“Thay máu”

(Dân trí) - Sáng nay ông dậy sớm, đun nước pha ấm trà, đi tưới luống rau, cho mấy con chim bồ câu ăn, rồi lại ra cổng ngóng vẻ sốt ruột.

- Nhà thằng Bi lâu về thế bà nhỉ?

 

- Ông rõ lẩm cẩm. Còn sớm mà!

 

Ông cười rồi lôi cái xe mới mua cho thằng cháu ra lau, kiểm tra ốc, chốt vặn.
 
“Thay máu” - 1

Hình chỉ có tính chất minh họa (Getty images).

 

Ông bà có mỗi mụn con, tốt nghiệp Đại học anh xin việc trong Sài Gòn, vừa mới chuyển được ra ngoài này, nhưng cũng cách quê ngót bốn chục cây số. Rồi anh lấy vợ, sinh con.

 

Vậy là cũng đã hơn 1 tháng ông chưa gặp cháu nội. Thi thoảng bố mẹ nó gọi điện về, nghe cháu bi bô gọi mà mắt ông cứ rơm rớm vì thương. Nhớ lại những phút bế cháu đi chơi vườn, chỉ trỏ cây cối hoa lá, nó thích lắm, cười khanh khách.

 

Nhớ lúc xưa, ông được điều vào đoàn lái xe xẻ dọc Trường Sơn để mang lương thực, vũ khí giải phóng Miền Nam. Lúc nào ông cũng được người khác kính trọng. Dù không có quân hàm, cấp bậc cao, nhưng ông luôn có những sáng kiến và quyết định táo bạo để đoàn xe được an toàn.

 

Trở lại thời bình, mỗi người một ngả. Ông xin vào tổ lái xe đường dài chở hàng cho công ty gần nhà. Cái nghiệp cầm lái đem lại cho ông bao kỷ niệm ngọt bùi cay đắng, có đầy những cám dỗ của sự cô đơn, cả cạm bẫy của thời buổi kinh tế thị trường mà nhiều lúc ông không vượt qua được.

 

Bà vốn chỉ trông vào ruộng vườn, sức khỏe lại không được tốt nên kinh tế hơi kém. Nhiều lúc nhìn cơ ngơi của các bạn đồng ngũ, ông cũng chạnh lòng. Vậy là cứ rảnh rỗi ông lại ngồi suy tính mong cho mau giàu, để rồi sa vào vòng xoáy của số đề, lương được mấy đồng nướng hết vào đó. Mỗi lần cần tiền hay việc làng việc họ, ma chay cưới hỏi đều đến tay bà lo, lại phải chạy vạy đi vay hoặc bán sớm lứa gà, lứa vịt. Ông toàn đóng kín cửa phòng, “nghiên cứu” xem hôm nay ra con nào, sau khi có kết quả lại lôi bạn đề về uống trà, phân tích. Đến khi về hưu ông vẫn thế. Chả ai bảo được!

 

Ngày con dâu sinh cu Bi được bốn tháng, phải trở lại công việc, bà đi trông cháu. Đầu tuần đi, cuối tuần về thấy nhà cửa tanh bành, đàn gà, đàn chim xơ xác, ông thì ăn uống thất thường, gầy rộc, bà càu nhàu: “Sao ông không thu nép nhà cửa khi tôi đi vắng? Mà ông cứ thức đêm thức hôm thế thì làm gì còn sức khỏe!

 

Ông sẵng giọng:

 

- Kệ bà, đó là việc của bà. Tôi có thân tôi lo!

 

Bà xuống trông cháu mà cứ đau đáu lo cho ông ở nhà. Cu Bi được hơn một năm, mẹ nó ít sữa, nó lại chịu uống sữa ngoài, hoàn cảnh như thế, bà liền thuyết phục anh chị cho con cai sữa, về ở với ông bà.

 

Ông quý cháu, quấn quýt, nựng nịu suốt, nhưng cứ đến giờ “nghiên cứu” ông lại bỏ mặc tất, kệ hai bà cháu. Dường như cái máu đỏ đen đã ngấm vào ông.

 

Cu Bi vốn hiếu động, hay mò mẫm. Chiều hôm đó bà đinh ninh ông trông cháu nên lúi húi nấu cơm, dù ông vẫn mải “tính toán”. Bỗng có tiếng Bi kêu ré rồi khóc ầm ĩ, đầu nó va vào cạnh bàn rướm máu.

 

Nhận được tin, bố mẹ cu Bi vội phóng xe về, cũng may nó chỉ bị phần ngoài da, sẵn giận ông, tối đó anh con lấy hết “tài liệu đề” của ông đốt sạch, rồi hai vợ chồng bế con đi luôn, nói sẽ không về nếu ông không chịu bỏ đề đóm, khiến ông tức giận xen lẫn buồn bã và ân hận với cháu.

 

Ông ngã bệnh ngay sau đó, hậu quả một phần từ việc sinh hoạt không điều độ. Ngày ông nằm viện bạn bè đến thăm nhiều, hội đồng ngũ ngồi ôn lại kỷ niệm cũ, chiêm nghiệm những điều đã qua, ông suy nghĩ rất mông lung. Mấy ông bạn ý tứ đùa xen lẫn với khuyên nhủ: “Ông kết bạn với đề lâu rồi đâm già đi nhiều quá”. “Tôi thấy ông vẫn còn chất của anh bộ đội cụ Hồ, cái nghiệp nhà binh chưa lạc đằng nào được. Hay là vào hội Cựu Chiến binh đi, anh em gặp gỡ nhau, thi thoảng đi đây đi đó, thăm thú, giúp đỡ các đồng đội, có ý nghĩa hơn”.

 

Ông từ tốn nói để suy nghĩ, nhưng lâu rồi, bà mới thấy ông nở nụ cười sáng cả khuôn mặt như thế! Biết đâu trong cái rủi có cái may.

 

Ra viện, ông thấy đầu óc thanh thản. Cái ám ảnh về những con số giờ đã mờ nhạt, “tài liệu” chẳng còn. Ông thấy nhớ cháu, bảo bà gọi điện bảo chúng nó đưa cháu về chơi. Ông vừa mua tặng nó cái xe…

 

Đang lúi húi lau xe, ông ngẩng mặt lên bảo bà: “Hôm nào bà xem bắt thêm ít gà về nuôi, tôi khắc giúp một tay!”.

 

Bà gật đầu, rồi bỗng reo lên: “Nghe như xe nhà thằng Bi về!”, đàn chó chạy ra vẫy đuôi tíu tít.

 

TSL