Thầy giáo làng
(Dân trí) - Tôi sinh ra ở làng, thuở bé đi học trường làng, lớn lên tha phương nhiều chốn, vẫn chỉ quanh quẩn nhớ ngôi trường lụp xụp mái ngói đỏ và những ông giáo, bà giáo làng nghiêm nghị mà hiền từ như bụt.
Thuở đấy chúng tôi không có cầu trượt, đu quay, cả năm trời chỉ háo hức chờ trung thu và Tết để được bố mẹ mua tặng cái lồng đèn hay con búp bê có đôi mắt kỳ lạ có thể nhắm, mở tùy theo tư thế đứng hoặc ngồi. Nhưng đợi chờ mãi như thế, chúng tôi khô héo mất. Cô tôi dường như có năng lực kỳ diệu đọc được niềm ao ước trẻ thơ, nên cô đã làm cho chúng tôi rất nhiều món đồ dân dã. Những con tò he sặc sỡ làm từ thứ bột nghiền khiến chúng tôi thèm ăn, những con châu chấu xanh lè làm từ lá dừa, lá chuối, những chong chóng, ông sao, cánh hạc, diều giấy treo đầy phòng học đã mê hoặc chúng tôi suốt tuổi ấu thơ nghèo khó.
Tôi đi học cấp một, ham chơi nhiều hơn ham học chữ và đếm số. Sau trường tôi có một ngọn đồi thấp và trọc. Mùa nắng lác đác màu xanh của cây sim, cây me mọc dại. Mùa mưa nước chảy từ trên đỉnh đồi, nghe róc rách vui tai như tiếng suối. Chúng tôi khoái những mùa sim, giờ ra chơi thường rồng rắn kéo nhau lên đồi hái những chùm sim chín mọng. Cô chủ nhiệm lớp tôi cấm tiệt, cuối tiết thường bắt chúng tôi lè lưỡi để kiểm tra, đứa nào lưỡi thâm tím, chứng tỏ đi hái sim, cô phạt ở lại 30 phút mới được ra về.
Tôi bị “truất ngôi” lớp trưởng cũng vì tội mê hái sim. Giận cô, tôi bỏ luôn một buổi học, chỉ để thơ thẩn trèo lên đồi ăn sim chín, lúc trèo xuống tôi trượt chân ngã lăn mấy vòng, người xây xát nhiều chỗ. Tôi ngất xỉu vì đau và sợ. Hôm đấy nếu cô tôi không lặn lội đi quanh đồi tìm rồi phát hiện và mang tôi đến trạm xá, không biết điều tồi tệ gì đã xảy đến với tôi. Cả lớp tôi từ đó ít ai dám lai vãng lên đồi sim, cô tôi đã nói đúng, rằng “leo lên đấy nguy hiểm vô cùng”.
Cấp hai, cấp ba là những ngày tháng tươi đẹp. Tôi mê nhiều môn học, đôi khi chỉ vì cảm hứng truyền từ các thầy cô. Cô dạy Toán rất thương tôi dù tôi làm Toán rất bộp chộp, cô hay hỏi những câu y chang bà ngoại tôi vẫn hỏi “Dạo này bế em giúp mẹ nhiều thế có bị sút cân không?”, “Hôm qua xóm em mất điện, đã ôn bài kịp chưa?”. Thầy Sử có chiếc xe đạp cọc cạch và chỉ đi dép tổ ong lên lớp, thầy bị học trò trêu vì tật nói hay trào bọt mép. Dù vậy thầy luôn cố trao bằng hết mọi kiến thức thầy có, chúng tôi quen với hình ảnh thầy, lấy hết sức bình sinh để giảng bài to, rõ, truyền đạt và luôn tay cầm khăn lau miệng.
20/11 là những ngày đặc biệt, chúng tôi háo hức đợi cả tháng liền. Hôm đó, chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày, mặc đẹp hơn mọi ngày và khăng khăng nhịn bữa sáng. Chúng tôi chạy ra vườn cắt mấy bông hoa hồng đã được khéo léo bọc giấy báo trước đó cả chục ngày để giữ cho nở đúng dịp. Chúng tôi lôi từ trong ngăn bàn một hộp phấn trắng do chính mình dành tiền mua. Chúng tôi nắn nót ghi những dòng chúc mừng ngây ngô lên tấm thiệp tự làm. Chúng tôi í ới gọi nhau đi thăm thầy cô, hoặc rong ruổi đèo nhau bằng xe đạp, hoặc hăm hở dắt tay nhau cuốc bộ.
Ở nhà thầy, cô, chúng tôi ăn bánh kẹo và cười đến no bụng. Có khi chúng tôi ở lại cùng làm bánh bột lọc hay nấu lẩu ăn với thầy, cô. Tối hôm đó, chúng tôi lên giường, lòng xôn xao không ngủ được. Chúng tôi nghĩ về 10 năm, 20 năm nữa, khi chúng tôi đã trở thành những giáo sư, kiến trúc sư, bác sĩ, khi thầy, cô tôi đã bạc phơ mái đầu, chúng tôi sẽ luôn trở về đúng ngày 20/11 để lại được quây quần, được ríu rít kể chuyện làng xã, trường lớp.
Nhưng rồi đã nhiều lần, chúng tôi quên trở về vào ngày đặc biệt đó, vì xa cách, vì công việc, gia đình, vì rất nhiều lí do tự bào chữa. Chúng tôi chợt nhớ rằng hình như chưa một lần nói cám ơn họ, những người đã ủ ấm trái tim chúng tôi từ tấm bé, đã cho chúng tôi nhiều hơn cả những con chữ.
Bình Tâm