Thắng chồng
Nét nổi bật của hôn nhân hiện đại là vợ chồng bình đẳng, không ai lệ thuộc vào ai, nhưng cũng vì thế, “cái tôi” của mỗi người có nguy cơ trỗi dậy, đôi khi trở thành cản ngại chính của hạnh phúc gia đình.
Khi chàng “lép vế”
Tôi đến thăm một người bạn, thấy nhà mới xây khang trang đẹp đẽ nên khen: “Không ngờ ông lại có cả tài xây dựng nữa”. Ông chồng đang đắc chí, vẻ mặt hớn hở thì bà vợ làm luôn một câu: “Em phải mời kiến trúc sư nổi tiếng vẽ kiểu đấy anh ạ! Lại còn lăn lưng ra trông nom thợ suốt mấy tháng trời, chứ trông vào ông ấy thì có mà…”. Chị bỏ lửng, quay sang nhìn chồng bằng nửa con mắt, khiến anh chồng ngượng cứng người. Lẽ nào trước mặt khách, anh lại tranh kể công lao của mình. Nhưng từ lúc đó, nét mặt anh buồn thiu, rót nước mời khách rồi lẳng lặng uống từng ngụm, chẳng nói câu nào.
Tưởng chị vợ biết mình trót làm chồng mắc cỡ chắc cũng ân hận, nào ngờ một lúc sau nghe khách khen: “Thửa đất này vuông vức mà ngõ lại rộng, anh chị mua lúc nào mà khéo thế?”, chị lại làm tiếp một hồi. Nào là “nếu anh ấy nghe em mà mua cái mảnh đất ở chỗ ấy, chỗ nọ thì còn rộng hơn, giờ lại thành ra mặt đường”; nào là “không ai nhát như “cái ông này”, cứ sợ chưa có sổ đỏ, thế là người khác nhanh tay hơn mua mất; nào là những chuyện “chán đời” của ông ấy mà kể thì bảy ngày không hết...
Phải thừa nhận, trong vài thập niên gần đây, nhiều phụ nữ giỏi giang không kém nam giới, có khi còn tháo vát hơn chồng. Không hiếm gia đình ăn nên làm ra, xây nhà, tậu xe, con cái đi du học, phần lớn do tài năng của vợ là chính. Những ông chồng rơi vào hoàn cảnh này thường bị vợ chê là lạc hậu, thậm chí có bà vợ còn bảo chồng là mắc bệnh “ngu lâu” khiến thể diện đàn ông bị xúc phạm nặng nề. Cho dẫu kinh tế gia đình có khá giả đến đâu, những người chồng như vậy cũng không thể nào hạnh phúc. Người bạn đời mà trước đây họ thương yêu, tin cậy, giờ đã biến thành một “đối tác” đầy kiêu ngạo, luôn luôn giành thế thượng phong, đẩy họ vào vị trí của một người thất bại.
Anh Trần Trung, giáo viên trung học tâm sự: “Cách đây 17 năm, khi mới kết hôn, cô ấy là một đồng nghiệp trẻ, ngưỡng mộ tôi như một người thầy. Khi đó chúng tôi còn nghèo nhưng vợ chồng rất yêu thương nhau, vợ cảm phục chồng, chồng động viên khích lệ vợ, gia đình lúc nào cũng ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Giờ tất cả đã thay đổi. Dù tôi vẫn là một giáo viên dạy giỏi, vẫn chia sẻ việc nhà, vẫn đưa hầu hết lương cho vợ, nhưng trước mặt bạn bè, cô ấy thường gọi tôi là anh “giáo Thứ”, một nhân vật trong Sống mòn của Nam Cao, không có chí tiến thủ. Cô ấy mua đi bán lại vài mảnh đất kiếm được một số tiền thì đã tự cho mình có đầu óc, chê tôi làm ăn cò con, suốt đời không khá lên được. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc ly hôn vì không chịu nổi phải sống với một người luôn coi thường mình. Suốt năm qua, vợ chồng tôi gần như ly thân dù vẫn ngủ chung giường. Tôi cũng cảm thấy cô ấy đang mơ tưởng đến một người đàn ông tài giỏi nào đó chứ không phải người tầm thường như tôi. Có lẽ vì còn thương hai đứa con mà tôi chưa quyết định”.
Thắng chồng - lợi bất cập hại
Nói chung đàn ông chẳng mấy ai muốn thua kém vợ. Trong thâm tâm, anh chồng nào cũng muốn mình phải đứng mũi chịu sào, làm trụ cột của gia đình; chẳng ai muốn núp dưới cánh tay chèo lái của vợ. Vì thế, người vợ càng ra vẻ hơn chồng, càng tranh hết công lao thành tích về mình, coi chồng như người “vô tích sự” thì chồng càng chán. Thử hỏi có tình yêu, hạnh phúc nào tồn tại được trong gia đình như thế?
Nhà tâm lý học Jean Pierre Winter, người Pháp, trong một lần trả lời tạp chí Elle đã nói: “Cứ thế, chẳng ai chịu ai cho đến khi đưa nhau ra tòa ly dị. Thực ra tất cả chỉ là do “cái tôi” ích kỷ và cao ngạo, đầy ảo tưởng, tự tôn mình là thánh”.
Một cuộc khảo sát mới đây của các nhà tâm lý học, tiến hành với số ít những gia đình thật sự hạnh phúc dài lâu cho thấy, các gia đình đó đều có người vợ, người chồng, hoặc cả hai vợ chồng biết hy sinh “cái tôi” cho hạnh phúc chung. Đó là một người vợ khiêm nhường, tận tụy với chồng con, luôn nghĩ đến tương lai của gia đình. Đó là một người chồng không quản gian lao, vất vả, tận lực gây dựng cho gia đình một cuộc sống ấm êm. Còn hầu hết những gia đình đổ vỡ đều do một thành viên nào đó nghĩ đến “cái tôi” nhiều quá. Chúng ta chỉ cần quan sát một gia đình mà vợ sống theo “cái tôi” của vợ, chồng sống theo “cái tôi” của chồng, các con mỗi đứa sống theo “cái tôi” của mình, thì thật khó nói đó là một gia đình hạnh phúc, dù ở bất cứ khía cạnh nào.
Các nghiên cứu tâm lý xác định, đàn ông thường hiếu thắng hơn phụ nữ. Đàn ông không dễ chấp nhận mình kém hơn những người đàn ông khác, đừng nói là thua kém phái yếu, nhất là thua kém vợ. Vì thế, khi bị vợ chê bai và tìm mọi cách chứng minh là tài giỏi hơn chồng, người chồng rất khó chịu. Thế mới có những chị luôn thành công trong cuộc sống nhưng lại thất bại trong hôn nhân. Hóa ra với chồng, “thắng” đồng nghĩa với “bại”.
Vậy người vợ nên cư xử thế nào? Chị Thúy Hiền, Phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, được cử sang Nhật dạy tiếng Việt, lương mỗi tháng hơn 5.000 USD. Sau mấy năm trở về, chị đang sẵn tiền, lại gặp lúc đất còn rẻ nên mua được mấy mảnh khá rộng. Đất đai lên giá, gia đình chị thành tỷ phú. Vợ chồng chị xây nhà to, mua ô tô, nhưng những việc đó, chị luôn để chồng làm. Khách đến nhà, ai khen nhà đẹp, xe đẹp, chị bảo đó là công của anh. Chị còn nói, có tiền mà không biết sử dụng đồng tiền thì cũng không khá lên được. Chính vì thế, anh Thành, chồng chị không chỉ tự hào về vợ mà còn rất yêu vợ, vì chị luôn làm anh mát mặt với bạn bè. Qua cách nói của người mẹ, các con cũng thấy bố mẹ đều tài giỏi nên càng chăm ngoan. Khách đến chơi nhà còn được nghe chị kể, mấy năm mình đi nước ngoài, chồng ở nhà vừa nuôi dạy con đang tuổi ăn, tuổi lớn mà vẫn đảm bảo việc cơ quan. Chị luôn nghĩ mình may mắn có được người chồng đã giỏi giang, tháo vát lại chung thủy. Trong khi đó, anh vẫn công nhận gia đình khá lên được là nhờ có sự tháo vát của vợ.
Cư xử như thế, chị Hiền có sợ mình “thua” chồng không? Không hề! Trái lại, những người quen biết càng thấy nể trọng chị hơn. Vậy tại sao có những chị em cứ muốn “thắng” chồng, thậm chí hạ chồng xuống để tôn mình lên, có dịp là kể công cưu mang cha mẹ, anh em nhà chồng; chồng thua xa ông nọ, anh kia... Người chồng nào chịu nổi cảnh ấy?
Theo PNO