“Thằng bé dạo này gầy thế”

Huyền Anh

(Dân trí) - Nuôi con khoẻ mạnh, thông minh, ngoan ngoãn là mơ ước và mục tiêu của mọi bà mẹ trên đời. Họ có kế hoạch riêng của họ, và họ sẽ làm tốt dù bạn có thừa nhận cách làm của họ hay không...

Trong khi nhiều người lên tiếng phản đối những hành động “body shaming” - bình phẩm ác ý, chê cười hình thể của người khác, quá béo hay quá gầy, thì vẫn còn không ít những hành vi tương tự, tuy không hẳn là ác ý nhưng cũng khiến người khác vô cùng khó chịu.

Phải nói luôn là thằng con nhà tôi thì chưa bao giờ nó béo cả. Ngoài cái thời còn trong nôi lúc nào má cũng phúng phính, chân tay mấy ngấn vì bụ sữa như mọi em bé khác thì kể từ khi biết đi, rồi chạy nhảy, nó vận động nhiều đến nỗi “mỡ thịt đi đâu hết”, người lúc nào cũng chỉ săn sắt vậy, không suy dinh dưỡng tôi cho cũng đã là quá tốt rồi.

“Thằng bé dạo này gầy thế” - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Con trai tôi ưa vận động, thích đá bóng, chơi bóng rổ, đạp xe đạp và bơi, vào mùa Hè càng hiếm khi thấy nó ngồi một chỗ. Thằng bé ăn không nhiều, so với “con nhà người ta” pizza chén cả cái, sườn nướng ăn cả dẻ, gà rán làm mấy cái, vân vân và mây mây, thì con tôi tất nhiên còn lâu mới so bằng. Nó chỉ ăn đúng một phần nhỏ của nó, có khi còn không hết. Thằng bé chưa mọc đủ răng hàm nên ăn chậm, nhai lâu. Tôi cũng có lúc vì để ý nó ăn mà cảm thấy vô cùng sốt ruột, xong rồi giục nó, tốc độ chẳng khá hơn nên bắt đầu mẹ cáu con khóc, bữa ăn chẳng còn gì vui vẻ, con ăn cũng chẳng còn ngon miệng.

Thế rồi tôi nghĩ, “sẽ không bao giờ để ý khi nó ăn nữa, cứ 30 phút sau khi cả nhà đã ăn xong mà con chưa xong thì bữa của nó cũng kết thúc. Quyết định vậy đi”. Từ ấy tôi thấy việc ăn uống của con nhẹ nhõm hơn hẳn.

Thực ra thì việc ăn uống của con tôi không đến nỗi tệ (so với những đứa trẻ cứ phải vác đi rong hoặc ngồi xem TV chằm chặp mới chịu ăn). Nó sẽ ăn nhiều những gì nó thích, không động đến những món cái miệng nó bảo là “không thấy ngon” và khi con nói “con no rồi” thì tôi cũng chẳng bao giờ ép nó ăn thêm nữa.

Tôi xếp tất cả sữa, sữa chua, nước quả ép trong tủ lạnh, con sẽ uống khi con thấy muốn uống. Quan điểm của tôi là ép dầu ép mỡ ai nỡ ép ăn, bản thân mình - những người lớn - cũng thế thôi, khi đã no rồi, hay đã chán một món ăn nào đó rồi, mà cứ bị ép ăn thêm vào thì khác gì cực hình cơ chứ. Khi cơ thể phát tín hiệu “không thích ăn nữa” thì có nghĩa là nó đã đủ nhu cầu rồi. Ép ăn vừa khổ người phải ăn, vừa rước bực vào thân cho người phải ép.

Thế nhưng ông bà nội của con tôi thì không nghĩ như vậy. Lần nào cháu về thăm ông bà cũng xuýt xoa “thằng bé dạo này gầy thế”, rồi cứ nhằm lúc có mặt tôi là lại nói với con tôi “sao mẹ cháu không ép cháu ăn à”, hay bảo thẳng với tôi “ông A bà B bảo thằng nhà mình gầy quá”. Mà khổ nỗi, cháu nhà ông A bà B toàn tầm chiều cao trẻ thơ nhưng cân nặng thì vượt xa cả người lớn, đã vào mức béo phì, có nhìn vào điểm nào cũng không có ai to bằng con nhà họ. Thế thì sốt ruột để làm gì?

Bà ngoại các con tôi lại sốt ruột theo kiểu khác, không bình phẩm, không nhận xét, nhưng cứ “cháu vào tay mình” là nhồi lấy nhồi để cho căng rốn mới thôi. Từ khi cháu còn bé bà đã “nhồi”, bà cứ bảo “trẻ con ấy, phải bụ bẫm béo múp nhìn nó mới khoẻ mạnh, đáng yêu”. Bị nhồi nhiều chất quá bọn trẻ lại thêm cái chứng táo bón đến khổ. Có những món từ nhỏ đã bị nhồi quá nhiều, đến lớn lên bọn trẻ nhất định không chịu động đến nữa. Tôi lại tự hỏi, nhồi thế để làm gì? Cứ để chúng tự do lựa chọn những mùi vị chúng muốn và vui vẻ với thức ăn chúng dùng có phải tốt hơn không? Con người đến một tầm tuổi nào đó còn phải “siết cái mồm lại”, ăn ít đi để cơ thể được khỏe mạnh, vậy nên luyện thói quen ăn uống chừng mực, vừa đủ nhu cầu ngay từ nhỏ, thì đến lớn không phải khổ sở bóp mồm bóp miệng nữa.

“Body shaming” không phải chỉ gói gọn trong mỗi việc chỉ trỏ chê người khác béo, gầy, bình phẩm họ không đẹp, từ chối cơ hội phát triển cho họ, không cân nhắc đến năng lực mà chỉ nhìn vào hình thức. Cứ như các cụ nhà ta nhìn cháu rồi xuýt xoa gây áp lực cho con như thế cũng là “body shaming” rồi.

Xét cho cùng vẫn là việc tôn trọng sự khác biệt - cách của mình tốt không có nghĩa là cách của người khác nếu không giống mình là dở. Con ai người nấy nuôi. Và trên tất cả, nên tôn trọng quyết định của người mẹ. Nuôi con khoẻ mạnh, thông minh, ngoan ngoãn là mơ ước và mục tiêu của mọi bà mẹ trên đời. Họ có kế hoạch riêng của họ, và họ sẽ làm tốt dù bạn có thừa nhận cách làm của họ hay không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm