày xưa, để được nhìn đôi mắt hiền từ và nắm lấy bàn tay gầy guộc. Chúng con sẽ ngồi thật ngoan trong lớp học ngày xưa, để được nghe thầy kể về những hạt lúa, củ khoai, những hòn đất…

Chúng con sẽ về, thầy nhé!

Hoàng lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm