Thắp lên ngọn lửa yêu thương

Gia đình sẽ trở thành tổ ấm khi các thành viên biết quan tâm, chia sẻ và cảm thông lẫn nhau. Tình cảm này không đơn thuần do bản năng mà cần được giáo dục, định hướng để phát triển đúng đắn.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần biết cách giúp con trẻ xây dựng tình cảm và ý thức quan tâm đến người khác từ thuở ấu thơ.

 

1. Chia sẻ cảm xúc

 

Trước hết, bạn nên khuyến khích con nói ra cảm xúc của chúng. Đó là điều cần thiết hàng ngày giữa mẹ và con. Sau đó, bạn hướng bé quan tâm, giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, bạn hỏi con cảm thấy như thế nào khi ngã. Từ đó, bạn giúp bé có sự đồng cảm với nỗi đau của người khác.

 

Tiếp đến, chỉ cho bé cách giúp những bạn nhỏ bị ngã, biết nhường nhịn nhau khi chơi đùa. Giúp chú mèo con trong nhà không đói hoặc chia bánh cho bạn bè... cũng là điều bé cần học.

 

2. Phân tích hành động của con

 

Cách này giúp bé hiểu hành động của mình có ảnh hưởng thế nào đến người khác.

 

Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Nếu làm thế này, con nghĩ bạn/anh chị em của con sẽ cảm thấy như thế nào?" . Chắc chắn bé sẽ suy nghĩ về điều đó.

 

3. Dạy bé biết tự kiềm chế

 

Với những trẻ nóng nảy, hiếu động, bố mẹ nên dạy bé cách tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời bạn cần tìm hiểu tại sao bé không hài lòng về điều đó để tránh có phản ứng, hành động tiêu cực.

 

4. Hãy là tấm gương cho con

 

Bố mẹ cần noi gương tốt cho trẻ, nhất là trong mối quan hệ giữa bạn và bé. Không nên phê phán hoặc tránh xa những người yếu kém, không may mắn, bất hạnh, nghèo túng. Tránh dè bỉu, chê bai khi thấy ai đó vụng về hoặc trông không được đẹp.

 

Thay vào đó, bạn hãy bày tỏ sự cảm thông và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Khi trẻ tâm sự về những sự việc, cảm xúc vừa trải qua, bạn hãy chia sẻ tình cảm của mình với bé.

 

Chẳng hạn, khi cùng bé đi trên đường, gặp một người hành khất, bạn hãy đưa con chiếc bánh hoặc ít tiền, bảo bé mang đến trao bằng hai tay cho người ấy. Nên giải thích cho bé hiểu tuy giá trị ít nhưng những gì bé vừa trao có ý nghĩa không nhỏ đối với người nhận.

 

5. Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn

 

Khi bực mình với con, bạn hãy nói cho bé biết bạn cảm thấy như thế nào. Bằng cách này trẻ sẽ hiểu tình cảm của bạn và ý thức được hành vi của mình mang đến điều gì cho người khác.

 

Tương tự, khi bạn tự hào về trẻ, hãy bày tỏ trực tiếp với chúng. Ví dụ, bé vâng lời bố mẹ, giúp đỡ bà lau dọn bàn ghế. Hãy khen ngợi và nói rằng bạn cảm thấy tự hào khi bé biết giúp đỡ mọi người.

 

6. Đừng vội lao đến giúp đỡ

 

Khi trẻ gặp khó khăn, bạn hãy cổ vũ, khích lệ bé vượt qua chứ không nên giải quyết giúp. Hãy để bé đối mặt với thử thách để tự hoàn thiện mình hơn. Chỉ khi tự nếm trải gian nan, bé mới hình thành ý thức về cảm giác phải đối mặt với khó khăn. Từ đó, bé sẽ học cách đồng cảm với những người gặp hoạn nạn.

 

Theo Tú Duyên

Tiếp thị & Gia đình